'ATM gạo' trao yêu thương

'ATM gạo' với thông điệp 'Trao túi gạo-Gởi yêu thương' vừa được lắp đặt, vận hành tại trụ sở UBND xã Biển Hồ (TP. Pleiku) và UBND xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) vào ngày 23-4. Đến với 'ATM gạo', mỗi người được nhận 2 kg/lần, số gạo không nhiều nhưng cũng đủ làm ấm lòng lúc khó khăn, tình người cũng được lan tỏa trong cơn đại dịch.

San sẻ yêu thương

Sáng 23-4, “ATM gạo” đầu tiên đặt tại UBND xã Biển Hồ (TP. Pleiku) đã chính thức hoạt động. Mới hơn 7 giờ sáng, hàng trăm người dân đã đến địa điểm trên để được nhận gạo. Dù vậy, dưới sự hướng dẫn của lực lượng dân quân tự vệ và đoàn viên, thanh niên, bà con đều giữ trật tự, lần lượt xếp hàng, thực hiện giữ khoảng cách 2 m theo quy định để nhận gạo.

Anh Lê Hoàng Văn (bìa phải) và chị Lê Hà (thứ hai từ phải qua)-đại diện Doanh nghiệp tư nhân vàng Ngọc Diệp bàn giao ATM gạo cho UBND xã Ia Phang. Ảnh: P.L

Anh Lê Hoàng Văn (bìa phải) và chị Lê Hà (thứ hai từ phải qua)-đại diện Doanh nghiệp tư nhân vàng Ngọc Diệp bàn giao ATM gạo cho UBND xã Ia Phang. Ảnh: P.L

Trước đó 1 ngày, Doanh nghiệp tư nhân Vàng Ngọc Diệp phối hợp với UBND xã Biển Hồ đã lên kế hoạch chi tiết và phân chia khu vực phát gạo. Người dân đến nhận gạo phải đeo khẩu trang, được cán bộ Trạm Y tế xã Biển Hồ đo thân nhiệt và hướng dẫn rửa tay sát khuẩn. Sau đó, mọi người vào khu vực có mái vòm để tránh nắng, có ghế ngồi chờ. Khi đến lượt, bà con theo đường một chiều có hàng rào và vạch kẻ sẵn, đứng cách nhau 2 m. Khi di chuyển đến cây “ATM gạo”, người dân nhấn nút, gạo sẽ tự động chảy ra, mỗi lần được 2 kg. Riêng người già yếu, phụ nữ có thai, người khuyết tật được ưu tiên nhận gạo không cần xếp hàng. Máy “ATM gạo” hoạt động tất cả các ngày trong tuần; sáng từ 8 giờ đến 10 giờ 30 phút, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút. Theo quy định, mỗi người được nhận gạo 1 lần/ngày.

Người đến nhận gạo sáng 23-4 phần lớn là người già, trẻ em, người khuyết tật, người lao động nghèo. Ai cũng vui vì được hỗ trợ lúc khó khăn. Bà Trần Thị Phúc (thôn 3, xã Biển Hồ) năm nay đã 78 tuổi, bị khuyết tật nhiều năm và đau ốm thường xuyên. Nghe tin có máy phát gạo miễn phí, bà dậy từ sớm chống nạng đến UBND xã. Bà Phúc xúc động nói: “Chương trình này ý nghĩa quá. Ông bà ta có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Được nhận gạo từ các Mạnh Thường Quân, tôi vui lắm”. Không chỉ người dân xã Biển Hồ mà bà con các xã lân cận cũng đến nhận gạo tại đây. Chị Oát (làng Hol, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Nhận được thông báo, bà con làng mình rủ nhau đến đây từ sớm. Dù chỉ được 2 kg gạo mỗi ngày nhưng chúng tôi rất trân trọng”.

Chị Lê Hà (bìa phải) hỗ trợ người dân nhận gạo. Ảnh: P.L

Chị Lê Hà (bìa phải) hỗ trợ người dân nhận gạo. Ảnh: P.L

Chiếc máy “ATM gạo” thứ 2 đặt tại trụ sở UBND xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) cũng đi vào hoạt động ngay trong chiều 23-4. Cũng tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19, UBND xã Ia Phang đã phân chia các khu vực để người dân lần lượt đến nhận gạo. Trong ngày đầu hoạt động, cây “ATM gạo” này đã cấp phát gạo miễn phí cho gần 400 lượt người dân xã Ia Phang và các xã lân cận. Ưu điểm của máy là bồn chứa lớn, chứa được khoảng 500 kg nên chỉ cần đổ gạo 2-3 lần là có thể phát cả ngày.

Ngoài phát gạo, ở cả 2 địa điểm trên, các Mạnh Thường Quân còn tổ chức “Gian hàng 0 đồng” cấp phát miễn phí mì tôm, nước mắm, dầu ăn, trứng gà… cùng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cho người dân nghèo. Chị Nay H’Phui-làng Thong Nhueng (xã Ia Phang) xúc động bày tỏ: “Nghe tin có máy phát gạo tự động, mình đến để nhận sự giúp đỡ. Mình làm theo quy định, mỗi ngày chỉ lấy 1 lần để còn dành phần cho người khác nữa. Mình cảm ơn các nhà hảo tâm rất nhiều”.

Cùng tiếp sức để duy trì hoạt động

Những cây “ATM gạo” được lắp đặt ở Gia Lai là nhờ tấm lòng hảo tâm của chị Lê Hà-chủ Doanh nghiệp tư nhân Vàng Ngọc Diệp, một gương mặt quen thuộc với các chương trình từ thiện trên địa bàn tỉnh. Khi biết TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước có “cây ATM” này, chị Hà đã bỏ tiền đặt mua để về phát gạo miễn phí cho người dân. Chị Hà cho biết, từ nay đến cuối tuần, doanh nghiệp sẽ tiến hành lắp đặt thêm 3 máy ở các địa điểm: Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku; Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai; Siêu thị Điện máy Hồng Hòa Phát (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). “Dịch bệnh khiến ai cũng khó khăn, vì thế chúng tôi muốn chung tay sẻ chia một phần nhỏ những khó khăn ấy của người nghèo, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa”-chị Hà chia sẻ.

Người dân được bố trí ngồi chờ theo đúng khoảng cách 2m. Ảnh: P.L

Người dân được bố trí ngồi chờ theo đúng khoảng cách 2m. Ảnh: P.L

Khi quyết định mua và lắp đặt “ATM gạo” tại Gia Lai, chị Hà đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân kết nối, hỗ trợ gạo để máy được vận hành liên tục. Sau nhiều ngày kêu gọi, các nhà hảo tâm đã đóng góp được 21 tấn gạo. Chị Trà Thị Thúy Hồng-là một trong những người kết nối, kêu gọi hỗ trợ 2 tấn gạo-cho hay: “Đây là hoạt động rất ý nghĩa, vì thế chúng tôi mong muốn góp sức cùng chị Hà duy trì hoạt động của máy trong thời gian dài”.

Theo các nhà tài trợ, sau khi đi vào hoạt động ổn định, các “ATM gạo” sẽ được bàn giao cho đơn vị tiếp nhận quản lý và vận hành. Ông Trần Văn Cường-Bí thư Đảng ủy xã Ia Phang-cho biết: “Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì và kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp thêm để giúp đỡ được nhiều người một cách thường xuyên hơn”.

“Nếu khó khăn cứ lấy một phần-Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” là nguyên tắc hoạt động của “ATM gạo”. Chị Hà cho biết thêm: “Khi lắp đặt máy này, chúng tôi không đặt nặng hoàn cảnh của người nhận, chỉ cần họ thực sự cần thì chúng tôi không bao giờ từ chối phát gạo. Để máy “ATM gạo” được vận hành lâu dài, chúng tôi cũng mong muốn có thêm sự chung tay, đồng hành của mọi người. Những doanh nghiệp, cá nhân muốn mượn máy để phát gạo từ thiện, chúng tôi cũng sẵn sàng cho mượn, bởi nhờ vậy sẽ có thêm nhiều người lao động nghèo được tặng gạo”.

PHAN LÀI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12380/202004/atm-gao-trao-yeu-thuong-5679412/