Australia nỗ lực và hành động khẩn cấp, không để loài cá tay đỏ bị tuyệt chủng

Mới đây, chính phủ Australia đã tạo điều kiện để các nhà khoa học tiến hành hoạt động can thiệp khẩn cấp nhằm cứu loài cá tay đỏ (Red handfish).

Cá tay đỏ ở Australia trước nguy cơ tuyệt nếu không được bảo vệ kịp thời. (Nguồn: The Guardian)

Cá tay đỏ ở Australia trước nguy cơ tuyệt nếu không được bảo vệ kịp thời. (Nguồn: The Guardian)

Cá tay đỏ là một trong những loài cá hiếm nhất thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng trước đợt nắng nóng sắp đến gần trong mùa Hè ở quốc gia châu Đại dương này.

Theo thông tin từ Bộ Môi trường và nước Australia, chính phủ Australia đã áp dụng quyền miễn trừ theo luật môi trường quốc gia để tạo điều kiện cho các nhà khoa học thu thập tới 25 con cá tay đỏ ngoài tự nhiên và đưa số cá này về nuôi dưỡng tại các cơ sở của Viện Nghiên cứu hàng hải và Nam Cực (IMAS) thuộc Đại học Tasmania để bảo đảm số cá này được an toàn.

Quyết định trên được đưa ra ngay sau cuộc thảo luận chuyên sâu giữa chính phủ liên bang Australia và bang Tasmania cùng các bên liên quan khác, trong đó có IMAS, về tình trạng nguy cấp của loài cá tay đỏ.

Trong một thông báo, Bộ trưởng Môi trường và nước Tanya Plibersek nhấn mạnh, chính phủ Australia đã đặt mục tiêu không để loài cá này bị tuyệt chủng và hành động can thiệp khẩn cấp nhằm tạo điều kiện cho loài cá này có điều kiện sống tốt nhất là rất quan trọng.

Trong tuần qua, chính phủ liên bang Australia đã đầu tư 239.650 AUD (khoảng 163.000 USD) để cải thiện môi trường sống hoang dã của loài cá tay đỏ và hồi phục sức khỏe của các loài đang được nuôi dưỡng riêng.

Trước đó, chính phủ Australia đã hỗ trợ hơn 600.000 AUD cho hoạt động nhân giống và cải thiện môi trường sống của cá tay đỏ và 68.000 AUD để hỗ trợ các hành động quan trọng cần thiết khác nhằm đảm bảo loài cá quý hiếm này không bị tuyệt chủng.

Trong mùa Hè năm nay, IMAS tiếp tục theo dõi mức độ căng thẳng của số cá tay đỏ còn lại ngoài tự nhiên để cân nhắc thu thập và chuyển chúng đến cơ sở của viện nếu cần thiết.

Sau khi sóng nhiệt trên biển qua đi, các nhà khoa học sẽ đánh giá lại về môi trường sống của cá tay đỏ để xác định xem liệu chúng có thể được đưa trở lại tự nhiên một cách an toàn hay không.

Trong những năm gần đây, số lượng cá tay đỏ đã giảm một nửa do tình trạng thoái hóa môi trường sống của rong biển, vốn là chỗ trú ngụ để sinh sản của loài cá này.

Hiện nay, chỉ còn khoảng 50-100 con cá tay đỏ trong tự nhiên. Vây ngực của những con cá này đã tiến hóa thành cấu trúc như đôi tay và được sử dụng để “đi bộ” dưới đáy biển thay vì bơi lội.

Đây là một là loài cá rất khó để bắt gặp và là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/australia-no-luc-va-hanh-dong-khan-cap-khong-de-loai-ca-tay-do-bi-tuyet-chung-255057.html