'Át chủ bài' trong mưa bão…

'Nước xa không cứu được lửa gần', xây dựng lực lượng xung kích mạnh ở cơ sở để có thể phản ứng kịp thời, nhanh chóng, được coi là phương thức hiệu quả trong hoạt động phòng, chống thiên tai, địch họa.

 Anh Cà Văn Biên (thôn Hua Nặm, xã Nặm Păm) cảnh báo cho người dân sơ tán phòng tránh lũ dữ. Ảnh: ĐOÀN TOÀN

Anh Cà Văn Biên (thôn Hua Nặm, xã Nặm Păm) cảnh báo cho người dân sơ tán phòng tránh lũ dữ. Ảnh: ĐOÀN TOÀN

“Nước xa không cứu được lửa gần”, xây dựng lực lượng xung kích mạnh ở cơ sở để có thể phản ứng kịp thời, nhanh chóng, được coi là phương thức hiệu quả trong hoạt động phòng, chống thiên tai, địch họa.

Nặm Păm, sau cơn lũ ám ảnh

Gần ba năm trôi qua, nhưng nhiều người dân ở xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La) vẫn chưa nguôi khi nhắc về sự tàn phá khủng khiếp của cơn lũ đêm 2-8-2017. Cơn lũ kinh hoàng đã khiến 8/11 bản của xã tan hoang, 10 người chết, nhiều công trình trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông, thủy lợi bị phá hủy, hàng trăm gia đình sau một đêm bỗng rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sau cơn lũ, cơ quan chức năng Sơn La đã chi hơn 85 tỷ đồng để triển khai năm dự án nhằm sắp xếp, ổn định dân cư tám bản của xã Nặm Păm nằm trong vùng nguy hiểm. Đến nay, toàn bộ 128 hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn năm ấy đã được hỗ trợ làm nhà lắp ghép, 57 nhà bị sập đổ và 169 hộ nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lở được hỗ trợ di dời, dựng lại nhà mới tại các điểm quy hoạch khu dân cư tránh lũ và được hỗ trợ sinh kế.

Để phòng tránh mưa lũ ập đến bất ngờ, các bản ở Nặm Păm đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai (PCTT). Anh Cà Văn Biên, thành viên trong đội xung kích của bản Hua Nặm cho biết, sau cơn lũ dữ đầy ám ảnh ba năm trước, các bản đều được chính quyền huyện Mường La cấp loa công suất lớn để các trưởng bản phát thông báo, kịp thời di chuyển người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm. Giờ đây, trước mỗi đợt có cảnh báo lũ lớn bất thường, các thành viên trong đội xung kích khẩn trương gọi bà con trong bản đi sơ tán an toàn.

Và để tiếp ứng cho người dân tốt nhất, đội xung kích đã có các cuộc diễn tập nâng cao kỹ năng bơi lội, kỹ năng chạy, kỹ năng sơ cấp cứu, bê vác, do cơ quan PCTT của huyện, tỉnh tập huấn. Có kỹ năng, họ chủ động đến từng nhà để hướng dẫn cách lánh nạn cho dân bản, chằng chống, gia cố nhà cửa… Những việc làm này tưởng chừng giản đơn, song lại rất khó khăn với nhiều hộ dân khi thiên tai thật sự xảy ra. Đội xung kích còn có nhiệm vụ hỗ trợ các cấp chính quyền tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ cho người bị nạn khi xảy ra thiên tai, kêu gọi người dân chữa cháy rừng, cũng như giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống sau thiên tai.

Đã đông nhưng cần mạnh

Tới giữa năm 2020, trên cả nước có khoảng 8.300 xã đã thành lập lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở, đạt 75%. Tại Hà Nội, cho đến nay đã có 30 quận, huyện, thị xã thành lập các đội xung kích cấp xã, với 64.948 người tham gia...

Hiện lực lượng xung kích PCTT cấp cơ sở làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, với phương châm “bốn tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - phương tiện, vật tư tại chỗ - hậu cần tại chỗ. Lực lượng từng bước được pháp lý hóa, với thành phần chủ yếu là dân quân tự vệ, và các thành phần khác từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã (Công an, Dân phòng, Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và một số công chức chuyên môn ở xã như: địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế…).

Dù vậy, các chuyên gia đánh giá, lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở có “đông” nhưng “chưa mạnh”. Lý giải thực tiễn này, vị chuyên gia cho rằng, lực lượng xung kích PCTT cơ sở hiện nay phần lớn đều trong độ tuổi lao động, thường đi làm ăn ở xa địa phương... Vì vậy, khi xảy ra tình huống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã sẽ gặp khó khăn để huy động đủ lực lượng. Mặt khác, lực lượng này chưa được trang bị phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, nên ít nhiều làm giảm năng lực, hiệu quả hoạt động…

Đến hết năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu tất cả các xã đều hoàn thành việc tổ chức, xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT, đặc biệt là ở các địa phương hay xảy ra thiên tai trong mùa mưa lũ. Bởi chỉ có chính quyền cơ sở, người dân tại địa bàn cư trú mới nắm bắt rõ được tình hình thiên tai diễn ra ở địa phương mình để có phương thức ứng phó kịp thời và chính xác nhất, trước khi lực lượng cấp huyện, tỉnh, trung ương về hỗ trợ. Và không chỉ riêng Việt Nam, ở nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản cũng có quy định rằng người dân và chính quyền cơ sở phải bảo đảm an toàn trong 72 giờ khi thiên tai xảy ra, sau đó mới tới trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, cấp trung ương.

MINH HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/at-chu-bai-trong-mua-bao-607385/