Asia Times: Trung Quốc là bên thắng cuộc địa-chính trị sau cuộc đảo chính ở Myanmar
Khi cuộc đảo chính ở Myanmar qua đi, ngày càng rõ ràng rằng Trung Quốc là thế lực bên ngoài nhận được lợi ích từ sự kiện này, theo Asia Times.
Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhanh chóng đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với những người đứng đằng sau cuộc đảo chính ở Myanmar, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại có vẻ "bình tĩnh" hơn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, trong một cuộc họp báo ngày 1/2, chỉ vài giờ trước khi các thành viên chính phủ của Myanmar bị bắt giữ, đã nói rằng Bắc Kinh “nắm được điều đang xảy ra ở Myanmar và đang trong quá trình nhận biết thêm về tình hình”. Sau đó, ông nói rằng “tất cả các bên ở Myanmar” nên “xử lý đúng cách dựa trên Hiến pháp và khung làm việc pháp lý” để “duy trì sự ổn định chính trị và xã hội”.
Mỹ, mặt khác, “lên án cuộc đảo chính theo cách mạnh mẽ nhất có thể” và chỉ trích các tướng lĩnh quân đội mới của Myanmar vì đã đi ngược lại “ý chí của người dân”. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc đánh giá về các sự kiện sau đảo chính sẽ có thể làm kích hoạt “một số hạn chế nhất định” đối với chính phủ Myanmar.
Năm ngoái, Mỹ trao cho Myanmar 135 triệu USD, nhưng số tiền này sẽ chịu ít ảnh hưởng bởi phần lớn trong số này chuyển tới các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức phi chính phủ. Bởi vậy Mỹ có thể không bãi bỏ nguồn viện trợ này. Tổng thống Biden chắc chắn sẽ không muốn dính líu gì tới những người đứng sau cuộc đảo chính, bởi ông liên tục nhấn mạnh việc thúc đẩy dân chủ trong chính sách ngoại giao của mình.
Một binh sĩ Myanmar đứng gác trước một ngôi đền ở Yangon sau cuộc đảo chính hôm 1/2 (Ảnh: AFP)
Cũng giống như những sự kiện đáng chú ý khác từng xảy ra ở Myanmar, trong đó bao gồm khủng hoảng di cư Rohingya bị phương Tây chỉ trích kịch liệt, Trung Quốc chắc chắn sẽ không chỉ trích chính phủ quân sự mới của Myanmar, ngay cả khi các chính sách và định hướng mới của chính phủ quân sự này có ảnh hưởng tới một số lợi ích và dự án của Trung Quốc ở Myanmar.
Giới doanh nhân Trung Quốc có thể sẽ lo lắng về tương lai của những cam kết mà họ từng đạt được với chính phủ của đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Trước đảo chính, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với bà Suu Kyi và đảng của bà, bởi các nhà hoạch định chính sách và tổ chức doanh nghiệp Trung Quốc nhận thấy rằng đàm phán với họ dễ hơn là với quân đội Myanmar (còn gọi là Tatmadaw) vốn mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Chính quyền quân đội trước đây từng khởi xướng một số cuộc cải cách nhất định nhằm cởi mở hơn với thế giới bên ngoài – và các khoản đầu tư từ phương Tây – sau quá trình dịch chuyển dân chủ bắt đầu từ kỳ bầu cử năm 2020, nhằm giảm sự phụ thuộc của Myanmar vào Trung Quốc.
Nhưng sau cuộc khủng hoảng di cư người thiểu số Rohingya (2017-2017) khiến phương Tây quay lưng với chính phủ Myanmar, bà Suu Kyi – một chính trị gia vốn rất cần sự hỗ trợ và các khoản đầu tư từ nước ngoài để thực hiện những cam kết cải cách kinh tế bà từng đưa ra trong bầu cử - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhờ vả Bắc Kinh.
Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một buổi lễ đón tiếp ở Naypyidaw hôm 17/1/2020 (Ảnh: AFP)
Myanmar từng tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc khi bà Suu Kyi tham dự một diễn đàn Hợp tác Quốc tế ở Bắc Kinh hồi tháng 5/2017. Hai nước sau đó ký kết một biên bản ghi nhớ về xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) vào năm 2018, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương dựa trên khung làm việc của BRI.
Trong số các dự án lớn được thảo luận trước khi đảo chính nổ ra, là một tuyến đường sắt kết nối thị trấn Ruili ở biên giới Trung Quốc với Mandalay ở Myanmar, và một cảng nước sâu do Trung Quốc rót vốn xây dựng ở Kyaukpyu thuộc Vịnh Bengal – vốn đã đóng vai trò như một trạm cuối của các đường ống dẫn dầu và khí dọc Myanmar và chảy tới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Bởi vậy mà Trung Quốc sẽ không muốn chấp nhận rủi ro làm hỏng mối quan hệ với một Myanmar có tầm quan trọng chiến lược, bởi đây là nước láng giềng duy nhất – thông qua CMEC – cung cấp cho họ quyền tiếp cận tới Ấn Độ Dương để phục vụ cho thương mại và cũng là tuyến đường thứ cấp để vận chuyển năng lượng từ Trung Đông, thay vì tuyến đường chính thông qua Eo biển Malacca.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hliang, người đang là lãnh đạo quốc gia dưới tình trạng khẩn cấp hiện nay, vốn là người khá thận trọng về sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tatmadaw mới đây đã đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc – từng là nước cung cấp vũ khí chính cho Myanmar trong khoảng những năm 1990 và đầu 2000 để chiến đấu chống các nhóm nổi dậy người thiểu số.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hliang (Ảnh: AFP)
Cuối tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tới thăm Myanmar để ký thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa chống không Pantsir-S1, drone do thám Orlan-10E và radar cho nước này. Trước đó, Myanmar cũng mua nhiều chiến đấu cơ MiG-29, trực thăng, hệ thống tên lửa phòng không, radar và pháo của Nga.
Những thỏa thuận trên xuất hiện trong lúc quân đội Myanmar báo cáo về việc một số nhóm nổi dậy thiểu số bằng cách nào đó đã sở hữu được vũ khí Trung Quốc và sử dụng chúng để chống lại lực lượng quân đội.
Tất cả đều là một phần của chính sách “cây gậy và củ cà rốt” mà Trung Quốc vận dụng với Myanmar.
“Củ cà rốt” ở đây là, Trung Quốc cùng với Nga liên tục chặn nỗ lực nêu các vấn đề liên quan tới Myanmar, bao gồm các vấn đề về nhân quyền, tại Hội đồng Bảo an LHQ, bởi họ đều có quyền phủ quyết. Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã chặn một tuyên bố chỉ trích cuộc đảo chính ở Myanmar do Anh soạn thảo, đó là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với chính quyền quân đội mới ở Myanmar.
Mặc dù Tổng tư lệnh Min Aung Hliang vẫn không tin tưởng Trung Quốc vì vai trò của nước này trong việc hậu thuẫn các nhóm nổi dậy ở Myanmar, ông vẫn nhận thức rằng Trung Quốc là siêu cường duy nhất có thể dựa vào sau cuộc đảo chính này, tờ Asia Times dẫn lời một số người trong cuộc ở Myanmar nói.
Một tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy ý định gần gũi hơn với Trung Quốc của ông Min Aung Hliang chính là chỉ định Bộ trưởng Ngoại giao mới Wunna Maung Lwin.
Là một cựu binh từng tham gia vào các cuộc tấn công chống nhóm nổi dậy Karen và quản lý chiến dịch chiếm trụ sở của nhóm này năm 1995, Wunna Maung Lwin từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar trong khoảng 2011-2016 dưới thời Tổng thống Thein Sein.
Wunna Maung Lwin từng tới thăm Trung Quốc vài lần trong khoảng thời gian đó và là người đầu tiên xác minh rằng “hành lang kinh tế” Trung Quốc sẽ được xây dựng thông qua Myanmar. Trong một chuyến thăm vào tháng 8/2015 – trước khi NLD giành chiến thắng đầu tiên trong bầu cử tháng 11 năm đó – ông được Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời lại rằng “Myanmar Cảm ơn Trung Quốc” vì hỗ trợ nhân đạo và “Myanmar quý mến Trung Quốc như một người bạn thực chất”.
Wunna Maung Lwin cũng tán dương vai trò của Trung Quốc trong việc “trung gian hòa giải” trong các cuộc chiến giữa Tatmadaw và vô số các tổ chức vũ trang người thiểu số ở Myanmar.
Đây cũng là một nhân vật nổi tiếng là có quan điểm ủng hộ lập trường của Trung Quốc và chống phương Tây. Có thời điểm, Wunna còn nói với Tổng thống Thein Sein là không nên gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, Asia Times dẫn một số nguồn tin trong cuộc. Nhưng lúc bấy giờ, ông Thein Sein vẫn gặp gỡ Obama để cải thiện quan hệ với phương Tây.
Giờ đây, Wunna Maung Lwin đã trở lại và mối quan hệ giữa ông với giới chức Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh phương Tây đang rục rịch làm mới các lệnh trừng phạt nhằm vào những kẻ đứng sau vụ đảo chính ở Myanmar. Và một lần nữa, Trung Quốc lại đóng vai trò “người bạn thực chất”, xuất hiện mỗi khi Tatmadaw lâm vào khủng hoảng.