Australia phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng
Nhà chức trách Australia ngày 30/11 thông báo, nước này vừa phát hiện 1 du khách quốc tế nhiễm biến thể Omicron đã có thời gian sống trong cộng đồng, đồng thời đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và những địa điểm mà người này từng đến.
Theo đó, du khách đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ này đã ghé qua 1 trung tâm mua sắm sầm uất ở Sydney và nhiều khả năng đã mang mầm bệnh trong người ở thời điểm đó. Tất cả các hành khách đi cùng chuyến bay với người này đã được yêu cầu tự cách ly 14 ngày, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ.
Ca bệnh vừa phát hiện đã nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới tại Australia lên 6 trường hợp. Nhưng đây là ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại nước này. Hiện tất cả các ca bệnh đều đã được cách ly và không có triệu chứng mắc Covid-19 hoặc biểu hiện các triệu chứng rất nhẹ.
Giới chức sở tại cũng cho biết đang tiến hành giải trình tự gen khẩn cấp mẫu bệnh phẩm của 2 ca dương tính khác trên cùng chuyến bay với ca nhiễm cộng đồng trên, nhằm xác định xem liệu các trường hợp này có nhiễm biến thể Omicron hay không.
Các thông tin trên được đưa ra vào thời điểm chính quyền các cấp tại Australia đang họp khẩn để xem xét các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây lan của biến thể Omicron. Nước này đã tạm lùi thời điểm mở cửa biên giới thêm 2 tuần, vốn dự kiến sẽ được tiến hành trong vòng vài ngày tới, nhằm cho phép du học sinh và lao động nước ngoài có tay nghề cao được phép nhập cảnh Australia.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi người dân Australia bình tĩnh trước nguy cơ của biến thể Omicron. Phát biểu trong 1 cuộc họp báo ở Canberra, ông Morrison cho rằng giới chức nước này cần bình tĩnh để đưa ra các quyết định và không nên quá lo lắng trước biến thể mới.
Bộ trưởng Y tế Greg Hunt nhấn mạnh, quan điểm của hầu hết các chuyên gia y tế là mặc dù Omicron là 1 biến thể mới nhưng hoàn toàn “có thể kiểm soát được”.
Omicron được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách "biến thể đáng lo ngại”, và cảnh báo nó có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy Omicron gây ra tình trạng bệnh ở thể nhẹ hơn so với lo ngại ban đầu.
Cùng ngày, Nhật Bản xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở nước này, chỉ 1 ngày sau khi Nhật Bản đóng cửa biên giới với tất cả các nước trước lo ngại Omicron lây lan.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno cho biết, ca nhiễm là 1 nhà ngoại giao khoảng 30 tuổi đến từ Namibia, nhập cảnh tại sân bay Narita ở vùng Tokyo.
Cũng theo ông Matsuno, việc phát hiện ra ca nhiễm này cho thấy biện pháp đóng cửa biên giới đã phát huy tác dụng. Ông nói thêm, để tránh tình huống xấu nhất liên quan biến thể Omicron xảy ra, Nhật Bản sẽ thường xuyên cập nhật tình hình lây nhiễm ở từng quốc gia để có các phản ứng linh hoạt và nhanh chóng.
Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore vừa cho biết, 2 hành khách từ Johannesburg (Nam Phi) có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể mới Omicron khi đến Sydney (Australia) đã quá cảnh ở sân bay Changi của Singapore.
Theo đó, 2 hành khách này đã rời Johannesburg vào ngày 27/11 trên chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airlines và đến Changi cùng ngày, trước khi tiếp tục hành trình đến Sydney. Cả 2 đều có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên đường.
Bộ Y tế Singapore cho biết thêm, hầu hết hành khách trên chuyến bay này đều lưu lại khu vực quá cảnh ở sân bay Changi. Trong số 7 hành khách xuống máy bay, có 6 người đã được thông báo cách ly tại nhà trong 10 ngày, trong khi hành khách thứ 7, người có tiếp xúc gần với 1 ca bệnh trên chuyến bay trên đã được cách ly y tế. Hiện nhà chức trách Singapore đang tiến hành truy vết các nhân viên sân bay nhiều khả năng cũng đã tiếp xúc với 2 ca bệnh trên.
Giới chức Australia cho biết, 2 hành khách nhiễm biến thể Omicron khi đến Sydney trên đã tiêm chủng đầy đủ và đang thực hiện cách ly y tế.
Singapore cũng đã quyết định tạm hoãn các biện pháp dần mở cửa trở lại trong khi đánh giá nguy cơ từ biến thể Omicron, đồng thời sẽ tăng cường xét nghiệm đối với hành khách quốc tế và lực lượng tuyến đầu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ trưởng Y tế Singapore, ông Ong Ye Kung ngày 30/11 cho biết, chính sách nhập cảnh miễn cách ly mà nước này đang áp dụng đối với những du khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không được mở rộng thêm so với hiện tại, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng cũng vẫn sẽ được duy trì.
Singapore sẽ ưu tiên sử dụng các xét nghiệm PCR để xét nghiệm cho các hành khách nước ngoài. Bất kỳ trường hợp nhiễm biến thể Omicron nào sẽ được đưa vào cách ly y tế tại các cơ sở của chính phủ, thay vì cách ly tại nhà, vốn đang được áp dụng cho các ca mắc Covid-19 thể nhẹ.
Ông Ong cũng cho biết thêm, tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao của Singapore sẽ góp phần giúp tăng sự bảo vệ trước biến thể này.
Chính phủ Singapore trước đó đã hạn chế đi lại đối với các quốc gia nam châu Phi và trì hoãn việc mở rộng chương trình nhập cảnh miễn cách ly cho du khách đã được tiêm phòng từ một số quốc gia Trung Đông.
Bộ Y tế Ấn Độ cùng ngày khuyến cáo chính quyền các bang ở nước này tăng cường xét nghiệm Covid-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan trên thế giới. Bộ này cũng cho biết các xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên vẫn có khả năng phát hiện ra Omicron.
Dù Ấn Độ chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể mới nào, nhà chức trách nước này đang kiểm tra kỹ mẫu bệnh phẩm của 1 nam giới có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi trở về từ Nam Phi gần đây, để xem liệu ca bệnh này có nhiễm Omicron hay 1 biến thể khác hay không.
Cũng trong ngày, thành phố Mumbai quyết định hoãn việc mở cửa trở lại trường học cho trẻ em cho đến ngày 15/12 thay vì ngày mai. Các lớp học trực tiếp dành cho học sinh lớn hơn đã mở lại cách đây khoảng 2 tháng. Thành phố Pune ở bang Maharashtra cũng đã hoãn việc mở cửa trở lại các trường học.
Ở châu Âu, Giám đốc điều hành Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), bà Emer Cooke ngày 30/11 cho biết, EMA có thể phê duyệt các vaccine đã được điều chỉnh để nhắm vào biến thể Omicron trong vòng 3 đến 4 tháng nếu cần thiết. Tuy nhiên, bà Cooke cũng cho rằng các vaccine hiện hành vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực bảo vệ trước biến thể này.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, bà Cooke cho biết, các nhà sản xuất vaccine vẫn sẽ phải bảo đảm sự điều chỉnh trong vaccine mới có hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng. Bà cũng nhấn mạnh, ngay cả khi biến thể mới trở nên phổ biến hơn, các loại vaccine hiện có vẫn sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả bảo vệ.
Omicron chia sẻ một số đột biến chính với 2 biến thể trước đó là Beta và Gamma, vốn khiến các biến thể này ít bị ảnh hưởng bởi vaccine hơn. Ngoài ra, Omicron còn có 26 đột biến riêng, trong đó khá nhiều đột biến nằm ở các vùng mà các kháng thể có được sau khi tiêm vaccine thường nhắm tới.