Australia sa sút, nhưng vẫn quá tầm với của Việt Nam?

So với lứa cầu thủ thuộc thế hệ vàng từng tham dự World Cup 2006, Australia giờ đây đã yếu đi nhiều. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể dễ dàng giành điểm trong tay đội bóng xứ sở chuột túi. Trình độ, đẳng cấp, lẫn kinh nghiệm của họ vẫn ở quá tầm với HLV Park Hang Seo cùng các học trò.

Những cầu thủ nổi trội

Bóng đá Australia thời điểm hiện tại không còn sản sinh ra những cá nhân xuất chúng như Harry Kewell hay Mark Viduka nữa. Người nổi bật nhất trong đội hình của họ lúc này là thủ môn Mathew Ryan. Trước khi chính thức đầu quân cho Real Sociedad ở kỳ chuyển nhượng hè 2021, Ryan từng khoác áo Valencia và Brighton. Anh thậm chí từng có 6 tháng chơi cho Arsenal theo dạng cho mượn từ Brighton hồi đầu năm nay.

Trào lưu đổ bộ đến Anh thi đấu của bóng đá Australia hồi thập niên 90 không còn được họ áp dụng nữa. Ngoài Ryan, Australia chỉ còn 1 cầu thủ khác thi đấu ở 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu là tiền vệ Ajdin Hrustic của Eintracht Frankfurt. Thời kỳ hoàng kim với những cầu thủ Australia xuất ngoại tung hoành Premier League, La Liga hay Serie A đã qua từ lâu.

Đội tuyển Australia vẫn quá mạnh so với đội tuyển Việt Nam.

23 cá nhân được triệu tập cho trận gặp Việt Nam của đội bóng xứ sở chuột túi hiện thi đấu ở Đan Mạch, Bỉ, Israel, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Đây là bất lợi khi Australia vươn ra biển lớn, nhưng lại giúp đội tuyển này giành ưu thế khi chơi ở khu vực châu Á. Những cầu thủ này không mang đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhưng bù lại, kinh nghiệm phong phú nhờ bôn ba nơi đất khách quê người giúp họ am hiểu nhiều nền bóng đá khác nhau.

Ngoại trừ Rhyan Grant đang thi đấu trong nước, 22 cầu thủ Australia còn lại đều đầu quân cho các CLB nước ngoài. Họ là Ryan McGowan (Kuwait SC), Aaron Mooy (Thượng Hải SIPG), Adam Taggart (Cerezo Osaka) và Mitchell Duke (Fagiano Okayama). Khả năng nhìn thấu bóng đá châu Á là vũ khí sắc bén nhất của những cái tên này trong trận gặp Việt Nam. Án ngữ trước khung thành của Matt Ryan là hàng thủ vững chãi của Australia với bộ đôi Trent Sainsbury và Harry Souttar. Nếu như Souttar có sức trẻ cùng thể chất khác người (anh cao đến 1,98m) thì Sainsbury lại dạn dày kinh nghiệm nhờ từng thi đấu ở Trung Quốc, Italia, Hà Lan, Bỉ và Thụy Sĩ. Kinh nghiệm của cầu thủ 29 tuổi sẽ bù đắp cho những khiếm khuyết của Souttar.

Bên cạnh bộ đôi trung vệ Sainsbury - Souttar, Australia còn sở hữu bộ ba tiền vệ trung tâm cơ bắp là Jackson Irvine, Tom Rogic và Ajdin Hrustic. 2 người đầu tiên trong số họ đều sở hữu chiều cao 1,89m. Rogic có 8 năm thi đấu ở giải VĐQG Scotland trong màu áo Celtic, còn Irvine và Hrustic đều đang chơi bóng tại Đức. Họ chưa bao giờ thua trong những cuộc chiến về thể chất và sức bền.

"Đừng nghĩ Australia chỉ biết chơi bóng bổng. Họ chuyền ngắn và chuyền dài cũng rất tốt". HLV Park Hang Seo đã nói như vậy trong buổi họp báo trước trận đấu về sự nguy hiểm của những cầu thủ xứ sở chuột túi. Quả thực điều đó không hề sai. Ở trận thắng Trung Quốc 3-0, Australia kiểm soát bóng tới 65% và không cho đối phương có một cú sút nào trúng đích. Điều tương tự có thể lặp lại với ĐT Việt Nam.

Tướng giỏi, quân sư hay

HLV trưởng ĐT Australia lúc này là ông Graham Arnold. 14 năm trước, ông và các học trò từng đặt chân đến Việt Nam khi Australia đấu Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup. Thất bại năm đó ở cúp vô địch châu Á biến Arnold trở thành một người hoàn toàn khác. Ông không còn đưa ra những phát biểu tự tin, mạnh bạo như trước đây nữa. Xu hướng "châu Á hóa" của bóng đá Australia cũng dần ngấm vào con người Arnold.

Australia hành quân tới sân Mỹ Đình với hành trang là 9 trận thắng liên tiếp, thành tích tốt nhất họ từng đạt được trong 24 năm qua. Nhưng Arnold không hề nói mạnh bạo, dù chỉ 1 lời tại buổi họp báo trước trận đấu. Ông chỉ phát biểu những câu chung chung như "Đội bóng nào cũng hướng đến mục tiêu giành chiến thắng"; "Chúng tôi không quan tâm đến kỷ lục"; "Mọi cầu thủ đều quan trọng chứ không riêng cá nhân nào"...

Có lẽ Arnold đã đọc không ít sách về văn hóa châu Á và biết đến những câu ngạn ngữ như "Nói trước bước không qua". Mọi thứ đều được ông hiện thực hóa bằng kết quả trước khi đưa ra những tuyên bố đanh thép. Arnold từng thận trọng đánh giá tuyển Trung Quốc đáng gờm, nhưng rồi cuối cùng đội tuyển Australia của ông đã dễ dàng đánh bại họ. Mọi thứ vẫn diễn ra theo đúng kịch bản đó khi Arnold đến Việt Nam. Bên cạnh một Arnold bản lĩnh và am hiểu châu Á, Australia còn sở hữu một quái kiệt khác trên băng ghế huấn luyện. Đó là trợ lý Rene Meulensteen, cựu HLV đội một M.U. Ngày còn ở Anh phò tá Sir Alex Ferguson, Meulensteen chính là người đã nâng tầm Ronaldo trở thành một chân sút sát thủ như hiện tại. Tính chất công việc khiến ông không nhất thiết phải theo sát Arnold mọi lúc mọi nơi, nhưng ông vẫn thường xuyên họp trực tuyến và dành nhiều lời khuyên cho HLV trưởng.

Quân giỏi, tướng tài, lại còn sở hữu cả một quân sư tốt, Australia đã mang một lực lượng hùng hậu đến Việt Nam. Đẳng cấp khác biệt của 2 nền bóng đá cũng là một trong những nguyên nhân khiến HLV Park Hang Seo phải thừa nhận: "Chúng tôi không dám nói trước kết quả sẽ như thế nào, chỉ biết cố gắng làm hết sức mình". Việt Nam có thể không giành được điểm, nhưng đây sẽ là cơ hội giúp chúng ta trải nghiệm đẳng cấp của một đội bóng sở hữu nhiều cá nhân hàng đầu. Đó cũng là nền tảng để cầu thủ Việt Nam hướng đến sân chơi quốc tế.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/australia-sa-sut-nhung-van-qua-tam-voi-cua-viet-nam--i627232/