ASEAN và Trung Quốc chung sức củng cố niềm tin, động lực hợp tác
Vừa qua, giới chức cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng khẳng định mong muốn củng cố niềm tin và động lực cho hợp tác song phương. Trong đó có nhiều ưu tiên, cam kết thúc đẩy chính sách ngoại giao, cũng như khẳng định vai trò trung tâm ASEAN ở khu vực.

Các quan chức tại cuộc họp Tham vấn quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 31. Ảnh: ASEAN
Củng cố niềm tin và động lực
Các nỗ lực thúc đẩy quan hệ ASEAN - Trung Quốc tiếp tục bao trùm cuộc họp Tham vấn quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 31 diễn ra trong tuần trước, tại thành phố cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cuộc họp nằm trong chuỗi các cuộc đối thoại thường niên của các quan chức cấp cao ASEAN và đối tác nhằm rà soát và trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2025. Các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc đối với mỗi bên và cả khu vực.
Nội dung nổi bật tại cuộc họp này, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông - Trưởng quan chức cấp cao (SOM) Trung Quốc khẳng định, nước này luôn dành ưu tiên cao cho mối quan hệ với ASEAN trong chính sách ngoại giao láng giềng, cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và ủng hộ ASEAN đoàn kết, độc lập, tự chủ chiến lược với vai trò trung tâm ở khu vực. Ông Tôn Vệ Đông nhìn nhận, sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều tiến triển tích cực về mọi mặt trong thời gian qua. Từ đó khẳng định rằng, quan hệ ASEAN - Trung Quốc hiện là một trong những mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất.
Minh chứng cho điều này là việc ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau kể từ năm 2020. Các quốc gia đều bày tỏ mong muốn kết thúc đàm phán Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0, cũng như triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cùng với đó, các khuôn khổ hợp tác mà ASEAN đang thúc đẩy như Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Chiến lược trung hòa carbon, Thỏa thuận lưới điện ASEAN... sẽ góp phần mở rộng không gian hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển xanh, bền vững và thông minh. Đồng thời, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ mới nổi như công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, trí tuệ nhân tạo tạo sinh, hệ sinh thái xe điện, tự cường chuỗi cung ứng, nông nghiệp thông minh là ưu tiên hàng đầu của các nước trong trao đổi, với mong muốn tối ưu hóa tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Tiếp nối thành công của năm 2024, ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động trong năm 2025 là “Năm giao lưu nhân dân ASEAN - Trung Quốc”, phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung và sâu sắc về ý nghĩa, góp phần gia tăng kết nối, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các quốc gia.
Tại cuộc họp tham vấn, quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc đã dành thời gian trao đổi thực chất và xây dựng các diễn biến ở khu vực và thế giới, như quan hệ nước lớn, tình hình Biển Đông, Trung Đông... Các quan chức cùng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình ngày càng biến động sâu rộng và khó lường, cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy các giá trị của chủ nghĩa đa phương, xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ với ASEAN ở vị trí trung tâm, đóng góp tích cực và trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác và an ninh.
3 định hướng hợp tác
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã có bài phát biểu thay mặt ASEAN về hợp tác chính trị - an ninh ASEAN - Trung Quốc. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, hợp tác chính trị - an ninh là cấu phần chính trong tổng thể quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Những năm qua, ASEAN và Trung Quốc luôn duy trì tốt động lực đối thoại và hợp tác, cùng xây dựng lòng tin, nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn chung về hòa bình, an ninh và phát triển. Trong môi trường chiến lược tiềm ẩn nhiều phức tạp và bất ổn, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị ASEAN và Trung Quốc phát huy hiệu quả đà hợp tác. Đồng thời bày tỏ mong muốn, Trung Quốc tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cùng ASEAN thúc đẩy các chuẩn mực ứng xử.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: ASEAN
Đặc biệt, trước sự gia tăng của các thách thức an ninh phi truyền thống, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất 3 định hướng hợp tác, gồm: Triển khai cụ thể, thực chất tất cả quyết định và thỏa thuận của lãnh đạo hai bên; tăng cường ứng phó các vấn đề đang nổi lên như tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia, lừa đảo trực tuyến; mở rộng hợp tác tại tiểu vùng, gồm có tiểu vùng Mekong trong xử lý các vấn đề như an ninh nguồn nước, quản lý bền vững nguồn nước, biến đổi khí hậu...
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng cho biết thêm, Việt Nam sẽ đăng cai lễ ký Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng và mong các nước sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để dự lễ ký văn kiện quan trọng này tại Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt hoan nghênh tiến triển đạt được gần đây trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đồng thời đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục nỗ lực đạt thêm tiến triển mới, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tự kiềm chế và tránh các hành động làm phức tạp tình hình, vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, an toàn và ổn định ở Biển Đông.