Ðất 'cửa ngõ' chuyển mình
ĐBP - Chúng tôi về huyện Tuần Giáo vào thời điểm cuối năm khi cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây đang hối hả hoàn thành công việc của năm cũ để chào đón năm mới 2020 với nhiều kỳ vọng mới. Trong không khí hân hoan, rộn ràng khắp đường làng, ngõ xóm, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển mình của mảnh đất 'cửa ngõ' Ðiện Biên...
Nông dân xã Quài Cang chăm sóc rau màu vụ đông.
Trên cánh đồng bản Mu, xã Quài Cang, chị Lường Thị Phiên hối hả thu hoạch rau màu vụ đông. Vừa thoăn thoắt cắt những cây cải bắp xanh mơn mởn, chị Phiên vừa hồ hởi khoe: “Gia đình tôi có trên 400m2 trồng rau cải bắp, dưa chuột và chuyên canh gối vụ các loại rau gia vị. So với các cây trồng khác, trồng rau tuy có vất vả hơn nhưng thu nhập lại tương đối cao. Trừ chi phí, thu nhập trung bình mỗi vụ rau hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng lúa vụ nào được mùa, được giá thì thu nhập cũng chỉ bằng một nửa. Bởi vậy, thời gian gần đây, những diện tích lúa kém hiệu quả, gia đình tôi dần chuyển sang canh tác các loại rau màu”.
Câu chuyện của gia đình chị Phiên cũng là câu chuyện của hàng trăm hộ dân khác ở huyện Tuần Giáo đang tìm hướng phát triển kinh tế mới từ trồng rau màu. Toàn huyện hiện có trên 300ha rau màu, trong đó riêng vụ đông là gần 200ha, tập trung chủ yếu tại thị trấn Tuần Giáo và xã Quài Cang... Không chỉ trồng các loại cây truyền thống, người dân còn đưa các giống rau mới vào canh tác, hướng đến việc sản xuất rau an toàn trở thành hàng hóa chủ lực. Từ trồng rau màu, thu nhập bình quân của nhiều hộ dân đạt từ 30 - 40 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo và mang lại cuộc sống ngày càng no ấm, đủ đầy...
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. OCOP tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu. Tại Tuần Giáo, chương trình đang được chính quyền các cấp tích cực triển khai với kỳ vọng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và giữ ổn định xã hội khu vực nông thôn. Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Ðến nay, huyện đã hoàn thành dự kiến quy hoạch 7 sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2030 chia thành 2 nhóm tại 5 xã. Nhóm thực phẩm bao gồm: Cá nước lạnh Tênh Phông; dưa mèo, mật ong Tỏa Tình. Nhóm thảo dược gồm: Sơn tra Tỏa Tình, Tênh Phông; dứa Pú Nhung; sa nhân Ta Ma, Phình Sáng, Tỏa Tình. Ðây là các sản phẩm có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần... Cùng với việc lên danh mục các sản phẩm, huyện cũng thành lập tổ chuyên trách về lĩnh vực OCOP cấp huyện nhằm phát triển sản phẩm trong thời gian tới. Hết năm 2019, huyện phấn đấu 30% số xã trên địa bàn có ít nhất 1 sản phẩm hàng hóa đặc trưng cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ðó chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện chúng tôi được nghe minh chứng cho sự chuyển mình của mảnh đất “cửa ngõ” tỉnh nhà. Trao đổi với ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, chúng tôi được biết năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Công tác chỉ đạo sản xuất được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; các tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được áp dụng vào sản xuất. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác phòng chống dịch bệnh, khuyến nông - khuyến ngư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tới tận các thôn, bản trên địa bàn. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 37.441,6 tấn, đạt 100,6% kế hoạch đề ra. Riêng với cây công nghiệp ngắn ngày, như: Ðậu tương, lạc... diện tích, năng suất đều giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng đó lại là tín hiệu vui khi người dân đã chuyển dần sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, như: Mía, dứa, cây ăn quả...
Trong năm, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai hỗ trợ trồng 107,37ha cây ăn quả và 96 con bò sinh sản với kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng. Ðến nay, cây trồng và vật nuôi đều sinh trưởng, phát triển tốt, một số mô hình đã cho thu hoạch và bước đầu có hiệu quả như mô hình trồng cây chanh leo... Diện tích cây mắc ca tiếp tục được duy trì và phát triển với trên 1.400ha hứa hẹn sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao với người dân. Cũng trong năm 2019 này, trên địa bàn xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chăn nuôi của huyện. Trước tình hình đó, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch. Bằng nhiều nỗ lực, 11/14 xã, thị trấn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi được công bố hết dịch, người dân tích cực phục hồi chăn nuôi đàn lợn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vượt qua những khó khăn, đàn gia súc của huyện vẫn tiếp tục phát triển với với tổng đàn ước đạt 96.873 con, tăng 1.103 con; đàn gia cầm có 900.350 con (tăng 64.550 con so với năm 2018)... Trong công tác xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 8,9 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 39% (giảm 4,88% so với cuối năm 2018). Mức sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên, no ấm đủ đầy cả về vật chất và tinh thần.