Ðẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2015 - 2020, nâng cao đời sống nông dân; khu vực nông thôn Hà Nội có sự đổi thay tích cực. Ðây là tiền đề quan trọng để thành phố triển khai Chương trình số 04 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2015 - 2020, nâng cao đời sống nông dân; khu vực nông thôn Hà Nội có sự đổi thay tích cực. Ðây là tiền đề quan trọng để thành phố triển khai Chương trình số 04 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025.

Bài 1: Diện mạo mới, sức sống mới

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của người dân, việc phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.

Xã Tam Ðồng, huyện Mê Linh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, khoảng 500 ha. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông nội đồng, cho nên sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. Trong tổng số gần 18 km đường giao thông nội đồng, đến nay mới có hơn 3 km được cải tạo, cứng hóa. Việc này khiến cho xã Tam Ðồng chưa được công nhận đạt chuẩn NTM.

Ðại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Mê Linh cho biết, theo quy định, việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng phải sử dụng ngân sách của xã, nhưng Tam Ðồng còn nhiều khó khăn. Vì thế, để hỗ trợ xã có kinh phí hoàn thành nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, UBND huyện Mê Linh đầu tư xây dựng hạ tầng ba khu đấu giá đất cạnh đường trục trung tâm. Ngay khi có kinh phí từ đấu giá đất, huyện hướng dẫn xã Tam Ðồng các thủ tục để sử dụng nguồn vốn này đầu tư hệ thống giao thông nội đồng. Cùng với Tam Ðồng, xã Tự Lập (huyện Mê Linh) cũng vừa hoàn thiện hai tiêu chí cơ bản đạt là trường học và môi trường, về đích NTM. Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Mê Linh, đến cuối năm 2019, huyện có 14 xã trong tổng số 16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hai xã chưa đạt chuẩn là Tam Ðồng và Tự Lập. Ðể phấn đấu đưa toàn bộ 16 xã về đích NTM, năm nay, huyện đã tập trung nguồn vốn đầu tư hơn 410 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho Tam Ðồng và Tự Lập gần 170 tỷ đồng; đồng thời đầu tư hơn 78 tỷ đồng cho hai xã Liên Mạc, Ðại Thịnh xây dựng xã NTM nâng cao. Ðến nay, hai xã Tam Ðồng và Tự Lập đã hoàn thành các tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố công nhận đạt chuẩn NTM.

Về xây dựng huyện NTM, đến nay huyện Mê Linh đã đạt bảy tiêu chí. Hai tiêu chí chưa đạt là y tế, văn hóa, giáo dục và môi trường. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn cho biết, để hoàn thành tiêu chí y tế, văn hóa, giáo dục, UBND thành phố đã bố trí gần 134 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hai trường học. Còn tiêu chí môi trường, huyện đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện, theo hướng nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Cùng với đó, huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp các địa điểm tập kết rác thải tại các xã để bảo đảm rác thải không bị ùn ứ trong khu dân cư. Huyện Mê Linh phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2021.

Những ngày này, người dân thị xã Sơn Tây rất phấn khởi khi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Trong 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thị xã đã bố trí hơn 1.700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí NTM một cách hiệu quả, công khai, minh bạch. Tất cả sáu xã đều đạt chuẩn NTM, trong đó nhiều tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đạt 100%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 10%/năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh và ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Anh Nguyễn Duy Cường, người dân xã Cổ Ðông (thị xã Sơn Tây) chia sẻ, xây dựng NTM mang lại diện mạo mới khi đường làng, ngõ xóm, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư xây dựng khang trang. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ðặc biệt, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó, đoàn kết, tạo ra sức sống mới cho khu vực nông thôn.

Không riêng thị xã Sơn Tây, các huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Phú Xuyên cũng hoàn thành các tiêu chí về xây dựng huyện NTM. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Tính đến tháng 10-2020, thành phố có sáu huyện gồm: Ðan Phượng, Ðông Anh, Thanh Trì, Hoài Ðức, Quốc Oai, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây cùng 355 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong tổng số 27 xã chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; ba xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 14 tiêu chí.

Từ những kết quả nổi bật nêu trên, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cấp thành phố, triển khai mạnh mẽ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

(Còn nữa)

NGỌC THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/ay-manh-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-626422/