Australia giảm thời gian tự cách ly với người đã tiêm phòng đầy đủ

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 3/10, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo từ ngày 11/10 tới sẽ giảm thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc gần các ca được xác định mắc COVID-19.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho sinh viên tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho sinh viên tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quy định mới nêu rõ người có tiếp xúc gần, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19, sẽ được yêu cầu xét nghiệm và tự cách ly trong 7 ngày, thay vì 14 ngày như hiện nay.

Trong khi đó, người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày, bất kể đã tiêm phòng đầy đủ hay chưa.

Theo số liệu của Cơ quan Y tế bang NSW, hiện 66,5% cư dân từ 16 tuổi trở lên của bang này đã được tiêm phòng đầy đủ và 88,1% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Dự kiến địa phương đông dân nhất ở Australia này sẽ đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70% vào giữa tuần tới và các hạn chế phòng dịch ở đây sẽ được nới lỏng từ ngày 11/10.

Trong bối cảnh bang chuẩn bị mở cửa trở lại sau hơn một tuần nữa, Giám đốc y tế bang NSW Kerry Chant lưu ý vẫn còn "rất nhiều điều cần phải tìm hiểu" về biến thể Delta và ảnh hưởng đối với những người được tiêm chủng đầy đủ, đáng chú ý nhất là tỷ lệ nhập viện và khả năng lây nhiễm cho người khác.

Trước đó, ngày 2/10, bang NSW đã ghi nhận 667 ca mắc mới COVID-19, giảm đáng kể so với 1.599 ca ghi nhận cách đây 3 tuần. Tính đến ngày 3/10, thành phố Sydney, thủ phủ của bang NSW đã trải qua 100 ngày phong tỏa, kể từ khi xác định ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên ở Australia hôm 16/6.

*Tại khu vực Mỹ Latinh, Bộ trưởng Y tế Peru Hernando Cevallos ngày 2/10 xác nhận nước này sẽ triển khai tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu, người già trên 65 tuổi và các bệnh nhận có bệnh lý nền.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Bộ trưởng Cevallos nêu rõ Peru sẽ sử dụng các loại vaccine Pfizer và AstraZeneca để tiêm mũi thứ ba, do đã có những bằng chứng về hiệu quả của việc tiêm mũi tăng cường sau hai mũi tiêm đầu tiên của các loại vaccine này. Bộ trưởng Cevallos nhận xét vaccine của Sinopharm của Trung Quốc đã cho kết quả tốt tại Peru, song chưa có kết quả rõ ràng về hiệu quả của việc tiêm mũi thứ ba.

Hiện tại, tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, theo đó cứ 100.000 người thì có 605 ca tử vong. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hơn 199.000 người Peru đã tử vong vì căn bệnh này trong tổng số hơn 2 triệu người mắc. Hiện có khoảng 32% dân số Peru, tương đương 10 triệu người, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

* Cũng trong ngày 2/10, Tập đoàn dược phẩm BioCubaFarma thông báo Cơ quan Quản lý Y tế thuộc Bộ Y tế Nicaragua đã phê duyệt vaccine Abdala và Soberana của Cuba để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại quốc gia Trung Mỹ này.

Hiện chính phủ Nicaragua vẫn chưa phản hồi chính thức về thông tin này.

Cuba đã phát triển 3 loại vaccine ngừa COVID-19, tất cả đều đang chờ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Cuba cũng là quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh và Caribe phát triển thành công vaccine ngừa đại dịch.

Ngành công nghệ sinh học của Cuba có lịch sử lâu đời về phát triển vaccine. Quốc gia này tự sản xuất tới 80% lượng vaccine sử dụng trong nước và còn xuất khẩu ra nước ngoài. Trước Nicaragua, Venezuela, Việt Nam và Iran cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp ủy quyền cho vaccine ngừa COVID-19 của Cuba.

Nguyễn Minh - Ngọc Tùng - Hồng Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/australia-giam-thoi-gian-tu-cach-ly-voi-nguoi-da-tiem-phong-day-du-20211003110049454.htm