Ðẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa
ĐBP - Hệ thống giao thông đường thủy nội địa (ÐTNÐ) trên địa bàn tỉnh có chiều dài tuyến 77km từ TX. Mường Lay đến huyện Tủa Chùa. Từ khi Thủy điện Sơn La được xây dựng, lòng hồ tích nước, số lượng phương tiện đường thủy của người dân các xã vùng lòng hồ ngày càng tăng.
Hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị nạn do đuối nước cho người dân thôn Huổi Loóng, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa).
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 308 phương tiện thủy các loại, đa số là phương tiện loại nhỏ, lắp máy từ 5 - 24 mã lực, chủ yếu phục vụ đánh bắt thủy sản, vận chuyển hàng hóa trong gia đình, phục vụ nhu cầu dân sinh. Tuy nhiên, các phương tiện đường thủy chủ yếu được làm bằng sắt hoặc gỗ thô sơ do người dân tự đóng, thiếu thiết bị an toàn, đặc biệt là phao cứu sinh, cứu nổi. Số phương tiện chưa đăng kiểm chiếm đến 80%, số người chưa có chứng chỉ chuyên môn là 240/299 tổng số chủ xuồng và lái xuồng. Cùng với đó, việc quy hoạch bến bãi, phân luồng cho tàu thuyền, hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu giao thông đường thủy còn hạn chế nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tuyến có các bến cảng thủy nội địa: Ðồi Cao, bến khách Ðồi Cao, Chi Luông (TX. Mường Lay) và Pá Na, Pê Răng Ky, Cáng Chua, Trung Thu, Háng Mò Lừ, Nậm Mức (huyện Tủa Chùa) là các bến thủy nội địa do địa phương quản lý đã được quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn để cho tàu thuyền hoạt động; còn lại chủ yếu là bến dân sinh, hoạt động mang tính tự phát chưa được cấp phép và xây dựng kết cấu hạ tầng. Hiện nay, tại lòng hồ Thủy điện Sơn La đã được đầu tư một số biển báo, còn các hệ thống sông, suối và hồ nhỏ khác chưa được đầu tư hệ thống biển báo. Mặt khác, mực nước các hồ thủy điện thay đổi theo mùa, mùa mưa hay xảy ra lũ và khi nước xuống lộ ra nhiều thác ghềnh, dòng chảy xiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Do đó, Ban ATGT tỉnh xác định công tác tuyên truyền là yếu tố then chốt để nâng cao ý thức chấp hành của người dân về ATGT đường thủy.
Ông Ðặng Duy Trình, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông ÐTNÐ đã được tăng cường triển khai bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông ÐTNÐ của người tham gia giao thông và nhân dân các xã ven sông. Ðồng thời, nâng cao trách nhiệm đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT ÐTNÐ của chính quyền địa phương các xã nơi có các tuyến sông đi qua. Từ đầu năm đến nay, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần và Quản lý đường thủy số 9, Tỉnh đoàn, Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông ÐTNÐ cho 285 người điều khiển phương tiện thủy trên các tuyến sông, hồ tại thôn Huổi Só, xã Huổi Loóng (huyện Tủa Chùa); phường Sông Ðà, Na Lay (TX. Mường Lay). Qua tuyên truyền đã cấp phát 300 bộ tài liệu tuyên truyền về hành lang ATGT đường thủy, nghị định xử phạt về giao thông đường thủy và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị nạn do đuối nước; cấp phát áo phao cho trẻ em; treo băng rôn tại các bến thủy Na Lay, Sông Ðà và Huổi Só...
Làm nghề đánh bắt cá lâu năm, anh Tẩn Seo Quẩy, thôn Huổi Só, xã Huổi Loóng (huyện Tủa Chùa) chia sẻ: Trước kia chưa hiểu nên tôi chỉ biết mua thuyền và đi. Nhưng từ khi được tuyên truyền về Luật Giao thông ÐTNÐ tôi đã tự trang bị áo phao và dụng cụ nổi để đảm bảo an toàn cho bản thân và tài sản khi đánh bắt cá trên sông. Bên cạnh đó, tôi còn có thêm kỹ năng sơ cấp cứu cho người bị nạn do đuối nước.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã nhắc nhở 231 lượt phương tiện thủy chấp hành nghiêm Luật Giao thông ÐTNÐ; lập biên bản và xử lý 70 trường hợp. Nhằm đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của, Ban ATGT tỉnh phối hợp với ngành chức năng kiểm tra trên dọc tuyến ÐTNÐ từ TX. Mường Lay đến huyện Tủa Chùa, nhắc nhở người điều khiển phương tiện, phương tiện chưa đủ điều kiện khẩn trương hoàn thiện các thủ tục còn thiếu.