Mỹ nhấn mạnh cam kết lâu dài với ASEAN
Bất chấp những vấn đề nảy sinh từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump, Mỹ vẫn nhấn mạnh cam kết lâu dài với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ASEAN là cơ chế chủ đạo để Mỹ tăng cường gắn kết khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mỹ không quay lưng với khu vực
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại, đồng thời nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với ASEAN và ASEAN là cơ chế chủ đạo để Mỹ tăng cường gắn kết khu vực. Trong cuộc gặp với ngoại trưởng các nước ASEAN, ông Rubio nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế quan không đồng nghĩa với việc Mỹ quay lưng với khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Mỹ tại Malaysia
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 450 tỷ USD và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào ASEAN đạt 42 tỷ USD năm 2024. Mối quan hệ giữa ASEAN với Mỹ chính thức được thiết lập từ năm 1977. Theo thời gian, mối quan hệ này đã để lại nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ: năm 2005, ASEAN và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác tăng cường; năm 2010, Mỹ thành lập phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN; năm 2015, ASEAN và Mỹ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.
Đặc biệt, Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10 (tháng 11-2022 tại Campuchia) đã tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ với ASEAN, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi toàn diện, hướng tới phát triển xanh và bền vững; nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng. Tháng 9 năm ngoái, tại cuộc họp lần thứ 15 Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Mỹ (cấp Đại sứ) tại Jakarta, Indonesia, hai bên đã ghi nhận những tiến triển tích cực, thực chất trong quan hệ ASEAN - Mỹ, kể từ dấu mốc thành lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tính đến nay, Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ (2021-2025) đã đạt tỷ lệ thực hiện 100%. Hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Đông Nam Á.
Xét về vai trò, ASEAN có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đệm, cầu nối giữa hai cường quốc hàng đầu khu vực (nằm ở phía Nam của Trung Quốc và phía Đông của Ấn Độ). Ở phạm vi rộng hơn, ASEAN giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPS) của Mỹ. ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, cấu trúc an ninh, hợp tác khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, tham gia giải quyết các vấn đề, thách thức ở cấp độ khu vực và một phần thách thức an ninh phi truyền thống trên toàn cầu.
Tăng cường hợp tác với ASEAN giúp Mỹ có thêm điều kiện thuận lợi để triển khai chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tạo dựng và đưa ASEAN trở thành một trung tâm kinh tế ngày càng gắn kết với Mỹ, thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - ASEAN đang có những chuyển biến bất lợi. Cụ thể là Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày gần đây đã ký sắc lệnh áp thuế mới từ 25-40% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN. Động thái này khiến không ít nhà phân tích dự đoán rằng mối quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ bước vào giai đoạn lạnh nhạt.
ASEAN - trọng điểm trong cạnh tranh toàn cầu của Mỹ
Chính vì thế, việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio đến thăm Đông Nam Á và dự Hội nghị bộ trưởng ASEAN - Mỹ cùng những phát biểu của ông gửi đi một thông điệp chiến lược rằng Mỹ vẫn xem Đông Nam Á là “trọng tâm của chính sách đối ngoại”, trọng điểm trong cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu. Theo ông Stephen Olson, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak, các động thái trên dường như nhằm “trấn an” các đối tác châu Á đang cảm thấy bị tổn thương bởi chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump. Đồng tình với quan điểm trên, ông Greg Poling - chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phân tích: “Có một nhu cầu được đảm bảo rằng Mỹ thực sự coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chiến trường chính cho lợi ích, là chìa khóa cho an ninh quốc gia của họ”.
Xét từ góc độ kinh tế, GDP của ASEAN dự kiến tăng 4,4%/năm từ năm 2023 đến 2028, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh chỉ thua Ấn Độ. Sự tăng trưởng ấn tượng như thế sẽ cung cấp nhiều cơ hội tăng cường kinh doanh và đầu tư giữa ASEAN và Mỹ. Theo báo cáo thống kê, hoạt động kinh doanh và đầu tư của ASEAN hỗ trợ hơn 625.000 việc làm trên khắp nước Mỹ. Có đến 17 trong số 50 tiểu bang có hơn 10.000 việc làm dựa vào hoạt động xuất khẩu đến ASEAN.
Tại Hội nghị ASEAN - Mỹ, ông Marco Rubio bày tỏ mong muốn tiếp tục thảo luận các lĩnh vực hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ, trong khi ASEAN khẳng định mong muốn đối thoại xây dựng với Mỹ nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định, công bằng, bền vững và cùng có lợi. Hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai Kế hoạch công tác số ASEAN - Mỹ, với các trọng tâm như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cáp ngầm khu vực, chống lừa đảo trực tuyến.
Hai bên đánh giá cao hợp tác về năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng, trong đó Mỹ hỗ trợ xây dựng Mạng lưới điện ASEAN, phối hợp triển khai Kế hoạch hợp tác năng lượng ASEAN - Mỹ giai đoạn 2021-2025. Hai bên nhất trí cho rằng các chương trình như Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), Học bổng Fulbright, Trung tâm đổi mới khoa học và công nghệ (STIC) tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân, giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo trong khu vực.
Còn nhiều lĩnh vực hợp tác trong quan hệ ASEAN - Mỹ. Năm ngoái, trong đối thoại ASEAN - Mỹ thường niên lần thứ 36 tại Thủ đô Washington (Mỹ), hai bên đều nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: thương mại, đầu tư, năng lượng, kinh tế số, kết nối an ninh lương thực và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Phía Mỹ hoan nghênh hợp tác kinh tế thông qua Thỏa thuận khung thương mại và đầu tư ASEAN - Mỹ (TIFA), kế hoạch công tác cam kết kinh tế mở rộng (Expand Economic Engagement - E3), cam kết đối thoại giữa các bộ trưởng kinh tế ASEAN và đại diện thương mại Mỹ.
ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của các chuỗi cung ứng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ và ASEAN đang hợp tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường đơn lẻ. Nỗ lực này bao gồm đầu tư vào các dự án hạ tầng, phát triển mạng lưới hậu cần và tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.
Mỹ cũng cam kết tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các quốc gia ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như: sản xuất, dịch vụ và công nghệ. Các khoản FDI gia tăng này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm cả Việt Nam.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-nhan-manh-cam-ket-lau-dai-voi-asean-post617314.antd