Trong lúc tham gia cuộc tập trận chung Red Flag tại căn cứ không quân Nellis ở Nevada, Mỹ hôm 27-1-2018, một chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) đã gặp sự cố bất ngờ.
Chiếc máy bay lao khỏi đường băng trong quá trình cất cánh, 2 phi công kịp trèo ra ngoài mà không cần phóng ghế thoát hiểm, trước khi chiếc tiêm kích bốc cháy.
Đám cháy đã được khống chế ngay sau đó. Nguyên nhân được cho là do sự cố về áp suất, một trong các động cơ của chiếc chiến đấu cơ vỡ thành 3 mảnh, khiến máy bay phát nổ
Chiếc máy bay bị hư hỏng nặng trong một sự cố được đánh giá là “nghiêm trọng nhất đối với RAAF trong hơn 25 năm qua"
Sau quá trình điều tra nguyên nhân và đánh giá thiệt hại, Bộ Quốc phòng Australia đã xác nhận rằng Growler đã “rút khỏi tiến trình phục vụ” và tìm cách bù lại khoản chi phí mua chiếc máy bay, được cho là trị giá 120 triệu USD.
Kể từ khi xảy ra tai nạn, Australia đã cố gắng đòi Hải quân Mỹ bồi thường vì mất chiếc máy bay chiến đấu này - 1 trong 12 chiếc được mua từ Mỹ vào năm 2017. Nhưng các quan chức quốc phòng Australia đã thừa nhận rằng việc đó không thành công.
Tại cuộc họp của Ủy ban Dự toán Thượng viện Australia hôm 29-11, Thiếu tướng Không quân Mỹ Greg Hoffman, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Bộ Quốc phòng nói rằng những người nộp thuế ở Australia giờ sẽ phải gánh thiệt hại này.
“Hải quân Mỹ đã gửi thư chính thức cho chúng tôi và khuyên rằng điều đó thật không may, nhưng quan điểm của Mỹ là không bồi thường”, ông Greg Hoffman nói.
Phía Mỹ cho rằng, kể cả sự cố tương tự có xảy ra với máy bay của Hải quân Mỹ thì họ cũng không truy Boeing, bởi hợp đồng đã kết thúc sau khi chiếc máy bay phản lực rời khỏi dây chuyền lắp ráp của Boeing.
Và trong ngành công nghiệp máy bay, trách nhiệm tự bảo hiểm thuộc về chủ sở hữu và điều hành chiếc chiến đấu cơ.
“Đây là một bài học cay đắng”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Tony Fraser thừa nhận và nói với Ủy ban rằng Bộ Quốc phòng sẽ xem xét lại tất cả các hợp đồng mua vũ khí quân sự lớn với Mỹ.
Một số nhà lập pháp Australia đã bị bất ngờ và đặt câu hỏi tại sao chỉ khi xảy ra tai nạn, nhà chức trách mới xem lại hợp đồng và tìm hiểu quyền lợi của mình.
Được biết, chiếc EA-18G Growler của Australia gặp nạn là loại máy bay đối kháng điện tử Mỹ chỉ bán riêng cho RAAF và được bàn giao hồi đầu năm 2017.
RAAF từng công bố, máy bay này sẽ chính thức hoạt động trong lực lượng RAAF từ giữa năm 2018 và việc trang bị sẽ được hoàn thành vào năm 2022.
Nhà sản xuất Mỹ và Australia đã công bố hợp đồng mua 12 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet và 12 biến thể EA-18G Growler trị giá tới 3,7 tỷ USD hồi năm 2013.
Sau khi EA-18G được cải tiến thành máy bay tác chiến điện tử, khả năng treo vũ khí bên ngoài, tải trọng vũ khí của EA-18G không hề thay đổi, nên nó vẫn là một loại máy bay chiến đấu hạng nặng.
Mối đe dọa lớn nhất mà EA-18G mang đến cho đối phương chính là tên lửa chống bức xạ. Máy bay EA-18G đều có tầm bay lên đến trên 2.000km.
Cũng tại cuộc họp Ủy ban Dự toán Thượng viện hôm 29-11, một quan chức Hải quân Australia còn cho biết, người nộp thuế ở Australia cũng sẽ phải chịu thanh toán hóa đơn 152 tỷ USD cho đội tàu ngầm 12 chiếc mua của Pháp 3 năm trước
Khoản tiền đó bao gồm chi phí phát sinh sau khi ký hợp đồng cùng với phí duy trì, nâng cấp cho đến khi hết thời gian phục vụ vào năm 2080.
Hải Yến (Theo Abc.net.au)