Auckland City, CLB nghiệp dư 'lớn nhất thế giới'
Auckland, thành phố đông dân nhất của New Zealand, đang trải qua những ngày mùa đông ẩm ướt. Trong căn phòng ấm áp của mình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Auckland City FC Ivan Vuksich niềm nở đón tiếp các phóng viên đến từ rất nhiều quốc gia đến New Zealand vì World Cup nữ 2023.
Nhấp một ngụm trà nóng, ông chỉ tay ra ngoài cửa sổ nơi các cầu thủ đang tập luyện hăng say trong cơn mưa nặng hạt và cười rất sảng khoái: “Các bạn tin không, chúng tôi chỉ là một đội bóng nghiệp dư”.
Cơ chế kỳ lạ
Auckland City FC trên giấy tờ là một đội bóng nghiệp dư, hiểu đơn giản là các cầu thủ của họ không chơi bóng đá toàn thời gian. Đội bóng thành công nhất lịch sử bóng đá châu Đại Dương, từng lọt vào đến bán kết FIFA Clubs World Cup không phải là một CLB hoạt động chuyên nghiệp dù quy mô của đội không hề “nghiệp dư” chút nào.
Ivan Vuksich, Chủ tịch HĐQT của Auckland City FC đồng thời nằm trong số những người lãnh đạo Hiệp hội Bóng đá New Zealand, không giấu diếm vẻ tự hào khi nói về lịch sử CLB. Auckland City FC được thành lập vào năm 2004 sau khi New Zealand Football bắt đầu một giải đấu quốc gia dựa trên nhượng quyền thương mại. Đội bóng được khai sinh bởi những người ủng hộ Central United FC, một CLB được thành lập từ những người nhập cư Croatia vào năm 1962 nhưng không đủ điều kiện tham gia giải đấu dựa trên nhượng quyền thương mại. Auckland City FC hiện có tới 16 đội bóng nằm trong hệ thống, bao gồm 7 đội Futsal. Không quá khi nói rằng họ là “đội bóng nghiệp dư lớn nhất thế giới”.
Kể từ khi thành lập, Auckland City là đội bóng thành công nhất của New Zealand nói riêng và châu Đại Dương nói chung. Họ đã có 11 lần vô địch OFC Champions League, một kỷ lục về số danh hiệu cấp châu lục và là khách quen của FIFA Club World Cup.
Thành công của Auckland City cũng gây ra nhiều tranh cãi về đội bóng. CLB từ lâu đã phải đối mặt với cáo buộc trả tiền cho các cầu thủ của mình bằng nhiều cách phi chính thống. Trên thực tế, hầu hết các đội bóng mạnh trong giải đấu cấp CLB hàng đầu của New Zealand đều phải đối mặt với những cáo buộc tương tự, nhưng Auckland City luôn là “đối tượng” nổi bật nhất.
“Chẳng sao cả, chúng tôi đã quen với điều đó rồi. Không ai có thể nói rằng chúng tôi phạm luật. Chúng tôi tự tin với tuyên bố rằng phần lớn các cầu thủ của chúng tôi có những công việc bình thường bên ngoài bóng đá”, Ivan Vuksich điềm nhiên trả lời. Khi được phóng viên hỏi cụ thể về nghề nghiệp của các cầu thủ, Vuksich nháy mắt một cách đầy tinh ranh sau cặp kính trắng: “Ồ không, nếu tôi đi vào chi tiết thì sẽ vi phạm quyền riêng tư và nghĩa vụ bảo mật với các cầu thủ”. Và ông khéo léo né tránh những câu hỏi liên quan đến “nghề nghiệp thực sự” của các cầu thủ trong đội, về câu hỏi hợp đồng lao động của họ đến từ đội bóng hay các đối tác tài trợ hay không. Một cách tình cờ, số lượng đối tác tài trợ Auckland FC lại đúng bằng… số lượng cầu thủ trong đội 1 của họ.
Một nhà báo đến từ Philippines chất vấn Vuksich về việc trên trang cá nhân của các cầu thủ hầu như không đề cập đến “công việc chuyên môn chính” của họ. Chính xác hơn, chỉ có vài người “trung thực” để phần nghề nghiệp của mình là “Thợ điện” hay “Kỹ sư máy tính”. Ngay lập tức, vị chủ tịch 75 tuổi đáp lại một cách sắc sảo: “Vậy bạn chắc bao nhiêu phần trăm các phóng viên, nhà báo như bạn khai đúng nghề nghiệp của họ trên trang cá nhân? Ồ, mạng xã hội thực ra là ảo phải không? Một vài cầu thủ có thể là giáo viên, cảnh sát, lính cứu hỏa hay người làm vườn nhưng họ không muốn nghề nghiệp thật của mình bị quá nhiều CĐV biết. Họ cũng có nhu cầu sống và làm việc như tất cả những người bình thường chứ”.
Sự “uyển chuyển” tài tình
Tất nhiên các nhà báo không thể hài lòng với các câu trả lời của Ivan Vuksich. Có lẽ vị chủ tịch của Auckland City đã quá quen với những cuộc phỏng vấn tương tự. Hầu hết các đội bóng New Zealand đều có những cách để trả tiền cho cầu thủ bằng nhiều cách khác nhau.
Nhiều câu lạc bộ của New Zealand cung cấp việc làm cho cầu thủ bằng cách ký hợp đồng huấn luyện với chính CLB hoặc trong các doanh nghiệp tài trợ. Chẳng hạn, Eastern Suburbs, một trong những đối thủ chính của Auckland City đã chi một khoản tiền khổng lồ đến hơn 800.000 USD cho “công tác huấn luyện” trong năm 2021. Liệu các cầu thủ có thực sự làm việc đủ số giờ lao động cần thiết của một nhân viên hoặc HLV bình thường hay không là một câu hỏi thường được đặt ra. Nhưng thật khó để biết được chính xác những sự thật đằng sau các bản báo cáo tài chính.
Bên cạnh đó, một số đội bóng cũng tìm cách để đưa khoản tiền trả cho các cầu thủ vào chi phí vận hành. Auckland City từng báo cáo khoản chi phí nhân sự lên tới gần 700.000 USD nửa đầu năm 2021, trong khi trên giấy tờ họ chỉ có khoảng 14 nhân viên làm việc toàn thời gian. Tất nhiên đây là một con số phi lý khi chia ra theo đầu người, nhưng những lãnh đạo của đội bóng như Ivan Vuksich từ chối đi sâu vào vấn đề. “Đó là bí mật về tài chính, tôi không thể nói gì thêm với các bạn”.
Điều thú vị về Auckland City cũng không phải chi tiền cho sân nhà và các phòng hành chính tại Khu Liên hợp Kiwitea St ở Sandringham, Auckland. Cơ sở này có một sân bóng chất lượng quốc tế, hai khán đài nhỏ có thể chứa 250 người mỗi khán đài và một tháp truyền hình để phát sóng kênh riêng của đội. Các chi phí được trả bởi CLB Central United, đội bóng “mẹ” chia sẻ mặt bằng với Auckland City. Và Chủ tịch của Central United cũng… chính là Ivan Vuksich. Hai CLB còn chia sẻ nhiều thứ bao gồm các nhà tài trợ và có cùng một kế toán trưởng George Franich.
George Franich nhanh chóng đưa ra lời từ chối làm việc với các phóng viên, những người tò mò liệu Auckland City và Central United có phải tồn tại dưới dạng “hai đội bóng, một thực thể” hay không. Auckland City cũng có các khoản tài trợ riêng, và việc Central United chi trả toàn bộ chi phí sân bãi, văn phòng có thể là một cách để hợp thức hóa dòng tiền tài trợ cho các mục đích khác. Đó là vấn đề rất tế nhị và thật dễ hiểu khi vị kế toán trưởng không sẵn lòng chia sẻ những bí mật tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến CLB.
Cuối cùng, những cầu thủ nghĩ gì về việc họ được xem là những người “nghiệp dư”? Theo quy định của bóng đá New Zealand, một cầu thủ chuyên nghiệp được định nghĩa là có hợp đồng bằng văn bản với một CLB và được trả tiền cho hoạt động bóng đá của họ nhiều hơn so với chi phí mà họ phải bỏ ra. Tất cả những người khác được coi là cầu thủ nghiệp dư. Cách định nghĩa này tương đối lỏng lẻo và tạo ra nhiều kẽ hở cho các đội bóng lách qua mà vẫn đảm bảo tính “nghiệp dư” của họ.
Zhou Tong (Chu Thông) là tân binh người Trung Quốc vừa ký hợp đồng với Auckland City hồi đầu tháng 3 năm nay. Anh chuyển đến New Zealand chơi bóng vì vợ anh đang học thạc sĩ ở một trường địa phương. Cầu thủ chạy cánh sinh năm 1990 rất vui khi gặp gỡ các phóng viên châu Á, nhưng đủ thận trọng để không nói về những vấn đề sâu hơn trong cách thức vận hành đội bóng. Khi được hỏi: “Liệu anh có phải là một cầu thủ chuyên nghiệp tại đây hay không?”, Zhou Tong trả lời bằng vốn tiếng Anh vẫn còn hạn chế của mình cùng nụ cười gượng gạo: “Tôi là một cầu thủ chuyên nghiệp tại Trung Quốc, khá là nổi tiếng ở Chinese Super League đấy. Còn bây giờ, ở New Zealand thì chắc là không”. “Vậy ở đây nghề nghiệp chính của anh là gì?”. Zhou Tong bối rối và ngay lập tức chuyển sang chủ đề khác là ước mơ được đối đầu Man City tại FIFA Club World Cup.
Zhou Tong khép lại cuộc gặp gỡ với báo chí bằng một câu có lẽ đủ để nói lên nhiều điều: “Đối với tôi, việc được chơi bóng dưới bất cứ hình thức nào cũng đều là niềm hạnh phúc. Tôi cùng gia đình cảm thấy mọi thứ ở đội bóng và thành phố này đều rất ổn, thế là đủ rồi”.
Đôi điều về Auckland City FC
Thành tích cao nhất của Auckland City FC tại FIFA Club World Cup là việc giành vị trí thứ 3 năm 2014. Trung vệ Ivan Vicelich của họ nhận giải Quả bóng Đồng của giải đấu, đứng sau bộ đôi của Real Madrid là Cristiano Ronaldo (Quả bóng Bạc) và Sergio Ramos (Quả bóng Vàng).
Trước đó vào năm 2009, đội bóng New Zealand đã về đích ở vị trí thứ 5, nhận được 1,5 triệu USD tiền thưởng và theo lời Chủ tịch Ivan Vuksich, 40% khoản tiền thưởng ngay lập tức được chia cho các cầu thủ. Đây được xem là “luật bất thành văn” ở Auckland City.
Đội bóng đã giành quyền tham dự giải đấu FIFA Club World Cup lần thứ 11 sau chiến thắng trước Suva FC của Fiji trong trận chung kết OFC Champions League hồi tháng 5 vừa rồi. Họ sẽ tham dự giải đấu diễn ra tại Saudi Arabia vào tháng 12 này.