Ẩu đả sau va chạm giao thông, đừng để thành ân hận muộn màng

Vụ người đàn ông đánh dã man một cô gái sau va quẹt giao thông tại quận 4, TP.HCM như một hồi chuông tiếp tục cảnh báo tính cách nóng nảy, bạo lực sau va chạm giao thông của một bộ phận người dân. Thời gian gần đây, nhiều mâu thuẫn khi tham gia giao thông nếu bình tĩnh giải quyết thì chỉ ở mức bắt tay giảng hòa hoặc bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, nhiều vụ người tham gia giao thông đã không giữ được cái đầu nóng và trái tim lạnh dẫn đến đánh người, đập phá tài sản và vướng vào lao lý.

Đánh người, đập xe sau mâu thuẫn giao thông

Cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp, báo chí cũng không ít lần tuyên truyền về các trường hợp bạo lực sau va chạm giao thông. Tuy nhiên, hành vi này vẫn tiếp diễn, xâm phạm đến thân thể, tài sản và trật tự giao thông công cộng. Điều này cho thấy, ý thức của một bộ phận người khi tham gia giao thông còn rất kém, không giữ được bình tĩnh, sẵn sàng ăn thua bằng những màn cãi lộn và... nắm đấm.

Dư luận đã dậy sóng khi chứng kiến cảnh ông Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, trú Quận 10; ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) tung ra những nắm đấm, cú đá vào những vùng nguy hiểm đối với một cô gái 23 tuổi chỉ vì va chạm giao thông vào sáng ngày 9-12. Kết quả điều tra của công an, thời điểm trên, chị Q.T.A (23 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) điều khiển xe máy SH biển số TP.HCM di chuyển trên đường Khánh Hội, theo hướng từ quận 7 qua cầu Kênh Tẻ.

Các đối tượng bị bắt sau vụ tai nạn giao thông

Các đối tượng bị bắt sau vụ tai nạn giao thông

Khi đến trước nhà số 120-122 Khánh Hội thì bị Khoa chạy xe máy Honda Air Blade, BKS 59H1-547.48 ép xe vào lan can giữa đường, làm xe của chị A va quẹt vào phía sau xe của Khoa. Lúc này, Khoa chủ động dừng xe, quay lại đánh liên tiếp vào mặt chị A. Khi chị A ngã vào lan can giữa đường, Khoa dùng cùi chỏ đánh vào đỉnh đầu và đá vào mặt chị A. Khi chị A đứng dậy, Khoa tiếp tục đánh nạn nhân cho đến khi có người lái xe 16 chỗ đi bên chiều ngược lại có lời nói can ngăn, Khoa mới dừng việc đánh chị A rồi lên xe bỏ đi.

Hành vi dã man và tàn nhẫn này của Khoa đối với một cô gái đã khiến dư luận rất bức xúc. Ngay lập tức, Khoa trở thành đề tài được bình luận "chiếm sóng" trên mạng xã hội.

Công an quận 4 sau đó đã quyết liệt điều tra, nhanh chóng cho nạn nhân, gia đình nạn nhân và dư luận thấy sự thượng tôn của pháp luật. Chỉ sau 1 ngày, Khoa bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích và khoa rất ân hận về những hành vi không thể kiềm chế được của mình.

Trường hợp như Khoa không phải hiếm gặp, trước đó vào ngày 15-9, anh Nguyễn Ngọc S (35 tuổi) lái ô tô lưu thông tại TP.Thủ Đức. Sau đó, chỉ vì anh S điều khiển xe lấn qua phần đường làm ô tô của Ngô Đức Giang (43 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chạy hướng ngược lại không di chuyển được. Giang liền xuống xe dùng mỏ lét đánh anh S, bẻ kính xe anh S. Bị hành hung tàn bạo, Anh S và người thân liên tục van xin nhưng Giang vẫn không buông tha. Giang cũng bị Công an TP.Thủ Đức khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội gây rối trật tự công cộng.

Nghiêm trọng hơn, cũng là nỗi ân hận muộn màng của 2 thanh niên đi xe máy tại phố Tô Ngọc Vân (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) khi đã hành hung dã man một tài xế taxi dẫn đến tử vong vào ngày 05/3. Hay vào đêm ngày 03/3, tại khu vực ngã tư Lò Đúc - Phạm Đình Hổ (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) do va chạm giao thông, 18 đối tượng thuộc 2 nhóm thanh niên đã cự cãi, đuổi đánh nhau qua một số tuyến phố. Công an sau đó đã vào cuộc và triệu tập nhiều người liên quan để làm việc.

Vào tối 20/10, ông T.N.M.Tr lái xe tải chở rác chỉ vì xin vượt xe taxi của ông Đ.M.T trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM không được nên đã xuống xe cự cãi nhau. Sau đó, ông Tr dùng đoạn ống dầu thủy lực bằng cao su đập gãy kính chiếu hậu xe taxi ông T. Bước đầu thiệt hại ước tính 3 triệu đồng.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi xảy ra tình huống va chạm, tranh chấp hoặc tai nạn giao thông cần có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, tuân theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chấp hành mọi quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Đây là phần quan trọng nhằm từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, thân thiện với con người, vì con người.

Cần kiên nhẫn và tỉnh táo trong mọi tình huống

Phòng CSGT Công an TP.HCM từng khuyến cáo người dân tham gia giao thông cần phải kiên nhẫn và tỉnh táo trong mọi tình huống. Thế nhưng, thực tế khi đối mặt với các tình huống tham gia giao thông, nhiều lái xe lại sử dụng "cái đầu nóng" và "trái tim lạnh" nhiều hơn. Điều này khiến tình hình TTATGT trở nên căng thẳng và phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cãi vã, sử dụng bạo lực, hành hung, cố ý gây thương tích.

Thiếu tá Võ Ngọc Toản, giảng viên trường Đại học An ninh Nhân dân cho rằng - đây là vấn đề đã tồn tại từ trước. Tuy nhiên, mạng xã hội và công nghệ thông tin phát triển thì vấn đề dễ dàng được nhìn thấy hơn. Theo Thiếu tá Toản, nguyên nhân xuất phát từ nhiều lý do, dễ dàng nhận thấy là xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người còn hạn chế. Khi xảy ra va quẹt, họ cho rằng mình đúng nên không có lỗi và dẫn đến bực tức, nổi cáu với vi phạm của người sai luật giao thông.

"Trong khi đó, người đi sai luật, một bộ phận nhận lỗi, bộ phận khác thì cố tình phủi trách nhiệm và làm lớn chuyện để những người xung quanh nghĩ mình không sai. Đây là những người hạn chế về ý thức và ứng xử khi tham gia giao thông nên dễ xảy ra ẩu đả” - Thiếu tá Toản nói thêm về nguyên nhân. Ngoài ra, những tác động khách quan khác như đường đông, ùn tắc giao thông hay trễ giờ làm, giờ đón con... cũng dễ sinh ra bực tức.

Thiếu tá Toản nhận định, dù là người có lỗi hay không, khi tham gia giao thông bị va quẹt, dẫn đến ẩu đả trên đường đều là những hành vi không đúng mực, mất trật tự an toàn trên tuyến, gây ùn tắc và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Thiếu tá Toản khuyên người tham gia giao thông phải luôn giữ cho mình một cái đầu "lạnh", biết kiềm chế và giữ bình tĩnh trước những sự việc xảy ra.

"Khi là người trong cuộc của các vụ va quẹt giao thông, khoan hãy nghĩ mình đúng hay sai, nhờ sự chứng kiến của bên thứ 3, mà cụ thể là các lực lượng chức năng. Nếu không sai trong vụ va quẹt nhưng tham gia vào xô xát, ẩu đả thì từ đúng cũng thành sai" - Thiếu tá Toản khuyến cáo thêm.

Trường hợp bị khiêu khích, lôi kéo vào cuộc ẩu, người dân cần tìm cách lảng tránh, ghi nhận lại tình hình, hoạt động, cử chỉ, ứng xử, phát ngôn của đối phương để làm cơ sở bảo vệ mình trước pháp luật và công luận.

Tốt nhất, mỗi người là một nhà thông thái khi tham gia giao thông, am hiểu và chấp hành luật, ý thức bảo vệ mình và cộng đồng trước hiểm họa của tai nạn giao thông.

Pháp luật quy định các mức xử phạt

Điều 318 BLHS 2015, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù 2 năm đến 7 năm.

Điều 134, BLHS 2015, sửa đổi 2017 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Có tính chất côn đồ...

Nếu làm chết người; Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên... sẽ bị phạt từ 7 năm đến 14 năm tù.

DUY SANG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/au-da-sau-va-cham-giao-thong-dung-de-thanh-an-han-muon-mang_171265.html