Azerbaijan cảnh báo Armenia và Pháp sau thương vụ mua bán pháo tự hành CAESAR
Cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Suren Papikyan và người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu kí kết thỏa thuận mua pháo tự hành CAESAR.
Theo hãng thông tấn APA của Azerbaijan ngày 18/6, Bộ Quốc phòng nước này đã cảnh báo Armenia và Pháp rằng họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc xuất hiện điểm nóng chiến tranh mới trong bối cảnh Yerevan và Paris tăng cường hợp tác quân sự.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan lưu ý, Pháp và Armenia đã ký hợp đồng mua bán pháo tự hành CAESAR, đồng thời tuyên bố: “Bất chấp những cảnh báo của phía Azerbaijan, việc Pháp cung cấp cho Armenia các hệ thống pháo tấn công và sát thương cũng như các loại vũ khí khác là một bằng chứng nữa về các hoạt động khiêu khích của Paris ở khu vực Nam Caucasus".
Bộ Quốc phòng Azerbaijan nhấn mạnh, mặc dù Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố rằng thiết bị quân sự cung cấp cho Armenia có tính chất phòng thủ, nhưng việc trang bị cho Armenia vũ khí sát thương theo thỏa thuận quân sự hiện tại là một biểu hiện khác cho thấy "tiêu chuẩn kép" của giới lãnh đạo Pháp.
Bộ trên cho rằng chính quyền của Tổng thống Macron là trở ngại cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan cũng như đảm bảo hòa bình lâu dài trong khu vực.
Trong khi đó hãng thông tấn APA cho biết Pháp đã mở rộng danh mục các loại vũ khí và đạn dược mà nước này bán cho Armenia. Cụ thể vào ngày 17/6, trong chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Suren Papikyan, một thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên về việc mua pháo tự hành CAESAR.
“Chúng tôi tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng với Armenia. Một giai đoạn quan trọng mới là việc ký kết hợp đồng mua pháo tự hành CAESAR”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu nói.
Theo APA, mặc dù chưa rõ chi tiết về hợp đồng và số lượng pháo CAESAR sẽ được bán cho Armenia, nhưng những gì xảy ra cho thấy Pháp đang đẩy tình hình leo thang ở Nam Kavkaz sang một giai đoạn mới và nguy hiểm.
Pháo CAESAR, cũng được sử dụng tích cực trong cuộc xung đột ở Ukraine, có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới 55 km, dù không làm thay đổi cục diện cuộc chiến nhưng có sức công phá nghiêm trọng.
Đáp lại phản ứng của Azerbaijan, Bộ Ngoại giao Armenia ngày 19/6 cho biết trong một tuyên bố: "Phản ứng chính thức của Baku đối với hợp tác kỹ thuật quân sự Armenia - Pháp là khó hiểu. Quyền chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào là có quân đội sẵn sàng chiến đấu được trang bị các thiết bị quân sự hiện đại”.
Theo tờ Kyiv Independent (Ukraine), ngay sau cuộc tấn công thành công của Azerbaijan vào tháng 9/2023 nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, vốn được luật pháp quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của người Armenia kể từ đầu những năm 1990, Pháp và Armenia đã tuyên bố quan hệ đối tác quốc phòng mới.
Khoảng 650.000 người Armenia sống ở Pháp, một trong những trung tâm lớn nhất của cộng đồng người Armenia hải ngoại trên thế giới.