Atherton trở thành thị trấn đắt đỏ nhất nước Mỹ như thế nào?

Mỗi căn nhà tại Atherton đều rộng ít nhất 4.000 m2 và có giá trung bình 7-8 triệu USD. Điều này ngăn cản các tầng lớp bình dân có cơ hội sống tại đây.

Trong khu nhà giàu đắt đỏ nhất nước Mỹ, người ta có thể thấy đầy các hàng rào, tường gạch kiên cố, cao chót vót. Nhiều biệt thự tọa lạc trong các khu dân cư nấp sau những hàng cây lớn sồi lớn. Chúng thực sự là những pháo đài.

Theo Guardian, Atherton rộng khoảng 14,5 km2. Thị trấn giàu có tách biệt được xem là nơi có giá nhà đắt đỏ nhất nước Mỹ.

Nằm ở trung tâm Thung lũng Silicon, Atherton là nơi sinh sống của nhiều tỷ phú công nghệ, các nhà đầu tư lớn, cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, cựu phó thủ tướng Anh Nick Clegg, và nhà bình luận chính trị nổi tiếng Steve Hilton. Giá nhà trung bình tại đây rơi vào khoảng 7 đến 8.65 triệu USD, và mức thu nhập trung bình của các hộ vào khoảng 525.000 USD/năm.

 Một góc công viên Holbrook-Palmer ở Atherton. Ảnh: Guardian.

Một góc công viên Holbrook-Palmer ở Atherton. Ảnh: Guardian.

Một số cư dân ở đây cho rằng họ là một cộng đồng yên bình và sống khiêm tốn.

Steve Seabolt, Phó chủ tịch Menlo Circus Club, câu lạc bộ kín lâu đời ở Atherton, bao gồm trung tâm cưỡi ngựa, hồ bơi và sân tennis, cho biết: “Đại đa số mọi người làm việc rất chăm chỉ và thành công. Mọi người thân thiện và ấm áp. Và so với nhiều cộng đồng khác, điều đó thật đáng chú ý. Bạn sẽ không thấy nhiều các loại xe đắt đỏ như Rolls-Royces hoặc Bentley. Đó không phải cách họ sống”.

Tuy nhiên, dù có khiêm tốn đến đâu, Atherton vẫn là mã bưu điện đắt đỏ nhất nước Mỹ, và chính quyền thành phố đã “linh hoạt quyền lực chính trị” của họ để biến nơi đây thành lãnh địa của người giàu.

Lãnh địa của người giàu

Theo các luật sư, thị trấn đã thiết lập ranh giới pháp lý để duy trì tính biệt lập và đặt ra những quy định nhằm chống lại các nỗ lực xây nhà giá rẻ, bất chấp cuộc khủng hoảng nhà ở trên toàn bang California.

Jordan Grimes, luật sư chuyên về nhà đất trên bán đảo San Francisco, cho biết: “Atherton là mã bưu điện đắt nhất trong cả nước vì họ tự thiết lập như vậy. Thành phố này vốn không có cổng rào theo nghĩa đen nhưng nó tự phân tầng mình với các nơi khác bằng cánh cổng vô hình: quy hoạch. Rất nhiều thành phố, thị trấn khác trong nước đã sử dụng quy hoạch để ngăn chặn những người không giàu có hoặc người da màu trở thành cư dân của họ, nhưng Atherton là nơi thành công nhất”.

Trong lịch sử, phần lớn bán đảo San Francisco, bao gồm Atherton, từng là điền trang của tầng lớp địa chủ giàu có. Atherton được thành lập như một thị trấn vào năm 1923 và được đặt theo tên một chủ sở hữu bất động sản đầu tiên ở đây - ông Faxon Atherton, một doanh nhân thành đạt.

“Ngày nay, mọi thứ đã khác đi ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, nhiều nơi như Atherton vẫn còn duy trì lịch sử và tư duy đó”, ông Grimes nhận xét.

 Mỗi biệt thự tại Atherton đều rộng ít nhất 4.000 m2. Ảnh: Guardian.

Mỗi biệt thự tại Atherton đều rộng ít nhất 4.000 m2. Ảnh: Guardian.

Thị trấn có hơn 7.100 cư dân, và 73% trong số đó là người da trắng. Không có vùng thương mại nào tồn tại trong giới hạn thị trấn, nghĩa là không có nhà hàng, quán cà phê, cửa hiệu hay tạp hóa. Hầu hết thị trấn là nhà ở, còn lại là 5% gồm công viên và không gian mở, và 6% trường học và cơ sở hành chính như sở cảnh sát.

Toàn bộ nhà ở tại Atherton đều là nhà dành cho một hộ gia đình, được xây dựng trên nền đất có diện tích tối thiểu là 4.000 m2. Trong tình trạng đất đai đắt đỏ và nhà ở khan hiếm, quy định về diện tích tối thiểu của một căn nhà ở Atherton đã biến nơi đây thành lãnh địa của người giàu.

Nỗ lực ngăn chặn phân bổ nhà giá rẻ

Bang California có quy định về phân bổ nhà ở đối với tất cả các thành phố của mình. Quy định này yêu cầu các thành phố và thị trấn quy hoạch nhà ở cho người dân ở mọi mức thu nhập, từ rất thấp đến trên trung bình.

Tháng 11 năm nay, ông George Rodericks, quan chức của Atherton đã soạn thảo lá thư gửi tới hiệp hội các chính quyền vùng vịnh, yêu cầu ủy ban quy hoạch đánh giá lại phương pháp phân bổ đối với Atherton. Ông cho rằng việc quy hoạch nhà ở tại thị trấn này dựa nhiều vào yếu tố gần gũi với công việc và đặc điểm lâu đời của cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, ông cũng đề cập đến vấn đề dù Atherton không có đất đai dành cho hoạt động thương mại, nhưng nó vẫn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người.

Số lượng người làm vườn, nhà thầu, thợ ống nước, thợ điện, thợ sơn và người dọn dẹp vẫn ra vào tấp nập trong thành phố để phục vụ cho các dinh thự. Có những hôm, xe bán tải của những người làm vườn và nhà thầu xếp dài dọc theo đại lộ Atherton, cùng với các xe đưa thức ăn cho họ.

 Không có cấu trúc thương mại nào trong thị trấn. Chỉ có một số ít xe tải đưa đồ ăn đến cho những người làm thuê và nhà thầu trong khu vực. Ảnh: Guardian.

Không có cấu trúc thương mại nào trong thị trấn. Chỉ có một số ít xe tải đưa đồ ăn đến cho những người làm thuê và nhà thầu trong khu vực. Ảnh: Guardian.

“Nước Mỹ luôn có những thành phố nhỏ, giàu có, có thể linh hoạt quyền lực chính trị của họ trong các thủ tục pháp lý phức tạp để có thể hướng việc phân bổ nhà giá rẻ đến các vùng lân cận nghèo hơn”, ông Aaron Eckhouse, quản lý chính sách khu vực, nhận xét.

Một vấn đề nhức nhối được đặt ra là: trong khi Atherton gặt hái được nhiều lợi ích từ Thung lũng Silicon, nó lại không phải chịu gánh nặng về việc cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết như nhà ở giá rẻ.

“Họ có thể đã vạch ra đường lối nhằm loại bỏ thương mại ra khỏi thị trấn, nhưng Atherton vẫn thu được nhiều lợi ích vì nằm ở trung tâm việc làm là Thung lũng Silicon. Tôi không thể chấp nhận việc họ nói rằng họ chỉ là khu dân cư khiêm tốn khi cư dân của họ là những gã khổng lồ về thương mại và công nghiệp. Văn phòng của họ mở đầy ở Palo Alto, Menlo Park và các khu vực lân cận khác”, Eckhouse nói.

Trong lá thư của mình về nhu cầu nhà ở trong khu vực, Rodericks yêu cầu cần phải xét đến “tính bền vững và tác động đến đặc điểm cộng đồng”. Theo các luật sư, “tác động đến đặc điểm cộng đồng” mà ông Rodericks đề cập đến mang hơi hướm của sự phân biệt chủng tộc và phân biệt giai cấp.

Ông Rick DeGolia, Thị trưởng của Atherton, phản bác rằng bất kỳ quan điểm nào liên quan đến việc duy trì đặc tính của thành phố này đều vấp phải những ý kiến trái chiều như vậy. Ông nói: “Atherton cũng giống như mọi thị trấn khác, có thành phần cư dân đa dạng. Có rất nhiều người ở Atherton giàu bất động sản và nghèo tiền mặt”.

Tháng 11, hội đồng thành phố đã đưa ra dự luật trong một nghị quyết, chủ yếu nhằm phản đối nỗ lực của chính quyền bang trong việc xây dựng thêm nhà ở dạng chung cư tại Atherton. Tuy nhiên, dự luật đã thất bại.

Hiện tại, bang California cho phép các khu vực pháp lý địa phương tự xác định quy hoạch. Và hiện nay, có chưa đến một phần tư diện tích đất có thể phát triển được quy hoạch cho chung cư. Điều này đã đóng một phần lớn trong cuộc khủng hoảng nhà ở tại California.

Một báo cáo trong nghị quyết nói trên cho rằng, sự phát triển của các cấu trúc dân cư cao tầng hoặc cấu trúc thương mại dưới bất kỳ hình thức nào sẽ phá hủy đặc điểm cảnh quan bán nông thôn và không gian mở của thành phố.

Bản kế hoạch tổng quát của Atherton đề cập chủ yếu đến cam kết duy trì môi trường bán nông thôn và việc bảo tồn cây cối, đặc biệt là cây sồi. “Thị trấn về cơ bản đã phát triển hoàn chỉnh và mong muốn giữ lại các đặc điểm hiện tại của mình”, báo cáo viết.

 Thị trưởng của Atherton lo ngại việc xây dựng nhà giá rẻ sẽ phá hỏng cảnh quan bán nông thôn và đặc điểm hiện tại của cộng đồng này. Ảnh: Guardian.

Thị trưởng của Atherton lo ngại việc xây dựng nhà giá rẻ sẽ phá hỏng cảnh quan bán nông thôn và đặc điểm hiện tại của cộng đồng này. Ảnh: Guardian.

Thế nhưng, thị trấn lại có những hành động mâu thuẫn với chính quan điểm của mình về việc giữ lại "đặc điểm hiện tại cộng đồng". Cũng trong dự luật, họ tán thành việc đóng cửa một phần ga xe lửa Caltrain. Theo đó, dự luật sẽ loại bỏ các khống chế trong việc quy hoạch, đặc biệt là đối với giao thông, để cho phép nhiều cấu trúc chung cư hơn.

Tác giả của dự luật, Thượng nghị sĩ bang Scott Wiener, đã cam kết hồi sinh dự luật này dưới các hình thức khác.

Ông DeGolia cho biết Atherton không chống lại việc xây dựng nhà ở giá rẻ. Ông lưu ý đến việc đi lại của các sĩ quan cảnh sát của thị trấn. Nhiều người trong số họ phải mất đến hai giờ để đến thung lũng trung tâm vì không thể mua được nhà ở trong vùng vịnh.

Tuy nhiên, ông cho rằng nhà ở giá rẻ không phải lúc nào cũng là giải pháp phù hợp. Thị trưởng cho biết muốn thúc đẩy phát triển nhà ở dành cho nhiều hộ gia đình hơn thay vì nhà giá rẻ hay chung cư.

Theo quan điểm của ông DeGolia, Atherton không có đủ không gian cho các cấu trúc chung cư. Ông lập luận rằng, tuy thị trấn vẫn có thể xây dựng chung cư nếu thay đổi quy hoạch, nhưng ông lo lắng về vấn đề không có đủ bãi đậu xe cho cư dân, và sau đó là thẩm mỹ.

“Vấn đề là phải quy hoạch lại kiểu gì? Xây chung cư ở giữa hàng chục ngôi nhà một hộ khác ư? Như vậy thì thị trấn đâu còn giống một khu dân cư nữa?”, ông nói.

Nói về việc thúc đẩy nhà đa hộ, tại Atherton, hội đồng thành phố đã thông qua sắc lệnh cho phép các chủ sở hữu đất có thể xây thêm các cấu trúc phụ ngay trong khuôn viên bất động sản rộng trên 4.000 m2 của họ.

Thị trấn hiện đã cấp 100 giấy phép xây dựng cho các đơn vị như vậy trong năm nay, ông DeGolia cho biết. Các đơn vị cấu trúc phụ này có thể là phòng trọ hay thậm chí là một căn nhà biệt lập khác. DeGolia hy vọng rằng chúng sẽ trở thành đơn vị nhà cho thuê, phục vụ giáo viên và sĩ quan cảnh sát của thị trấn.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng khó có thể đảm bảo các cấu trúc phụ này sẽ trở thành nhà cho thuê. Việc xây dựng chúng và cho thuê lại là quyết định riêng của các chủ bất động sản.

Hồng Ngọc

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/atherton-tro-thanh-thi-tran-dat-do-nhat-nuoc-my-nhu-the-nao-post1162214.html