Australia nới lỏng thêm các biện pháp phòng dịch Covid-19

Chính quyền bang New South Wales ở Australia chuẩn bị công bố lộ trình mở cửa trở lại trong ngày 27/9, sau khi các biện pháp siết chặt phòng dịch đang dần được nới lỏng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và số ca nhiễm mới giảm.

Thành phố Sydney ở bang New South Wales, Australia đang trong lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Thành phố Sydney ở bang New South Wales, Australia đang trong lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Là trung tâm của đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất đất nước, bang này bắt đầu nới lỏng một số hạn chế vào ngày đầu tuần mới, bao gồm ở cả thành phố thủ phủ Sydney, cho phép các công trường xây dựng hoạt động với công suất tối đa và các bể bơi ngoài trời cũng được phép mở cửa trở lại với các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng. Việc đi lại tự do trong bang cũng sẽ được phép khi tỷ lệ tiêm chủng đạt đến ngưỡng 80%.

Sáng nay, New South Wales ghi nhận mức tăng thấp nhất các ca nhiễm Covid-19 trong hơn một tháng qua, với 787 ca, đa số ở Sydney, giảm so với 961 ca được báo cáo một ngày trước đó.

Với 60% người từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ - cao hơn mức trung bình toàn quốc là 52%, giới chức bang dự kiến sẽ đạt được mục tiêu 80% tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 10, dựa trên tốc độ tiêm chủng như hiện tại.

Phát biểu trên đài phát thanh 2GB, Phó Thủ hiến bang New South Wales, ông John Barilaro nêu rõ, người dân bang này sẽ được hưởng nhiều tự do hơn sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, đồng thời khuyến khích người dân tiếp tục tiêm phòng.

Australia đang trong làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gây nên, khiến Sydney và Melbourne, hai thành phố lớn nhất nước cùng thủ đô Canberra phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Ở bang Victoria, giới chức địa phương cũng dự kiến sẽ nới lỏng một số hạn chế từ thứ tư tới khi tỷ lệ tiêm chủng liều đầu tiên tại đây được dự báo sẽ chạm mốc hơn 80%. Sáng nay, bang này ghi nhận 705 ca mắc mới, ngày giảm thứ ba liên tiếp.

Tại Đông Nam Á, nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, Bộ Y tế Malaysia ngày 26/9 đã quyết định rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca từ chín tuần xuống còn sáu tuần, bắt đầu từ ngày 1/10.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 8/6/2021. (Ảnh: Reuters)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 8/6/2021. (Ảnh: Reuters)

Hiện Malaysia đã tiêm được đủ hai mũi cho 82,5% người trưởng thành, do vậy việc giảm khoảng cách giữa hai mũi tiêm để những người tiêm vaccine của AstraZeneca hoàn thành tiêm chủng là rất quan trọng.

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cũng quyết định thành lập Lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia, nhằm nhanh chóng xét nghiệm và cách ly các trường hợp nhiễm Covid-19.

Trong khi đó, ngày 26/9, Trung Quốc tiếp tục chuyển vaccine CoronaVac của hãng Sinovac cho Philippines để hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này trong cuộc chiến chống đại dịch. Hiện Philippines đã tiêm chủng được cho 43,8 triệu người, trong đó hơn 20 triệu người được tiêm đủ hai mũi. Chính phủ Philippines đang kỳ vọng có thể tiêm được cho 70 triệu người trong năm nay. Tính tới nay, Philippines đã nhận được 70 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau, trong đó Trung Quốc là nước cung cấp nhiều vaccine nhất cho Manila.

Trong ngày 26/9, Bộ Y tế Singapore báo cáo 1.939 trường hợp mắc Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch. Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm gần đây sau khi nới lỏng một số biện pháp giãn cách đã buộc Singapore phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại. Hiện hơn 80% dân số Singapore đã được tiêm ngừa Covid-19.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide lạc quan về khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, vốn đang được áp đặt tại nhiều tỉnh, thành phố ở nước này cho đến cuối tháng, đồng thời khẳng định tình hình dịch bệnh đang có tín hiệu cải thiện. Theo ông Suga, hiện số ca mắc mới ở Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 ca/ngày so với thời điểm lên tới khoảng 25 nghìn ca/ngày.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết, từ tháng 10 tới, nước này cũng sẽ giảm thời gian giữa hai mũi vaccine nhằm tăng tỷ lệ người được tiêm đủ hai mũi. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhóm có nguy cơ cao, bao gồm người từ 60 tuổi trở lên và nhân viên y tế.

Cùng với nỗ lực tiêm phòng, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết, nước này vẫn kiên định lộ trình theo từng giai đoạn để trở lại cuộc sống bình thường bắt đầu từ cuối tháng 10 tới, bất chấp sự gia tăng số ca mắc Covid-19 mới đây ở trong nước.

Bộ Y tế Iran ngày 26/9 công bố số liệu thống kê cho thấy hơn 50% dân số trên 18 tuổi ở nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, khi quốc gia Hồi giáo đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, một phần nhờ có nguồn vaccine nhập khẩu dồi dào hơn.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy hơn 35 triệu người (trong tổng dân số mục tiêu 60 triệu người) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, trong khi tổng số vaccine được tiêm đã vượt con số 50 triệu liều. Cũng theo Bộ Y tế Iran, tính đến nay đã có 15.467.255 người được tiêm chủng đủ hai mũi. Những tuần gần đây, trung bình 1 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19/ngày được tiêm cho người dân ở Iran.

Hiện châu Á vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng ngày 27/9, thế giới đã có tổng 232.595.152 ca nhiễm Covid-19, trong đó châu Á ghi nhận hơn 75,2 triệu ca.

Xét theo khu vực, châu Á ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, vượt xa khu vực đứng thứ hai là châu Âu (58.4 triệu ca). Con số này ở Bắc Mỹ là hơn 52,5 triệu ca và ở Nam Mỹ là hơn 37,7 triệu ca.

Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.215.914 triệu ca, tiếp theo là Nam Mỹ với 1.152.030 ca, châu Á là 1.113.973 ca và Bắc Mỹ là 1.067.522 ca.

Trong khi đó, thế giới đã có 209.197.975 người phục hồi sau thời gian mắc bệnh Covid-19. 1/6 trong số này là ở Mỹ (hơn 33 triệu người). Con số này ở Ấn Độ cũng gần tương đương với hơn 32,9 triệu người khỏi bệnh.

Xét theo từng quốc gia, Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch, với số ca nhiễm (43.750.983 ca) và số ca tử vong (706.317 ca) đều đứng đầu thế giới. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hiện đã hơn 33,6 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hiện là 594.484 ca).

Tuy nhiên, xu hướng giảm ở cả ca mắc mới và ca tử vong mới vẫn tiếp tục trong tuần qua. Thế giới ghi nhận thêm 3.159.772 ca mắc mới và 52.327 ca tử vong mới trong bảy ngày qua, lần lượt giảm 13% và 12%, trong đó Mỹ chứng kiến cả hai chỉ số này đều giảm mạnh, lần lượt giảm 28% và 14%, cao hơn mức trung bình thế giới.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp ở một số nước châu Âu và châu Á như Romania, Ukraine, Anh, Singapore, Hàn Quốc..., với số ca mắc và tử vong mới trong tuần đều tăng mạnh.

TRUNG HƯNG (Tổng hợp)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/australia-noi-long-them-cac-bien-phap-phong-dich-covid-19-666864/