ATGT | Pháp luật | Pháp luật TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Trong quá trình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở giai đoạn cách mạng hiện nay, không ít tổ chức cơ sở đảng có những sáng kiến, trở thành bài học kinh nghiệm quý giá, nhất là bài học về sự sát dân, gần dân, tinh thần nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.
"Sợ lắm rồi", anh Vương Thế Thành ở Quốc Oai (Hà Nội) đã thốt lên như thế, khi biết mình bị phạt năm triệu đồng với lỗi đi ô-tô vượt đèn đỏ. Việc giám sát và xử lý người vi phạm an toàn giao thông với hình thức "phạt nguội", cùng chế tài xử lý nghiêm khắc đang phát huy hiệu quả.
Hiệu quả từ "phạt nguội"
Nhận được thông báo, anh Vương Thế Thành đã đến trụ sở Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) để xem lại video ghi lại hình ảnh anh điều khiển ô-tô đi trên ngã tư Trần Duy Hưng-Khuất Duy Tiến. "Xem hình ảnh, nhớ lại hôm đó, quả là tôi đã vi phạm thật. Phạt như thế là nặng, bằng một nửa tháng lương lái xe. Lần sau tôi xin chừa", anh Thành bộc bạch.
Mỗi ngày có hàng chục người đến trụ sở Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (tại 54 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm thủ tục liên quan đến vi phạm an toàn giao thông. Nhiều người cũng sẽ phải rút kinh nghiệm như anh Thành, khi có ý định vi phạm trật tự an toàn giao thông. Theo Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, từ ngày 1/1/2020 đến 31/3/2022, đơn vị đã xử lý bằng hình thức "phạt nguội" với hơn 7.000 trường hợp, xử phạt tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.
"Phạt nguội" là hình thức sử dụng camera giám sát để phát hiện, ghi lại hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Từ những hình ảnh này, lực lượng chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để ra quyết định xử phạt. Mấy năm gần đây nhiều địa phương trên cả nước đẩy mạnh việc lắp camera giám sát, kết hợp "phạt nguội". Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết: Việc xử lý hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ bằng hình thức "phạt nguội" rất hiệu quả, hạn chế xử phạt thủ công sẽ bảo đảm sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì cảnh sát giao thông sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay.
Tìm biện pháp xử lý "chiêu trò"
Tuy nhiên, quá trình thực hiện hình thức xử phạt này cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Trung tá Trương Song Thành cho biết: Một số trường hợp xác định được người điều khiển phương tiện vi phạm, nhưng họ bỏ việc và không đến trụ sở để giải quyết; một số trường hợp chủ phương tiện không nhận được thông báo do thay đổi địa chỉ hoặc đã mua nhiều năm chưa sang tên (thông báo gửi theo tên và địa chỉ chủ xe trong đăng ký); có trường hợp tài xế lái ô-tô che biển kiểm soát khi tham gia giao thông (dùng khăn mặt treo vào cần gạt nước phía sau xe, dùng băng dính chỉnh sửa các số trong biển kiểm soát...).
Thực tế, đã có trường hợp xử phạt nhầm ô-tô có số biển kiểm soát trùng với số biển kiểm soát của xe đã bị tài xế cố tình chỉnh sửa. Hay những lỗi do vạch kẻ đường mờ; không nhìn rõ biển báo do biển bị che khuất; biển kiểu "gài bẫy" thì xử lý thế nào để các lái xe tâm phục khẩu phục? Đại diện Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, việc xử lý qua hình ảnh hiện nay, người vi phạm vẫn phải trực tiếp đến xem hình ảnh lỗi vi phạm và làm hồ sơ theo quy định, trừ trường hợp ủy quyền (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền). Qua đó có thể đối chiếu biển và hình dáng xe để xác định vi phạm, từ đó mới có thể lập hồ sơ xử lý.
Về điều này, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, cần có thêm những biện pháp xử lý thủ đoạn che biển số để lực lượng chức năng thuận tiện hơn trong việc phát hiện và xử phạt, tránh để người không vi phạm bị "mời oan".
Còn theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng nặng mức phạt đối với nhiều vi phạm liên quan biển kiểm soát. Cụ thể, lái xe sẽ bị phạt hành chính đến sáu triệu đồng nếu sử dụng thiết bị che biển hoặc sử dụng thiết bị lật biển số kèm theo biển số giả, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp... Trường hợp tài xế sử dụng thiết bị lật kèm biển số giả sẽ bị phạt bổ sung tước bằng lái 1-3 tháng và tịch thu biển số vi phạm. Đối với hành vi buôn bán thiết bị vi phạm, để xử lý cần phân tích rõ về mức độ và tính chất của vi phạm. Với hành vi buôn bán thiết bị che, lật biển số có kèm biển số giả, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 đến 24 triệu đồng đối với tổ chức.
Việc triển khai công nghệ để kiểm soát, hạn chế những vi phạm giao thông, từ đó góp phần giảm tai nạn giao thông đang cho thấy hiệu quả đáng kể, khiến nhiều chủ phương tiện cố tình che biển số để tránh phạt nguội phải "chùn tay". Đồng thời, còn làm giảm cảnh nhũng nhiễu, tiêu cực giữa lái xe và người thi hành công vụ.