Australia lùi thời gian ban hành kết luận điều tra cuối cùng với dây đai thép Việt Nam
Australia tiếp tục gia hạn thời gian ban hành dữ kiện trọng yếu, kết luận điều tra cuối cùng trong vụ việc điều tra CBPG đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu của Việt Nam.
Australia đã tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá dây đai thép phủ màu từ Việt Nam vào tháng 5/2020.
Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông tin, Ủy Ban Chống bán phá giá Australia (ADC) thông báo tiếp tục gia hạn thời gian ban hành dữ kiện trọng yếu (SEF) và Kết luận điều tra cuối cùng (Final Report) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu (painted steel strapping) có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam.
Theo đó, dữ kiện trọng yếu (SEF) và Kết luận điều tra cuối cùng (Final Report) sẽ được ban hành muộn nhất lần lượt ngày 23/4/2021 và ngày 15/6/2021. Các bên liên quan có thể đệ trình quan điểm liên quan trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành SEF.
Vụ việc nói trên được Australia khởi xướng điều tra ngày 27 tháng 5 năm 2020. Nguyên đơn trong vụ việc này là Công ty TNHH Signode Australia, hàng hóa bị điều tra là dây đai thép cacbon phủ màu, cuộn hoặc không cuộn, có hoặc không được đánh bóng bằng sáp, với chiều rộng danh nghĩa từ 12mm đến 32mm, độ dày danh nghĩa từ 0,5 mm đến 1,5 mm.
Thời kỳ điều tra bán phá giá từ 01/4/2019 đến 31/3/2020. Thời kỳ điều tra thiệt hại: từ 01/4/2016.Trong quá trình vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp cung cấp thông tin và trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho Chính phủ, đồng thời trao đổi với ADC các lập luận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thường xuyên thông báo tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam có liên quan để có phương án ứng phó kịp thời với các diễn biến vụ việc.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.
Phần lớn hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,...
Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia, tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam.