Atlantis: Chặng dài đi tìm nền văn minh đã mất
Cái tên Atlantis từ lâu đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử. Nhiều bản ghi chép hé lộ về một nền văn minh chìm sâu dưới đáy đại dương, mở ra tham vọng kiếm tìm dù chỉ là tàn dư của Atlantis. Vậy nhưng, trước những chuyến thám hiểm đáy biển đầy nguy hiểm, một số quan điểm đặt ra ba nghi vấn cần kiểm chứng, liên quan đến khả năng Atlantis chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Đối thoại trong tưởng tượng
Hiện nay, mọi bằng chứng về Atlantis đều xuất phát từ những bản ghi chép của triết gia Plato (khoảng 427-347 TCN). Cái tên Atlantis lần đầu tiên được Plato nhắc đến trong các bản ghi Timaeus và Critias - hai nhân vật trong các cuộc đối thoại tưởng tượng với người thầy Socrates.
Mở đầu Timaeus, Plato đã nhắc tới những mảnh ghép của một xã hội lý tưởng và hùng mạnh, bắt đầu tại một địa điểm rất xa ở Đại Tây Dương và dần trở thành "vương quốc trong mơ" vô cùng giàu có với các công trình tráng lệ từ vàng bạc và đá quý.
Plato đã vẽ nên hình ảnh một lục địa lớn hơn Libya và châu Á cộng lại, ở ngay phía trước những hang rất lớn mà người Hy Lạp gọi là "những cột đá của Heracles" (một địa danh nằm giáp Tây Ban Nha).
Theo đó, Atlantis giống như thiên đường của một liên minh các vị vua sở hữu quyền lực nhiệm màu. Hàng loạt những hình dung về Atlantis hiện lên trong từng câu chữ, từ kiến trúc hai dải đất vòng tròn lớn đồng tâm, cho đến bức tường được mạ hoàn toàn bằng thứ kim loại huyền thoại Orichalcum có giá trị chỉ sau vàng.
Sự hoàn mĩ chấm dứt khi Atlantis hứng chịu một trận động đất khủng khiếp cùng những cơn sóng thần khiến nền văn minh chìm dần trong làn nước đen tối của biển sâu. Sự kết thúc của Atlantis khiến nhiều người hoài nghi về những bản ghi của Plato, rằng nổi tiếng trong lịch sử nhân loại từng có những trận đại hồng thủy bí ẩn như Noah, Gilgamesh hay Deucalion nhưng không có bất cứ chi tiết nào liên quan đến trận đại hồng thủy đã quét sạch dấu vết của Atlantis.
Trong đối thoại với Timaeus, mọi "nguồn gốc" đều đến từ Ai Cập, nhưng tên gọi lại bị thay đổi vì truyền miệng và chuyển ngữ bởi nhiều triết gia khác. Điều thú vị nữa là, Plato chưa bao giờ nhắc đến ngôn ngữ Atlantis trong các câu chuyện, vốn là đặc trưng của bất cứ nền văn minh lớn nào.
Những chi tiết này khiến giới nghiên cứu đặt câu hỏi: trước đây Atlantis không phải có tên là... Atlantis, và rằng Atlantis phải chăng chỉ là hư cấu khi chưa ai khám phá ra ngôn ngữ Atlantis?
Những con số kì quặc
Bản cảo "Bức thư số 7" xuất hiện càng khiến hoài nghi về Atlantis trở nên rõ ràng. Chưa rõ ai đã hoàn thiện bức thư này, chỉ biết bức thư kể lại hành trình rời bỏ Athens của Plato sau khi người thầy Socrates qua đời. Ông đi qua miền đông Địa Trung Hải và tạm nghỉ ở Taras (miền nam Italy ngày nay), để rồi dần dần chịu ảnh hưởng sâu rộng từ triết lý toán học của Pythagoras (570-500 TCN). Điều này được thể hiện ở việc các con số cực kỳ phổ biến trong các bản ghi về Atlantis.
Lý do một vài học giả cảnh báo những người đang cố gắng đi tìm vị trí thành phố Atlantis (nếu nó thực sự tồn tại) là các con số Plato nêu ra chưa chắc đã là thật. Những người chịu ảnh hưởng bởi Pythagoras không dùng số để định lượng một cách chính xác, mà ám chỉ mối liên hệ với vật chất sống hay bản chất tồn tại của sự vật theo triết học.
Nói cách khác, nhiều khả năng các con số trong câu chuyện của Plato phản ảnh khái niệm thần số học, là niềm tin của cá nhân ông vào mối quan hệ tín ngưỡng thần thánh và thần bí giữa các chữ số cùng sự kiện, từ đó giải mã mọi bí ẩn của vũ trụ.
Điều này có vẻ hoàn toàn trùng khớp khi lí giải những con số kì quặc Plato sử dụng để miêu tả Atlantis, bao gồm lực lượng quân đội vỏn vẹn 1 triệu người hay một kênh đào khổng lồ cần lượng nhân lực tham gia xây dựng gấp vài lần so với công trình kênh đào Panama thời hiện đại - điều vốn dĩ là không tưởng với người cổ đại nếu không được sự trợ giúp của... người ngoài hành tinh.
Triết học hay lịch sử?
Giới nghiên cứu nhận định, để hiểu hết những tầng ý nghĩa phía sau các bản ghi của Plato là cả một chặng đường dài. Ngay với cả những người am hiểu lịch sử, chuyện Atlantis được xây dựng bởi thần biển Poseidon, mà theo lời Pluto là "Poseidon được các vị thần Hi Lạp giao sở hữu đảo Atlantis", cũng cực kỳ khó tin. Dường như, Plato không viết lại lịch sử mà đang phóng tác trí tưởng tượng thành một bản ghi để lưu truyền trong lịch sử loài người.
Vào thời của Plato, viết sử là một kỹ thuật còn khá xa lạ, và bản thân triết gia này cũng không cảm thấy mặn mà khi biết từng có người đã đề xuất ý tưởng "chép lại các sự kiện từng diễn ra" cách thời của ông chừng một thế kỷ. Vậy nên, nhiều khả năng các diễn biến lịch sử (như sự biến mất của một nền văn minh sau thảm họa) sẽ lưu lại hậu thế nhờ phương thức truyền miệng dưới dạng thần thoại.
Một số dẫn chứng khẳng định Plato từng bày tỏ sự nghi ngờ việc ghi chép lại lịch sử không giúp tái tạo ký ức cho thế hệ sau, bởi lẽ đã ghi hết rồi thì không thể đặt câu hỏi để kiểm chứng được nữa, thế nên không thể phản ánh trí tuệ thực sự của loài người. Điều này cho thấy, các câu chuyện của Plato (mà ở đây là bí ẩn về thành phố Atlantis huyền thoại), vốn dĩ thấm đẫm nội dung triết học, không phải được tạo ra để hậu thế sẵn sàng lao mình vào hành trình tìm kiếm đầy thách thức như trong phim "Những cuộc phiêu lưu của Indiana Jones".
Mục đích chính của chúng hướng đến các quan điểm triết học Plato muốn truyền tải cho đệ tử của ông. Thế nên, có lẽ không nên vội vã thừa nhận sự tồn tại của Atlantis, mà cần suy nghĩ vượt qua "bề nổi của tảng băng" để chạm tới ý niệm "hoàn mỹ" mà Plato đang cố gắng phác họa thông qua hình ảnh Atlantis huyền thoại? Cho đến nay, câu hỏi này vẫn còn gây nhiều tranh cãi...