Ðẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tác hại của rượu, bia

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã tổ chức họp báo về triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NÐ-CP.

Xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã tổ chức họp báo về triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NÐ-CP.

Theo số liệu công bố, tai nạn giao thông (TNGT) đã được kéo giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm quy định: Ðã uống rượu, bia, không lái xe giúp thay đổi dần thói quen của người tham gia giao thông, hạn chế tác hại của đồ uống có cồn với xã hội.

Gần 6.300 trường hợp vi phạm

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nghị định 100 có hiệu lực sau hai ngày Thủ tướng ký ban hành đã thể hiện tính cấp bách đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, do được ban hành và có hiệu lực trong thời gian rất ngắn, cho nên việc triển khai gấp và tuyên truyền cho người dân biết, nắm được nội dung của nghị định còn hạn chế. Cùng với đó, một số người điều khiển phương tiện thiếu ý thức tuân thủ, cho nên khi lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn đã có lời nói, hành động chống đối, bất hợp tác, khóa cửa xe và bỏ đi. Các trường hợp này sẽ bị xử lý như đối với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất.

Thiếu tướng Lê Xuân Ðức, Phó Cục trưởng CSGT đánh giá, sau hai tuần triển khai thực hiện Nghị định 100, lực lượng CSGT đã tập trung xử phạt theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông được dư luận xã hội hết sức quan tâm, TNGT giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo đó, từ ngày 1 đến 15-1, cả nước xảy ra 322 vụ TNGT, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với hai tuần trước đó, TNGT đã giảm 31 vụ (8,8%), giảm 38 người chết (13,2%), giảm 57 người bị thương (26,5%). Số liệu này được tổng hợp từ báo cáo của 63 địa phương và phản ánh đúng thực tế hiện nay.

Tại các nhà hàng, quán bán rượu, bia, lượng người uống giảm đi rõ rệt. Rõ ràng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã đi vào cuộc sống, được người dân nghiêm túc thực hiện theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Thông tin tại buổi họp báo, đại diện Bệnh viện Việt Ðức cho biết, trong tổng số các vụ tai nạn, thương tích đến cấp cứu tại bệnh viện, có gần 70% liên quan TNGT, trong số các vụ này, gần 60% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu. Từ đầu năm 2020 đến nay, khi triển khai các quy định mới, tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn nhập viện tại Bệnh viện Việt Ðức giảm khoảng 10%. Ðây chưa phải là con số quá lớn nhưng là kết quả đáng mừng, không chỉ giúp giảm tải cho ngành y tế mà còn giúp người dân tham gia giao thông an toàn hơn.

Cũng trong thời gian này, lực lượng CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý gần 55 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 49 tỷ đồng. Trong đó, phát hiện, xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tây Ninh, Ðồng Nai, Ðắk Lắk, TP Hồ Chí Minh... Ðiển hình tại Thái Bình, một phó giám đốc bệnh viện đã bị xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, một phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo cũng bị xử phạt ở mức tương tự.

Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, ngoài xử phạt còn bị thông báo bằng văn bản cho đơn vị biết và xử lý. "Việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật đã dần hình thành thói quen, đã sử dụng rượu, bia thì không tham gia giao thông. Chúng tôi nhìn nhận, tuần tra kiểm soát chỉ là vấn đề ngọn, cái gốc là phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cơ quan truyền thông để người dân nhận thức được tác hại của rượu, bia. Những ngày qua, không có vụ TNGT nghiêm trọng nào liên quan rượu, bia, trong khi dịp này những năm trước, thường xảy ra những vụ lái xe uống rượu gây ra tai nạn nghiêm trọng", Thiếu tướng Lê Xuân Ðức chia sẻ. Thời gian tới đây, lực lượng CSGT sẽ bố trí đủ lực lượng, tiếp tục thực hiện nghiêm túc xử phạt vi phạm nồng độ cồn và các vi phạm khác, theo phương châm không nể nang, không có vùng cấm đã được nêu rõ tại Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xử phạt nặng để răn đe

Nhiều người dân cũng quan tâm muốn biết, bao nhiêu lâu sau khi uống rượu, bia thì có thể điều khiển phương tiện giao thông, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, hiện nay trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học nào về vấn đề này vì còn phụ thuộc theo mức độ sử dụng, số lượng rượu, bia, tần suất, mức độ đào thải ở mỗi người, cho nên không có công thức chung sau bao lâu uống rượu, bia có thể sử dụng phương tiện giao thông. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với một đơn vị cồn (khoảng hai phần ba lon bia), trong 1 đến 2 giờ sẽ đào thải hết với nam giới và 3 đến 4 giờ với nữ giới.

Liên quan băn khoăn, nghi ngại về mức phạt càng cao, khả năng "chung chi" giữa người vi phạm và người thi hành công vụ càng nhiều, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, cần thay đổi nếp suy nghĩ, đặt niềm tin vào người thi hành công vụ. Hoạt động của lực lượng thi hành công vụ, trong đó có CSGT được kiểm soát chặt chẽ, có cả sự giám sát của quần chúng nhân dân, ai làm sai đều bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm với các quy định pháp lý và sự giám sát của người dân. "Nửa tháng qua, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào về tiêu cực của người thi hành công vụ, trong đó có CSGT", Thiếu tướng Lê Xuân Ðức khẳng định. Về thông tin trên mạng xã hội và một số bài báo cho rằng CSGT được giữ lại 70% số tiền phạt vi phạm hành chính, đại diện Cục CSGT khẳng định, đây là thông tin không chính xác.

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153/2013/TT-BTC, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, chế tài ban hành không phải chú trọng mục đích xử phạt mà là thông điệp nhắc nhở, răn đe đủ mạnh để người dân không vi phạm. Một số quốc gia thậm chí áp dụng chế tài hình sự cho lỗi sử dụng rượu, bia vẫn tham gia giao thông nhưng không ai mong muốn phải xử lý. Ðó là tính nhân văn trong việc ban hành chế tài xử phạt.

Trong Chỉ thị 03, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 với các hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp nhân dân. Cần đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của các quy định trong Luật và tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT tại Nghị định số 100. Tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện: Ðã uống rượu, bia, không lái xe; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.

Bài và ảnh: TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43107502-%C3%B0ay-manh-tuyen-truyen-den-nguoi-dan-ve-tac-hai-cua-ruou-bia.html