ATK Việt Bắc - xứng danh là di sản văn hóa thế giới
Xét ở góc độ văn hóa và lịch sử, ATK Việt Bắc không chỉ là tài sản và Di tích quý báu của Việt Nam, nó còn rất xứng là Di sản của nhân loại. Bởi chính lịch sử và văn hóa gìn giữ nền độc lập của dân tộc Việt Nam đã nói lên điều đó.
Di sản thế giới là một điểm mốc hoặc một khu vực được lựa chọn bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Tổ chức Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, khoa học hoặc hình thức có ý nghĩa khác và được pháp luật bảo vệ bởi các Điều ước Quốc tế.
Các điểm mốc, hoặc khu vực này được ghi nhận là có tầm quan trọng đặc biệt đối với lợi ích của nhân loại. Nghĩa là, một địa điểm có thể là di chỉ, di tích, danh thắng của một quốc gia mà nước đó có tham gia “Công ước Di sản thế giới” đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới (với 190 quốc gia thành viên), được công nhận và quản lý bởi UNESCO.
Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, Di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Hơn nữa, khi nằm trong danh mục Di sản thế giới sẽ được thế giới quan tâm hơn và có thể được nhận tài chính bảo tồn, tu bổ từ Quỹ Di sản thế giới. Di sản - phần lãnh thổ vẫn thuộc quốc gia quản lý nhưng được UNESCO đặt trong mối quan tâm của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ, gìn giữ trước mọi tác động theo quy ước bảo vệ Di sản văn hóa chung của nhân loại.
Các cán bộ của HNBVN thăm Nhà lưu niệm, nơi thành lập HNBVN tại xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Trần Sơn Hải
Soi chiếu với quy định của UNESCO thì Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) - Việt Bắc, bao gồm địa phận 9 xã của huyện Định Hóa (Thái Nguyên) với tổng diện tích bảo tồn hơn 5.200km2, là nơi ở và chỉ đạo trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược suốt những năm từ 1946 - 1954 của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng danh là Di sản văn hóa – lịch sử thế giới! Ý thức sâu sắc về cội nguồn cách mạng, năm 1981 Khu Di tích ATK Định Hóa đã được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Di tích thành phần của ATK hết sức phong phú, gồm: Địa điểm thành lập Việt Nam Giải phóng quân ở xã Định Biên; Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (tháng 5/1947). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã ra các quyết sách quan trọng chỉ đạo quân dân ta đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của quân viễn chinh Pháp trong chiến dịch Thu - Đông năm 1947.
Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành cuốn sách bất hủ “Sửa đổi lối làm việc” của Đảng ta. Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo (1948 – 1954) thuộc xã Phú Đình. Di tích gồm: lán ở của Bác, lán họp Bộ Chính trị, hầm trú, hào thoái…
Nơi đây, Bác và Bộ Chính trị đã đưa ra những quyết định đem lại thắng lợi cho chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954; Cụm di tích Bác ở Khuôn Tát: Cây đa, Đoạn suối Khuôn Tát - nơi Bác tắm, giặt và câu cá; Nhà sàn và hầm Bác ở đồi Nà Đình (xã Phú Đình). Bác đã ở và làm việc từ 20/11/1947 đến tháng 01 năm 1954. Tại đây, Bác đã ra nhiều quyết sách sát sao chỉ đạo toàn dân toàn diện kháng chiến…
Cùng nhiều di tích về các đồng chí lãnh đạo Trung ương, như: Địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại thôn Phụng Hiển xã Điềm Mặc (1947 – 1949); Địa điểm Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tại xã Bảo Linh (1949 – 1954).
Đây là trụ sở làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng Tổng Quân ủy và địa điểm Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh trên đồi Khau Cuội; Tại xã Điềm Mặc là Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Báo Quân đội nhân dân ra số đầu (20/10/1950) tại xã Định Biên; Đồi Pụ Đồn (xã Phú Đình) nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948)...
ATK Định Hóa, Thái Nguyên là tâm điểm quần thể di tích lịch sử chiến tranh nhân dân có một không hai của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; là căn cứ địa cách mạng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ cùng các cơ quan đầu não của cách mạng ở và hoạt động. ATK kết nối bền chặt với các tỉnh núi non hùng vĩ của Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang gọi tắt là: Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên - Hà.
Là cái tên chung gần gũi, thân thương: Chiến khu Việt Bắc!. Nói gọn là: Việt Bắc!… Việt Bắc thực sự là vùng Di sản Văn hóa, lịch sử sáng danh của cách mạng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân; kháng chiến chống đế quốc Pháp, Nhật và Mỹ xâm lược để bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình.
Nhắc tới Việt Bắc là nhớ về Pắc Bó (Cao Bằng) sau mấy mươi năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã về đây - tháng 1/1941 xây lập căn cứ cách mạng; về Tân Trào, Tuyên Quang năm 1945 cùng Trung ương đề ra những quyết sách đặc biệt quan trọng hướng tới cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào sáng ngày 2/9/1945.
ATK – Việt Bắc là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị quyết định và chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ, lập nên Chiến công rạng ngời mà nhà thơ Tố Hữu viết: “Lừng lẫy năm châu/ Chấn động địa cầu”.
Xét ở góc độ văn hóa và lịch sử, ATK Việt Bắc không chỉ là tài sản và Di tích quý báu của Việt Nam, nó còn rất xứng là Di sản của nhân loại. Bởi chính lịch sử và văn hóa gìn giữ nền độc lập của dân tộc Việt Nam đã nói lên điều đó. Rằng, nó có đầy đủ căn cứ và tiêu chuẩn để được ghi tên vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO; hội đủ đáp ứng các tiêu chuẩn về Di sản văn hóa, lịch sử.
Bởi lẽ, Việt Bắc là địa danh cấu trúc tự nhiên của cảnh quan thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu về bản địa, địa danh xây dựng lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch thuộc địa, đưa chính quyền về tay nhân dân. Là địa danh đắc địa gắn kết chặt chẽ với nhau để xây lập căn cứ kháng chiến theo bản vị chiến tranh nhân dân, kiên cường chống thực dân xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do dân tộc. ATK Việt Bắc xét ở góc độ di chỉ, di tích thì Việt Nam đã sớm bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ, từ lâu đã thành tâm điểm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái hấp dẫn đồng bào và du khách muôn phương.
Soi rọi với tiêu chuẩn Di sản văn hóa theo quy định của UNESCO, thì ATK Việt Bắc là minh chứng hùng hồn, tiêu biểu về ý chí và quyết tâm của một dân tộc nhỏ nhưng biết đoàn kết đứng lên theo sự dắt dẫn của Đảng để giải phóng mình bằng nghệ thuật giàu sức sáng tạo của chiến tranh nhân dân.
Hơn nửa thế kỷ nay, ATK Việt Bắc thể hiện đậm đà giao lưu giữa các giá trị với nhân loại, có tính quốc tế như Pắc Bó (Cao Bằng), Đèo De, lán Khau Tý (Thái Nguyên), lán Nà Nưa (Tuyên Quang), Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Thời gian trôi đi càng khẳng định những di tích trong ATK Việt Bắc xứng danh truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, ngày càng được bồi đắp; minh chứng sinh động về tư tưởng, phương cách chiến tranh nhân dân có ý nghĩa lớn lao với nhân loại.
Xét tiêu chuẩn văn hóa tự nhiên, ATK Việt Bắc chứa đựng trong nó các hiện tượng tự nhiên, núi sông hùng vĩ, địa hình hiểm trở lại là địa bàn trọng yếu, bức tường thành bất khả xâm phạm che chở bộ đội Cụ Hồ đánh giặc “Núi giăng thành lũy sắt dày/Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (Việt Bắc – Tố Hữu). Mối quan hệ Di tích lịch sử với thiên nhiên là tất yếu, nương tựa vào nhau như một lẽ tự nhiên.
Không thể không đề cập đến một thực tế, địa danh, địa mạo, sông núi và hệ động thực vật phong phú đa dạng của nơi đây đã và đang có nguy cơ bị hủy hoại vì biến đổi khí hậu thế giới và mưu sinh của con người. Văn hóa bản địa các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc cũng đang chịu không ít tác động của thời hội nhập và kinh tế thị trường. Bởi vậy việc khẳng định và được UNESCO công nhận vùng DI SẢN sẽ tạo nên sự quan tâm của toàn xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong và ngoài nước, góp phần tích cực bảo vệ, tôn tạo, lan tỏa truyền thống, ý nghĩa văn hóa - lịch sử của ATK Việt Bắc.
Việt Nam tự hào là đất nước gia nhập UNESCO sớm - từ năm 1951 và là thành viên tích cực, trách nhiệm, có tiếng nói quan trọng với tổ chức quốc tế giàu tính nhân văn và trí tuệ. Chúng ta đã đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO tới 8 Di sản, gồm 2 Di sản thiên nhiên; 5 Di sản văn hóa; 1 Di sản hỗn hợp. UNESCO là diễn đàn giúp Việt Nam có tiếng nói bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng vị thế đất nước, chủ động hội nhập sâu rộng trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa.
Bởi vậy, thiết tha mong Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bằng chức năng, nhiệm vụ của mình sớm lập Dự án đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới để UNESCO xem xét công nhận ATK Việt Bắc là Di sản Văn hóa - Lịch sử thế giới, bởi tầm vóc văn hóa - lịch sử lớn lao của nó, không chỉ với Việt Nam mà còn cho cả nhân loại hôm nay và mai sau!