Australia rúng động vì video nhạy cảm trong quốc hội
Các đoạn video nhân viên chính phủ Australia có hành vi đồi trụy trong tòa nhà quốc hội, trong đó có một vụ việc nhắm đến nữ nghị sĩ, đang khiến dư luận nước này phẫn nộ.
Theo AFP, những hình ảnh và video về hành vi đồi trụy được chia sẻ trong một nhóm chat của nhân viên chính phủ liên minh cầm quyền. Trong đó, một đoạn video còn cho thấy nam nhân viên chính phủ có hành vi dâm dục trên bàn của một nữ nghị sĩ.
Những đoạn video và hình ảnh này đã được chia sẻ cho truyền thông bởi một nguồn tin tố giác và được tờ The Australian cùng đài Channel 10 vào đêm 22/3.
Thủ tướng Scott Morrison đã lên tiếng chỉ trích những hành động sai trái này và nhóm chat liên quan là thông tin "đáng hổ thẹn" và "thiếu phẩm giá".
Những hình ảnh vừa được công bố đã một lần nữa thổi bùng lên sự phẫn nộ trong dư luận Australia về các vụ quấy rối tình dục tại quốc hội nước này, cũng như cách phản ứng thiếu quyết liệt từ chính phủ liên minh cầm quyền. Từ tháng 2, truyền thông Australia còn hé lộ nhiều cáo buộc cưỡng hiếp và quấy rối với nạn nhân là nhân viên nữ trong chính phủ và quốc hội.
Người tố giác tự gọi mình là Tom. Theo tiết lộ của anh, nhân viên chính phủ và một số thành viên Quốc hội Australia còn lấy phòng cầu nguyện trong tòa nhà làm nơi quan hệ tình dục. Tom khẳng định có nhân viên tòa nhà đưa người bán dâm vào "chiều chuộng các nghị sĩ của liên minh cầm quyền".
Theo người tố giác, anh có tham gia nhóm chat gây tranh cãi. Những nhân viên chính phủ trong nhóm này thường xuyên chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của bản thân, nhiều đến mức Tom cảm thấy "miễn nhiễm với điều này".
Người tố giác mô tả trong chính phủ liên minh cầm quyền đang tồn tại "kiểu văn hóa rằng đàn ông có thể làm mọi việc họ muốn". Ông không nghĩ các đồng nghiệp của mình vi phạm pháp luật, nhưng "đã suy đồi về đạo đức".
Sau khi các hình ảnh được tiết lộ, ít nhất một trợ lý trong chính phủ đã bị sa thải ngay lập tức. Chính phủ của ông Morrison cũng cam kết thêm những bước xử lý vụ việc. Bộ trưởng Phụ nữ Marise Payne nói vụ việc khiến bà vô cùng thất vọng. Bà nhấn mạnh chính phủ cần điều tra về văn hóa làm việc trong quốc hội nước này.
Thành viên nội các Karen Andrews cũng kịch liệt lên án tình trạng phân biệt đối xử theo giới tính trên chính trường Australia. Bà khẳng định "lương tâm không cho phép mình tiếp tục im lặng".
Dư luận và truyền thông nước này liên tục chỉ trích môi trường làm việc "độc hại" trong Quốc hội Australia đã dẫn đến tình trạng bắt nạt thường trực, quấy rối tình dục và tấn công tình dục nhắm vào phụ nữ. Hàng chục nghìn phụ nữ vào tháng 3 đã tham gia các cuộc tuần hành phản đối quấy rối tình dục và bất bình đẳng giới. Họ kêu gọi chính phủ thay đổi một cách có hệ thống trong chính trường và xã hội Australia.