ASIAD 2023 và dấu ấn ngoại giao thể thao Trung Quốc

Đằng sau màn trình diễn của các vận động viên bơi lội, nhảy xa... tại ASIAD 2023, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp về vị thế đất nước thông qua ngoại giao thể thao.

ASIAD 2023 là một trong những kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực, với chi phí tổ chức ước tính lên tới 30,8 tỷ USD. (Nguồn: Webthethao)

ASIAD 2023 là một trong những kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực, với chi phí tổ chức ước tính lên tới 30,8 tỷ USD. (Nguồn: Webthethao)

Trung Quốc từng gây tiếng vang với sự thành công của Thế vận hội Bắc Kinh 2008, năm nay, đất nước tỷ dân lại đang gây tượng với một sự kiện hoành tránh khác, đó là Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 2023) diễn ra từ ngày 23/9 đến 8/10 ở thành phố Hàng Châu.

Với quy mô 12.000 vận động viên tham dự từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Á, đây là minh chứng rõ nét cho cam kết của Bắc Kinh đối với giá trị tốt đẹp và bình đẳng của thể thao, cũng như tinh thần đoàn kết giữa các nước trong khu vực.

Với nền ngoại giao có bản sắc đa dạng, tất nhiên là Trung Quốc sẵn sàng sử dụng các công cụ khác nhau để thúc đẩy lợi ích quốc gia, trong đó có ngoại giao thể thao. Vậy ASIAD 2023 và ngoại giao thể thao Trung Quốc đan xen mật thiết như thế nào?

Nội lực quốc gia

Nhìn chung, Trung Quốc sử dụng ASIAD 2023 như một bàn đạp hướng tới 3 mục tiêu then chốt. Đầu tiên là tăng cường nội lực đất nước trên lĩnh vực thể thao. Đây là tiền đề để đạt được mục tiêu thứ hai, đó là thể hiện sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh đối với đối tác khu vực. Cuối cùng, Trung Quốc có thể khẳng định vị thế chính trị thông qua dẫn dắt các nước hướng tới một châu Á hòa bình và thịnh vượng.

Trung Quốc gắn mục tiêu đầu tiên với số lượng hạng mục, gồm 40 môn thể thao và 483 huy chương vàng. Với cơ cấu lớn như vậy, Trung Quốc có hàm ý khuyến khích vận động viên trong nước tăng cường luyện tập để đem vinh quang về cho đất nước.

Không chỉ vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình là người dành mối quan tâm đặc biệt đến phát triển thể thao, thể hiện ở việc sẵn sàng đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, Đại hội thể thao sinh viên thế giới mùa Hè 2023 và ASIAD 2023.

Có thể nói, việc tổ chức 3 sự kiện thể thao lớn trong chưa đầy hai năm đã và đang giúp Trung Quốc tăng cường chuyên môn vận động viên, nâng cấp cơ sở vật chất và truyền cảm hứng cho phong trào thể dục toàn dân, rèn luyện sức khỏe để cống hiến đất nước.

Vị thế kinh tế

Sân vận động Olympic Hàng Châu - sân vận động chính của ASIAD 2023 có thiết kế độc đáo với 28 "cánh hoa" lớn và 27 "cánh hoa" nhỏ xếp chồng lên nhau, tạo thành hình hoa sen đang nở bên dòng sông Tiền Đường. (Nguồn: ASIAD 19)

Sân vận động Olympic Hàng Châu - sân vận động chính của ASIAD 2023 có thiết kế độc đáo với 28 "cánh hoa" lớn và 27 "cánh hoa" nhỏ xếp chồng lên nhau, tạo thành hình hoa sen đang nở bên dòng sông Tiền Đường. (Nguồn: ASIAD 19)

Con đường đến với mục tiêu thứ hai nằm ở hệ thống hạ tầng của Trung Quốc. Nhờ việc tổ chức 2 sự kiện lớn trước đó, nước chủ nhà có kinh nghiệm và điều kiện thuận lợi để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ kỳ Đại hội năm nay. Thành phố Hàng Châu vào thời điểm này được ví như mùa lễ hội, với sự xuất hiện của nhiều tấm băng rôn, quảng cáo, linh vật đầy màu sắc tràn ngập khắp đường phố.

Bên cạnh đó, khu vực thi đấu được chú trọng cải tạo và nâng cấp, khiến nhiều vận động viên không khỏi trầm trồ trước kiến trúc kì vĩ của những sân vận động "cánh sen" Olympic Hàng Châu, hay trung tâm thể thao Túc Sơn.

Sức sống của thành phố Hàng Châu không chỉ truyền tải tinh thần hiếu khách của Trung Quốc, mà còn phản ánh nội lực dồi dào của đất nước tỷ dân, góp phần tỏ rõ vị thế của nền kinh tế thứ hai toàn cầu đến với bạn bè năm châu.

Tham vọng chính trị

Hai mục tiêu đầu tiên tạo nền móng cho mục tiêu thứ ba, liên quan tới tham vọng chính trị của Trung Quốc. Tại lễ khai mạc ASIAD 2023, Bắc Kinh chào đón sự góp mặt của nhiều lãnh đạo nước ngoài quan trọng như Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Thái tử Kuwait Sheikh Meshal al-Ahmad al-Sabah, Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal, Thủ tướng Timor Leste Xanana Gusmao, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và Chủ tịch Hạ viện Malaysia Johari Abdul.

Việc các lãnh đạo nổi tiếng xuất hiện là một sự thừa nhận về vai trò trung tâm của Trung Quốc trong khu vực và nhấn mạnh nguyên tắc cởi mở, toàn diện của Bắc Kinh đối với thể thao. Đồng thời, điều này phản ánh thiện chí hợp tác của các nước và tạo động lực để chính quyền Tập Cận Bình thắt chặt quan hệ đối tác khu vực.

Theo Giáo sư Li Haidong của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, hơn cả một sự kiện thể thao, Đại hội trở thành một diễn đàn ngoại giao nhằm tăng cường quan hệ quốc tế và chèo lái con thuyền châu Á hướng tới vận mệnh chung. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, ASIAD 2023 là biểu tượng cho sự đoàn kết, bền bỉ của các nước, nhằm ứng phó với tác động tiêu cực từ cục diện khu vực và thúc đẩy tương lai châu Á hòa bình và thịnh vượng.

Hơn cả thành tích thể thao, Trung Quốc muốn đưa Đại hội thể thao thành phương tiện thúc đẩy lợi ích quốc gia. Trong ảnh: Kình ngư Qin Haiyang của Trung Quốc được bầu chọn là nam vận động viên xuất sắc nhất ASIAD 19. (Nguồn: Reuters)

Hơn cả thành tích thể thao, Trung Quốc muốn đưa Đại hội thể thao thành phương tiện thúc đẩy lợi ích quốc gia. Trong ảnh: Kình ngư Qin Haiyang của Trung Quốc được bầu chọn là nam vận động viên xuất sắc nhất ASIAD 19. (Nguồn: Reuters)

Như vậy, dưới góc nhìn của các nhà hoạch định Trung Quốc, sự kiện thể thao nói chung và ASIAD 2023 nói riêng không đơn thuần là một dịp giao lưu thể thao thông thường, đây còn là phương tiện để thúc đẩy lợi ích quốc gia, được thể hiện dưới nội hàm ngoại giao thể thao.

Thông qua công cụ này, Trung Quốc tìm kiếm chủ yếu ba lợi ích. Đầu tiên là tăng cường nội lực quốc gia, nâng cao thể chất cộng đồng và giúp toàn dân có đủ sức khỏe để cống hiến đất nước. Việc quần chúng có sức khỏe dẻo dai là tiền đề để làm việc, đóng góp vào nền kinh tế, giúp Trung Quốc có nguồn ngân sách lớn hơn để đáp ứng kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho Đại hội.

Nhờ vậy, Bắc Kinh có thể tỏ rõ sức mạnh kinh tế với bạn bè năm châu bằng các nhà thi đấu có quy mô lớn. Cuối cùng, việc sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo hàng đầu trong khu vực đã góp phần phản ánh vị thế chính trị của Trung Quốc trong tiến trình xây dựng tương lai hòa bình và thịnh vượng cho châu Á.

(theo South China Morning Post, CGTN)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asiad-2023-va-dau-an-ngoai-giao-the-thao-trung-quoc-245083.html