Australia duy trì chiến lược chống dịch bệnh hiện nay

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ngày 20/7 khẳng định nước này sẽ tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.

Cảnh vắng vẻ tại khu vực Nhà hát Opera Sydney, Australia, trong thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ngày 14/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh vắng vẻ tại khu vực Nhà hát Opera Sydney, Australia, trong thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ngày 14/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Hunt cho biết để đối phó với sự bùng phát của các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các thành phố đông dân ở Australia, chính phủ sẽ vẫn áp dụng chiến lược kiểm soát số ca mắc hiện nay, tiếp tục sử dụng các “vành đai” ngăn chặn khác nhau để đối phó với biến thể Delta. Theo ông, khi số người được tiêm chủng tăng lên, chính phủ sẽ tập trung hơn vào số ca phải nhập viện và ngăn ngừa tử vong.

Thống kê cho thấy hiện mới có hơn 37% dân số đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 11% được tiêm đầy đủ liều với 2 mũi.

Hai bang lớn nhất ở Australia là New South Wales và Victoria với tổng số 12 triệu dân đang phải thực hiện lệnh phong tỏa để đối phó với các ổ dịch mới. Riêng tại bang New South Wales đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm trong cộng đồng trong hơn 1 tháng qua. Một bang khác là Nam Australia cũng đã yêu cầu người dân phải ở nhà từ đêm ngày 20/7 sau khi ghi nhận 5 ca nhiễm trong cộng đồng trong hai ngày qua.

Trong bối cảnh trên, người đứng đầu ngành y tế Australia vẫn khẳng định những kết quả to lớn của việc áp dụng các biện pháp hạn chế mà nước này đang thực hiện, bao gồm kiểm soát biên giới, xét nghiệm, truy vết người tiếp xúc, giãn cách xã hôi. Theo ông Hunt, những biện pháp này đã mang lại “sự khác biệt” cho Australia, giúp cứu 30.000 sinh mạng so với mức tử vong trung bình ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng gia tăng mạnh những ngày gần đây, lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của Singapore ngày 20/7 đã công bố hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn, bắt đầu từ ngày 22/7 đến hết ngày 18/8.

Người dân xếp hàng mua đồ ăn mang về để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng mua đồ ăn mang về để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, chỉ được tối đa 2 người tập trung nơi công cộng, một gia đình được đón tiếp tối đa 2 người/ngày, các cửa hàng ăn uống chỉ bán mang về, hình thức làm việc tại nhà vẫn được áp dụng triệt để. Các sự kiện tập trung đông người như hội thảo, hội nghị, biểu diễn, đám cưới, hành lễ tôn giáo… sẽ cho phép tối đa 100 người tham dự nếu xét nghiệm trước sự kiện, nếu không xét nghiệm thì được phép tối đa 50 người; dừng tất cả các hình thức biểu diễn hay các dịch vụ không đeo khẩu trang. Các điểm tham quan du lịch chỉ được khai thác công suất tối đa 25%, tour du lịch tối đa 20 người.

Bên cạnh đó, Singapore cũng cấm toàn bộ hoạt động tiệc nướng BBQ hay cắm trại, các lớp thể dục thể thao trong nhà không đeo khẩu trang. Các lớp thể dục thể thao ngoài trời hoặc trong nhà có đeo khẩu trang được phép duy trì tối đa 30 người, chia nhóm 2 người đảm bảo giãn cách…

Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Singapore đã tăng mạnh trong một tuần qua liên quan đến 2 ổ dịch là quán karaoke và cảng cá Jurong. Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế nước này Ong Ye Kung, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng sẽ còn tăng cao do vẫn còn nhiều người đến các quán karaoke còn e ngại làm xét nghiệm, cũng như một số bất cập trong kiểm soát người ra, vào các chợ dân sinh và các trung tâm ăn uống vốn phục vụ rất nhiều đối tượng khách hàng, trong đó có nhiều người già dễ bị tổn thương.

Singapore đã triển khai làm xét nghiệm COVID-19 cho tất cả những người bán hải sản tại các chợ dân sinh trên toàn quốc. Trong những tuần tới, nước này sẽ yêu cầu tất cả người dân khi vào các khu chợ hoặc các trung tâm ăn uống trên toàn quốc phải sử dụng ứng dụng TraceTogether hoặc SafeEntry.

MTF cho biết sẽ đánh giá lại các biện pháp này sau 2 tuần thực hiện và sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Ngày 20/7, Singapore ghi nhận 182 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Cũng trong ngày 20/7, Chính phủ Singapore và chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã nhất trí chỉ tái khởi động các cuộc thảo luận về "bong bóng du lịch" khi tình hình dịch COVID-19 cho phép. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh "đảo quốc Sư tử" này đang chứng kiến các ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng, buộc phải siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Giao thông Singapore S. Iswaran cho biết hai bên sẽ tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ và theo dõi tình hình y tế công cộng ở cả hai địa điểm trước khi khởi động thảo luận trở lại vào cuối tháng 8 tới.

"Bong bóng du lịch" giữa Singapore và Hong Kong ban đầu dự kiến được bắt đầu vào tháng 11/2020, song đã bị hoãn lại 2 lần do số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Hong Kong. Sau đó kế hoạch này bị hoãn lại lần thứ hai trong tháng 5 vừa qua do số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến tại Singapore.

* Cùng ngày, Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia cho biết quốc gia này đã ghi nhận thêm 1.280 ca tử vong do COVID-19 - mức cao thứ hai trong ngày sau mức kỷ lục 1.338 ca được thiết lập một ngày trước đó.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng ghi nhận 38.325 ca mắc mới, cao hơn mức 34.257 ca một ngày trước đó, trong bối cảnh tiến độ xét nghiệm được đẩy nhanh hơn, với 179.275 mẫu bệnh phẩm của 114.674 người được kiểm tra trong ngày.

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 2.950.058 ca mắc và 76.200 ca tử vong do COVID-19. Hiện quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn trên 500.000 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà.

Nguyễn Minh - Nguyễn Thúy - Mạc Luyện - Hữu Chiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/australia-duy-tri-chien-luoc-chong-dich-benh-hien-nay-20210720180930209.htm