ASEAN và các đối tác nhấn mạnh bầu cử chưa phải ưu tiên tại Myanmar
Chiều 11/7, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15, tổ chức trong khuôn khổ AMM 58, ASEAN cùng các đối tác đối thoại nhấn mạnh rằng việc tổ chức bầu cử tại Myanmar hiện không phải là ưu tiên.
Thay vào đó, các nước kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và thúc đẩy đối thoại toàn diện nhằm hạ nhiệt xung đột và tạo điều kiện phục hồi ổn định.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan cho biết ASEAN tiếp tục đặt trọng tâm vào việc thực thi đầy đủ Đồng thuận Năm Điểm (5PC), trong đó gồm: chấm dứt bạo lực, triển khai viện trợ nhân đạo và xúc tiến đối thoại chính trị với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ông khẳng định, bầu cử không phải là nội dung của 5PC, và nếu diễn ra đơn phương sẽ càng làm trầm trọng thêm bất ổn.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15, tổ chức trong khuôn khổ AMM 58 hôm 11/7/2025.
Ngoại trưởng Hasan cũng cho biết ASEAN, thông qua các nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên, đã bổ nhiệm các đặc phái viên để tiếp xúc với các bên tại Myanmar, thúc đẩy cam kết ngừng bắn và giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 hồi tháng 5, ASEAN từng khẳng định rằng bất kỳ thảo luận nào về bầu cử chỉ nên tiến hành sau khi 5PC được thực hiện toàn diện.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15, tổ chức trong khuôn khổ AMM 58 hôm 11/7/2025.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 ngày 11/7, các quốc gia thành viên đã nhất trí xây dựng các tuyên bố chung mới trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 47 vào tháng 10 tới nhằm nâng cao vai trò của EAS như một cơ chế hợp tác chiến lược có sức ảnh hưởng sâu rộng.
Thành lập từ năm 2005, EAS đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác khu vực, đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hay sự bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Hiện EAS có 18 quốc gia thành viên, gồm 10 nước ASEAN cùng Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Diễn đàn này là không gian đối thoại thiết yếu về những vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực Đông Á.