Azitech và GreenGo đào tạo chuyển đổi xanh cho trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội
Với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia đến từ Azitech & GreenGo, đứng đầu là chuyên gia Phạm Hoài Trung, nếu quyết tâm mạnh mẽ, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) có thể sở hữu 10-12 chuyên gia lý thuyết chuyển đổi xanh ngay trong năm nay.
Ngày 17/5, chuyên gia Phạm Hoài Trung – Cố vấn trưởng của SBBTi Việt Nam, Nhà sáng lập Công ty Azitech & GreenGo đã có buổi đào tạo đầu tiên cho toàn thể giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT). Đây là buổi học khai mở các khái niệm chung về chuyển đổi xanh, mở đầu chương trình đào tạo chuyên gia chuyển đổi xanh do Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI) cùng Azitech-GreenGo triển khai tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình đào tạo, TS Phạm Xuân Khánh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng HHT nhấn mạnh, hiện chuyển đổi xanh đã và đang là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp và kinh tế phát triển bền vững.
Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 149/KH-UBND về tăng trưởng xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch số 131/KH-UBND về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong quản lý chất thải đến năm 2030. Với tư cách là cơ sở đào tạo nghề hàng đầu của Hà Nội, trong đó chủ lực là Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên - Môi trường, HHT sẽ chính thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, bắt đầu từ công tác tác đào tạo.

TS Phạm Xuân Khánh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng HHT.
Theo chuyên gia chuyển đổi xanh Phạm Việt Anh đến từ Azitech & GreenGo, trong thời gian tới trọng tâm của chuyển đổi xanh tại Hà Nội bao gồm giao thông xanh. Theo đó, thành phố đang đẩy mạnh việc sử dụng xe buýt điện, phát triển hệ thống giao thông công cộng và khuyến khích phương tiện không phát thải như xe đạp, xe điện. Thúc đẩy lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các tòa nhà hành chính, trường học, bệnh viện và khu dân cư. Hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng diện tích cây xanh trong các khu công nghiệp. Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa và phát triển mô hình nông nghiệp đô thị xanh.
Với 4 lĩnh vực trọng tâm này, Hà Nội cần ít nhất 400 báo cáo viên, chuyên gia, mất thời gian đào tạo ít nhất 4 tháng, chưa kể thời gian thực hành.
Dưới sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia đến từ Azitech & GreenGo, đứng đầu là chuyên gia Phạm Hoài Trung, nếu quyết tâm mạnh mẽ, HHT hoàn toàn có thể sở hữu 10-12 chuyên gia lý thuyết chuyển đổi xanh ngay trong năm nay.

Hơn 700 giảng viên, sinh viên HHT tham gia khóa học chuyển đổi xanh do các chuyên gia của Công ty Azitech & GreenGo đào tạo.
Tham gia buổi đầu tiên của chương trình đào tạo, Ban giám hiệu, giảng viên nhà trường đã đặt rất nhiều câu hỏi cho chuyên gia Phạm Hoài Trung như: Chuyển đổi xanh có thể cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường như thế nào? Những rào cản lớn nhất khi triển khai chiến lược chuyển đổi xanh tại Việt Nam là gì? Các chương trình đào tạo có vai trò gì trong việc thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về môi trường? Hà Nội cần làm gì để trở thành một đô thị xanh thực sự?...
Những gì diễn ra tại buổi tập huấn cho thấy, Ban giám hiệu, các giảng viên và sinh viên HHT đang thực sự quan tâm đến lĩnh vực còn khá mới mẻ này.

Ban giám hiệu, giảng viên HHT đã đặt rất nhiều câu hỏi cho ông Phạm Hoài Trung - một trong những chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Để có thể tham gia đào tạo chuyển đổi xanh, các giảng viên HHT cần có chứng chỉ quản lý năng lượng xanh, chứng chỉ kinh tế tuần hoàn, chứng chỉ ISO 14001.
TS Phạm Xuân Khánh cho biết, nhà trường đang tính đến phương án, trang bị các kiến thức chuyển đổi xanh cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Với kiến thức được đào tạo, khi tốt nghiệp, sinh viên HHT có thể hỗ trợ các công ty mà mình công tác, nhất là những đơn vị đang xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Theo chuyên gia Phạm Việt Anh, với việc có kỹ năng xanh (Green Skill), cơ hội thu nhập cao của sinh viên HHT sau khi ra trường sẽ tăng lên đáng kể, ít nhất 15 triệu đồng/tháng. Kỹ năng xanh là tập hợp các kiến thức, năng lực, giá trị và thái độ cần thiết để thích nghi và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Đây không chỉ là khả năng sử dụng các công nghệ thân thiện môi trường hay áp dụng các giải pháp tiết kiệm tài nguyên mà còn bao gồm tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết các vấn đề môi trường và thúc đẩy lối sống bền vững trong công việc lẫn đời sống hàng ngày.