Australia đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học

Australia là một trong những quốc gia đứng đầu về mức độ đa dạng sinh học, với nhiều loại động vật chỉ được tìm thấy ở quốc gia này, như gấu túi Koala, thú mỏ vịt... Tuy nhiên, theo các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, nhiều loài ở Xứ sở chuột túi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ðể ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ Australia công bố kế hoạch trong 10 năm tới nhằm bảo tồn hơn 100 loài động vật, thực vật đang bị đe dọa.

Gấu túi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh REUTERS)

Gấu túi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh REUTERS)

Theo báo cáo về môi trường do Chính phủ Australia công bố hồi tháng 7, trong 5 năm qua Australia là một trong những nước có tốc độ suy thoái đa dạng sinh học nhanh nhất trong số các nước phát triển. Báo cáo cũng cho thấy, số lượng các loài phải thêm vào danh sách bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao tăng trung bình 8% so với báo cáo năm 2016. Tháng 2 vừa qua, gấu túi sống dọc theo khu bờ đông Australia đã được liệt kê vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng, sau khi các chuyên gia ước tính Australia đã mất khoảng 30% số lượng gấu túi trong bốn năm qua.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do môi trường sống của các loài động, thực vật tại Australia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của con người và những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Các vụ cháy rừng dữ dội xảy ra vào mùa hè năm 2019 và 2020 tại Australia đã khiến khoảng ba tỷ động vật chết và hơn hàng trăm nghìn km2 rừng bị thiêu rụi. Do đó, nỗ lực bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm tại nước này gặp phải không ít thách thức.

Chính phủ Australia đã đưa ra nhiều chính sách nhằm bảo vệ các loài động, thực vật bản địa đang bị đe dọa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Australia Tanya Plibersek (T.Bli-bơ-xớc) thừa nhận rằng, những nỗ lực của nước này nhằm bảo vệ thiên nhiên hoang dã trong thời gian qua chưa phát huy hiệu quả.

Tại buổi công bố Kế hoạch hành động vì các loài bị đe dọa: Hướng tới không có loài nào bị tuyệt chủng, Bộ trưởng Plibersek nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc bảo vệ đa dạng sinh học và phục hồi các hệ sinh thái. Theo bà Plibersek, kế hoạch này là một bước quan trọng trong nỗ lực bảo tồn 110 loài được ưu tiên, như gấu túi, chuột túi wallaby..., cũng như môi trường sống của chúng. Bà Plibersek cũng cho biết, Australia sẽ dành ít nhất 30% diện tích lãnh thổ để bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Kế hoạch trị giá hơn 220 triệu AUD của Chính phủ Australia đặt ra các mục tiêu đến 5 và 10 năm tới, như đầu tư vào các dự án phục hồi hệ sinh thái, hạn chế các loài săn mồi hoang dã và đưa các loài có nguy cơ tuyệt chủng tới môi trường sống phù hợp hơn. Bên cạnh đó, 20 địa điểm với các hệ sinh thái đa dạng tại Australia, như rừng tảo bẹ khổng lồ ở bang Tasmania, rừng mưa nhiệt đới ở bang Queensland, dãy núi Alps, các đảo Kangaroo, Norfolk, Raine... cũng nằm trong kế hoạch bảo tồn.

Kế hoạch của Chính phủ Australia đã được các nhóm bảo vệ môi trường hoang dã hoan nghênh. Tổ chức Bảo tồn Australia nhận định, mục tiêu của Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese (A.An-ba-nít) là đầy tham vọng; song nhấn mạnh, điều này rất cần thiết nếu người dân Australia muốn tiếp tục được ngắm nhìn các loài động, thực vật phong phú. Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Australia Rachel Lowry (R.Lao-ri) cho biết, Xứ sở chuột túi có hơn 1.900 loài nằm trong danh sách bị đe dọa. Dù nhận định mục tiêu của Chính phủ Australia có thể đạt được, song WWF kêu gọi các nhà chức trách hành động mạnh mẽ hơn và thúc đẩy các kế hoạch bảo tồn với mọi loài bị đe dọa.

Theo Bộ trưởng Plibersek, thực hiện kế hoạch trong 10 năm tới không đồng nghĩa với việc Chính phủ Australia phớt lờ các loài khác đang bị đe dọa. Việc tập trung bảo tồn những loài được ưu tiên cũng sẽ góp phần bảo vệ các loài khác sống trong cùng một môi trường. Các địa điểm được bảo tồn trong kế hoạch cũng được bà Plibersek ví như những “con tàu Noah nhỏ”, nơi những quần thể động, thực vật được sinh sống và bảo vệ.

NHƯ NGỌC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/australia-day-manh-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-post718814.html