Ấu trùng mọt cọ, 'vũ khí' chống suy dinh dưỡng của trẻ mồ côi Congo

Nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em ở các trại trẻ mồ côi, Tổ chức Farms for Orphans đã bổ sung thức ăn giàu protein từ những con côn trùng ăn được vào các suất ăn của trẻ.

Một em bé mồ côi thưởng thức bữa ăn với ấu trùng mọt cọ. (Nguồn: Farms for Orphans)

Một em bé mồ côi thưởng thức bữa ăn với ấu trùng mọt cọ. (Nguồn: Farms for Orphans)

Tại một trại trẻ mồ côi ở thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo, hơn 60 đứa trẻ tròn mắt nhìn những con ấu trùng mọt của cây cọ trên đĩa thức ăn của mình với nụ cười lo lắng trước khi dè dặt nếm thử những con sâu trắng mập mạp được tẩm gia vị và chiên lên này.

Bữa ăn lạ lùng này đang trở thành một hoạt động thường xuyên của trại trẻ mồ côi - một phần trong sáng kiến của tổ chức phi lợi nhuận Farms for Orphans (Trang trại cho trẻ mồ côi) có trụ sở tại Kinshasa - nhằm tìm cách giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em bằng cách bổ sung protein từ những con côn trùng ăn được.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới, khoảng 1/4 trong số 99 triệu dân số của Cộng hòa dân chủ Congo đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực và một nửa số trẻ mồ côi đang bị suy dinh dưỡng.

Côn trùng ăn được, bao gồm cả ấu trùng, đang ngày càng được quan tâm về tiềm năng của chúng như một dạng protein thay thế bền vững cho thịt, có thể làm thức ăn cho người như ở Congo, hoặc làm thức ăn chăn nuôi ở Benin.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, côn trùng có thể là nguồn cung cấp chất béo, protein, vitamin, chất xơ và khoáng chất phong phú.

Farms for Orphans điều hành hai trang trại ấu trùng bền vững ở Kinshasa chuyên chế biến ấu trùng, được người dân địa phương gọi là mpose, cho các trại trẻ mồ côi

Francoise Lukadi, một kỹ sư nông nghiệp điều hành Farms for Orphans cho biết tình trạng thiếu chất dinh dưỡng đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Cộng hòa dân chủ Congo. “Trong khi đó, khoa học đã chứng minh rằng protein trong côn trùng không kém protein trong thịt, và không dễ để có được thịt, nên chúng tôi muốn làm cho nó đơn giản hơn,” bà nói.

Ấu trùng thường được nấu với hành, ớt và cà chua và có vị giống phomát.

Nelly Mimpi, chuyên gia dinh dưỡng và giám sát sức khỏe thực phẩm tại Farms for Orphans cho hay nhiều trẻ nhỏ bị bỏ rơi trong tình trạng suy dinh dưỡng và chúng cần được bổ sung protein từ mpose.

Farms for Orphans đã nhận được tài trợ từ Quỹ Bill và Melinda Gates cho nghiên cứu và ra mắt ban đầu, nhưng Lukadi đang hy vọng sẽ sản xuất đủ ấu trùng để bán thương mại nhằm trợ cấp số tiền quyên góp cho các trại trẻ mồ côi.

Tổ chức này hiện cung cấp dịch vụ cho 4 nhà hàng ở Kinshasa, nơi món sâu cọ đang ngày càng trở nên phổ biến.

 Một đĩa thức ăn chứa ấu trùng mọt của cây cọ được phục vụ cho khách hàng tại một nhà hàng ở Kinshasa vào ngày 24/5. (Ảnh: Reuters)

Một đĩa thức ăn chứa ấu trùng mọt của cây cọ được phục vụ cho khách hàng tại một nhà hàng ở Kinshasa vào ngày 24/5. (Ảnh: Reuters)

Nhóm của bà sản xuất tới 300kg sâu cọ mỗi tháng, và cung cấp bữa ăn cho hàng trăm trẻ em mồ côi mỗi quý - nhưng bà muốn tăng sản lượng ấu trùng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thương mại ngày càng tăng.

Mặc dù nhóm của Lukadi đang nghiên cứu cách nuôi và thu hoạch ấu trùng một cách bền vững trong các phòng thí nghiệm tại Đại học Kinshasa và Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia, song một số chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể mở rộng sản xuất lên quy mô thương mại do thiếu nguồn lực.

Theo một số nghiên cứu, việc nuôi côn trùng ở quy mô thương mại có thể gây ra rủi ro về an toàn thực phẩm, vì một số hoạt động nuôi côn trùng đòi hỏi cây trồng làm thức ăn chăn nuôi mà lẽ ra là được sử dụng trực tiếp cho con người.

Nông dân ở nước láng giềng Benin cũng đang thử nghiệm tiềm năng của protein côn trùng.

Jules Mahinou, 25 tuổi, người đứng đầu một nhóm nông dân chăn nuôi gia cầm trẻ có tên là Tập đoàn Elevart, nuôi ruồi lính đen ở Cotonou, Benin, để sản xuất ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn giàu protein cho gia cầm.

Mahinou cho biết thức ăn thực sự là gánh nặng của chăn nuôi, đồng thời bày tỏ hy vọng sớm có thể cơ giới hóa và sản xuất các sản phẩm thay thế các nguyên liệu nhập khẩu đắt tiền như cá và bột đậu nành trong thức ăn chăn nuôi./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/au-trung-mot-co-vu-khi-chong-suy-dinh-duong-cua-tre-mo-coi-congo-post961154.vnp