Ayun Pa nỗ lực khôi phục kinh tế sau giãn cách xã hội
Liên tiếp hứng chịu 2 đợt dịch Covid-19 trong năm, thị xã Ayun Pa gặp khá nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Dù vậy, địa phương vẫn quyết tâm thực hiện 'nhiệm vụ kép', vừa chống dịch vừa triển khai những giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Hỗ trợ người dân vượt khó
Bà Lê Thị Hường-Giám đốc Nhà máy gạch Tuynel Thanh Hiếu (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cho hay: Nhà máy có hơn 50 nhân công, chủ yếu cư trú tại huyện Phú Thiện và Ia Pa. Vì vậy, khi thực hiện phong tỏa, Nhà máy thiếu nhân công trầm trọng. Đợt dịch đầu năm 2021, Nhà máy phải đóng cửa mất 10 ngày. Đến đợt dịch này, Nhà máy phải tiếp tục đóng cửa hơn 1 tuần. “Mỗi ngày, cơ sở xuất ra thị trường trên 20 ngàn viên gạch, trị giá trên 20 triệu đồng. Dịch bệnh không chỉ làm doanh nghiệp thiệt hại mà người lao động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì mất đi nguồn thu nhập. Hy vọng dịch nhanh chóng được khống chế, doanh nghiệp được hỗ trợ phần nào để hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại, đời sống người lao động cũng vơi bớt khó khăn”-bà Hường mong mỏi.
Không chỉ doanh nghiệp mà các hộ kinh doanh ở ngành nghề khác cũng bị chững lại. Chị Trương Thị Lệ Trang-chủ quán cơm Diệu Trang (tổ 7, phường Đoàn Kết) cho biết: Trong những ngày thị xã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, quán cơm chỉ bán mang về. “Lượng khách giảm rất nhiều khiến chúng tôi mất đến hơn 80% thu nhập. Để giảm bớt chi phí, chúng tôi buộc phải cho những người làm tạm thời nghỉ việc. Chính vì vậy, khi cán bộ đến hướng dẫn kê khai để được thụ hưởng chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bản thân tôi cũng phấn khởi”-chị Trang bày tỏ.
Ông Đinh Quốc Khánh (tổ 1, phường Cheo Reo) cũng cho hay: “Nhà tôi làm nghề sửa chữa và buôn bán phụ tùng xe máy. Đợt dịch đầu năm nay, tôi chịu nhiều ảnh hưởng. Được Nhà nước miễn 3 tháng tiền thuế trong thời gian ngừng hoạt động vì dịch bệnh, tôi xem đây là động lực để cố gắng khôi phục hoạt động kinh doanh. Nhờ đó, gia đình cũng giảm bớt một phần khó khăn. Hy vọng đợt dịch này sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ kinh doanh, mua bán bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Thời điểm hết quý I-2021, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và thương mại-dịch vụ trên địa bàn thị xã Ayun Pa ước khoảng 470 tỷ đồng, đạt trên 27% kế hoạch và thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm 2020. Đời sống của người dân khó khăn khi nông sản làm ra khó tiêu thụ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Thời điểm này, thị xã Ayun Pa vừa triển khai chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn. Ngay khi kiểm soát được dịch bệnh, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, thúc đẩy kinh doanh phát triển.
Ông Dương Ngọc Dũng-Chủ tịch UBND phường Cheo Reo-cho hay: “Đối với các hộ kinh doanh, chúng tôi phối hợp với ngành Thuế triển khai chính sách miễn, giảm thuế để tạo điều kiện cho bà con tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất. Chúng tôi cũng làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn tiếp cận với các nguồn vốn, gia hạn và cho vay thêm để bà con có điều kiện khôi phục kinh tế. Đối với những hộ sản xuất nông nghiệp, chúng tôi làm việc với Phòng Kinh tế thị xã để có chính sách hỗ trợ về giống, phân bón giúp bà con có điều kiện tái sản xuất”.
Với nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ, nền kinh tế của thị xã Ayun Pa dần được phục hồi và phát triển trở lại. Nhờ vậy, đến hết tháng 6, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp là 785 tỷ đồng, đạt gần 46,8% kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 790 tỷ đồng, đạt 45,5% kế hoạch và chỉ thấp hơn so với cùng kỳ là 0,2%. Thu ngân sách trên địa bàn hơn 67,5 tỷ đồng, đạt 82,9% so với dự toán giao và tăng 53,2% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, thị xã Ayun Pa đang tiếp tục triển khai các giải pháp những tháng còn lại nhằm phấn đấu đến cuối năm tổng giá trị sản xuất đạt hơn 3.570 tỷ đồng và tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 8,19%.
Theo ông Đặng Xuân Toàn-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa: Để các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, giá trị sản xuất đến cuối năm đạt kế hoạch đề ra, UBND thị xã chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trên tất cả các lĩnh vực. Trước mắt, về nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ mùa. Về công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đề xuất với tỉnh các chính sách hỗ trợ mà Nhà nước đã ban hành để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Đối với các hộ kinh doanh thì tạo thuận lợi để hoạt động mua bán trở lại bình thường sau khi khống chế được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách xã hội. “Các ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt, nỗ lực cao hơn nữa trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép” để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của dịch đến hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống”-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa nhấn mạnh.