Azerbaijan kêu gọi tước vai trò hòa giải của Pháp ở Nagorno-Karabakh

Quốc hội Azerbaijan hôm thứ Năm (26/11) đã kêu gọi tước bỏ vai trò hòa giải của Pháp trong xung đột Nagorno-Karabakh, để trừng phạt Thượng viện Pháp vì đã thông qua một nghị quyết ủng hộ nền độc lập của khu vực, công nhận nước Cộng hòa Artsakh tự xưng.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) - Ảnh: Reuters

Trước đó, Thượng viện Pháp đã ra nghị quyết về "sự cần thiết phải công nhận Cộng hòa Nagorno-Karabakh (Cộng hòa Artsakh tự xưng)".

Nghị quyết được thông qua vào ngày 25/11, sau một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian kết thúc nhiều tuần giao tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh, lãnh thổ của Azerbaijan nhưng chủ yếu là dân tộc Armenia sinh sống.

Lệnh ngừng bắn đã được ca ngợi là một chiến thắng ở Azerbaijan, quốc gia này đã khôi phục quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn do người Armenia nắm giữ kể từ đầu những năm 1990.

Quốc hội Azeri kêu gọi chính phủ xem xét lại quan hệ với Paris và kêu gọi thu hồi vai trò đồng chủ tịch của Pháp (bên cạnh Mỹ và Nga) trong Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, hay nhóm Minsk Group, được thành lập vào năm 1992 để hòa giải xung đột.

Bộ Ngoại giao Azeri cho biết, nghị quyết không có hiệu lực pháp lý của Thượng viện Pháp đã làm tổn hại danh tiếng của Pháp như một nhà hòa giải công bằng và gây nghi ngờ về tính trung lập của mình.

Họ mô tả nghị quyết như một sự khiêu khích và nói rằng có sự thành kiến trong quyết định này.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm đã đưa ra bình luận về quyết định của Thượng viện Pháp. “Quyết định một lần nữa cho thấy nước Pháp là một phần của vấn đề chứ không phải là giải pháp trong vấn đề Karabakh”, ông Hulusi Akar cho biết.

Lâu nay, Ankara vẫn khẳng định là đồng minh thân cận nhất của Baku trên trường quốc tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp hôm thứ Tư đã bác bỏ nghị quyết của Thượng viện, nói rằng nó mâu thuẫn với quan điểm trung lập của Pháp và chỉ ra rằng ngay cả chính Armenia cũng không công nhận Nagorno-Karabakh.

Tại Pháp, có khoảng 400.000-600.000 người Pháp gốc Armenia. Tổng thống Emmanuel Macron đã cẩn thận không ủng hộ một bên trong cuộc xung đột, nhưng ông vẫn vấp phải đối mặt với những lời chỉ trích ở quê nhà rằng ông đã không làm đủ để giúp Yerevan.

Về phần mình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ca ngợi nghị quyết, mô tả đây là bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc công nhận quyền tự quyết của người dân trong khu vực.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/azerbaijan-keu-goi-tuoc-vai-tro-hoa-giai-cua-phap-o-nagorno-karabakh-post106874.html