Ðẩy mạnh phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'
ĐBP - Những năm qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (TDÐKXDÐSVH) luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé quan tâm thực hiện. Từ khi triển khai, phong trào trở thành hoạt động thi đua sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất cho bà con các dân tộc trên địa bàn.
Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, song với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, xã Mường Toong đã đạt 8/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới (NTM), nhất là xã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện phong trào TDÐKXDÐSVH; bài trừ các hủ tục... Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định việc thực hiện phong trào TDÐKXDÐSVH là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vì thế cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa đối với cộng đồng; bảo tồn văn hóa lễ hội đặc trưng, trang phục truyền thống của từng dân tộc. Ðặc biệt, việc bình xét các chuẩn mực gia đình văn hóa được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch qua 3 vòng (gia đình tự chấm, bản và xã chấm), tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con. Ðến nay, toàn xã có 4 bản và 2 nhóm được công nhận bản văn hóa; trên 26,7% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Với phương châm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân làm nội dung; thôn, bản dân cư là địa bàn hoạt động, phong trào TDÐKXDÐSVH gắn với xây dựng NTM ở Mường Nhé đã và đang phát triển toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư… Ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé cho biết: Ðể phong trào TDÐKXDÐSVH đi vào thực tiễn đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các bản vùng cao, biên giới, Ban Chỉ đạo phong trào TDÐKXDÐSVH các xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân bằng nhiều hình thức, từ đó giúp người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa, bản làng văn hóa; tự giác tham gia thực hiện các phong trào thi đua, đăng ký danh hiệu văn hóa. Năm qua, toàn huyện tổ chức tuyên truyền miệng bình quân 20 buổi/xã; treo hơn 1.100 lượt băng rôn, khẩu hiệu tại trung tâm huyện và các xã.
Nét nổi bật trong phong trào TDÐKXDÐSVH trên địa bàn huyện Mường Nhé là đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong thực hiện quy ước, hương ước, quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Xây dựng các mô hình, phong trào thi đua: “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”; “Phòng, chống bạo lực gia đình”, nhất là huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao... Hiện toàn huyện có 1 trung tâm hội nghị, 1 khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi; 46/110 bản, tổ dân cư có nhà văn hóa, 9/11 xã có nhà văn hóa xã... Ðặc biệt, quy trình đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận các danh hiệu văn hóa được 11/11 xã thực hiện nghiêm túc với tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng (năm 2019, toàn huyện có 3.456 hộ được công nhận Gia đình văn hóa).
Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; các điểm sáng văn hóa, điển hình Gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa có sức thuyết phục để nhân rộng phong trào. Ðến nay, toàn huyện có 115 hộ sản xuất kinh doanh giỏi (6 hộ đạt cấp Trung ương, 36 hộ đạt cấp tỉnh, 48 hộ đạt cấp huyện...). Ngoài ra, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được huyện Mường Nhé duy trì và phát triển rộng khắp, đạt được nhiều thành tích cao trong các hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức. Toàn huyện hiện có 55 đội văn nghệ cơ sở, sinh hoạt ở các thôn, bản thuộc 11/11 xã.
Hưởng ứng phong trào xây dựng “Bản văn hóa”, Ban Chỉ đạo TDÐKXDÐSVH huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo hiệu ứng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Các phong trào đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư; phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nếp sống, môi trường văn hóa, bản, làng mạnh... Năm qua, toàn huyện có 41/110 bản, tổ dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi mảnh đất biên cương Mường Nhé.