Ba bà cháu đi bán vé số khắp Sài Gòn: 'Sau này Ngoại mất, Chó và Mèo chịu mồ côi dùm chút nghen!'

Chỉ cần một ngày Ngoại còn sống, một ngày chân Ngoại còn lang thang và tấm vé số Ngoại còn kiếm ra được tiền, Chó Mèo sẽ không phải mồ côi. Nhưng mai này, Ngoại mất… Biết làm sao! Hai đứa đành chịu mồ côi, chịu đau thương dùm Ngoại với nghen!

“Nhỡ không còn đi bán được nữa, bà tính sao?” - tôi hỏi.

“Con đi… Con nuôi Ngoại…” - thằng Chó vứt ngay hộp sữa ra ngoài chiếc xe đẩy, nhanh nhảu nhảy vào trong câu hỏi của tôi. Nghe xong, Ngoại nó đang cười tự nhiên tắt hẳn, rồi méo xẹo, rồi ôm chặt khuôn mặt Chó mà ứa nước mắt.

Nắng tháng 6 Sài Gòn như đã hong khô, dưới chân cầu Hậu Giang (Q.6, TP.HCM) chạy dài, người người vẫn vội vã qua lại như mắc cửi, chỉ còn 3 bà cháu nhà Chó lặng đi trong tiếng khóc tỉ tê.

Ba bà cháu ngày ngày lặng lẽ bán vé số để sống qua ngày dưới chân cầu Hậu Giang (Q.6, TP.HCM).

Ba bà cháu bên chiếc xe đẩy bán vé số ở Sài Gòn

Cứ vậy, hơn 1 năm nay, từ khi con gái dở người bỏ lại 2 đứa con, bà Khanh (69 tuổi) đành lẽo đẽo đưa cháu đi bán vé số giữa nắng Sài Gòn. Từng đồng kiếm được, đó là bữa cơm qua ngày. Nhưng hễ hôm nào trời đổ mưa, ế ẩm, hay bị giựt vé số,… cả 3 đều phải chịu đói. Những ngày như thế, với bà, đã quá đỗi bình thường.

Năm L. 20 tuổi, chị đem lòng yêu một người đàn ông rồi bỏ nhà đi. Đến khi cả hai không thể lo lắng cuộc sống cho nhau, chị trở về, mang theo cái bụng to cùng người người không việc làm ổn định. Lúc ấy, bà Khanh chỉ còn biết nuốt nước mắt: “Có thai rồi, má nuôi”.

Đứa con đầu chào đời chẳng bao lâu, chị L. tiếp tục mang thai đứa thứ 2. Cùng lúc ấy, đứa con trai ruột mắc căn bệnh 'dở người' khiến tiền bạc trong gia đình càng thêm túng thiếu.

Bầu trời, mặt đất dần trở thành chỗ ăn, chỗ ngủ cho cả 3.

Hai đứa trẻ mủm mỉm, trắng trẻo, chẳng biết giống cha hay giống mẹ.

Ai nấy ở gần cũng đem lòng thương vì hoàn cảnh của bà cháu nhà bà Khanh.

“Tới lúc sắp sinh, bác sĩ bảo là thai khó nên nếu không mổ thì chết cả mẹ lẫn con. Vì thương con, thương cháu trong bụng nên tôi bán căn nhà tích góp của vợ chồng tui hơn 400 triệu. Bữa vô bệnh viện thì thằng con trai xin cho tiền làm ăn, tui mới chia mỗi đứa một ít rồi giữ lại nuôi cháu. Vậy mà làm ăn đâu hổng thấy, con tui nó phá, nó tiêu sạch hết” - bà kể.

Hai đứa con vừa được sinh ra thì ba mẹ chúng chẳng còn đủ kinh tế lo lắng. Bà Khanh năn nỉ mãi chị L. mới xin chạy bàn cho quán hủ tíu chay, kiếm đâu chỉ được mấy trăm nên bà phải chăm 2 đứa trẻ. Ngoại gọi thằng cháu trai tên là Chó (Trương Gia Bảo, 5 tuổi), đứa cháu gái là Mèo (Trương Mỹ Duyên, 3 tuổi), tức 2 con thú cưng nhỏ xíu mãi bên Ngoại. Chó Mèo lọt lòng, Ngoại đã phải mớm sữa cho uống. Chó Mèo ngã, một tay Ngoại đỡ nâng. Chó Mèo trở trời ốm vặt, Ngoại lấy thân mình ủ ấp hoài những đêm mưa…

Ấy vậy, thằng Chó lại chẳng may bị thêm căn bệnh tim bẩm sinh. Mấy lần Ngoại đưa cháu vào trường dạy học, nhưng rồi nó xỉu lên xỉu xuống nên người ta trả về. Từ đấy, mỗi lần đi bán vé số, Ngoại phải dắt theo 2 đứa cháu nhỏ. Dần dà, những góc đường hè phố cũng thành nhà của chúng.

“Nhiều lúc mình buồn mới nói con là thôi đừng quen ai nữa, lo làm ăn nuôi con nuôi cái đi. Vậy mà, nó chửi, nó bảo mình sắp chết còn nói nhiều. Không nuôi thì để nó đưa đi. Nghe mà đau lòng lắm. Cháu tui mà, sao tui làm được. Chừng nào tui còn sống tui còn nuôi, không ai được đưa chúng đi cả” - bà kể.

Ngoại ngày ngày đẩy Chó và Mèo đi bán từng cọc vé số.

Tụi nhỏ biết hoàn cảnh mình nên chẳng bao giờ than phiền.

“Sau này Ngoại mất, Chó và Mèo chịu mồ côi dùm Ngoại nghen!”

Mấy tháng nay, cái chân bà trở nên buốt nhức lắm. May thay, mỗi lần đi bán có thêm chiếc xe đẩy của Chó Mèo làm điểm tựa. Nhìn anh em nó chí chóe tranh đồ chơi, bập bẹ gọi thương “Ngoại… Ngoại”, mà bà lại có động lực bước tiếp.

Kiếm từng đồng bạc ít ỏi từ cọc vé số, tắm trong cái nắng mưa Sài Gòn, biết hoàn cảnh mình, Chó và Mèo chẳng bao giờ đòi hỏi Ngoại phải cho ăn sung mặc sướng. Bầu trời, mặt đất dường như đã chỗ ngủ tạm cho 2 đứa trẻ qua ngày.

“9h sáng, lo tắm rửa cho cháu xong thì 3 bà cháu lạ ra cầu Hậu Giang bán. Trưa tui mua cơm, cháo huyết cho ăn, dư thì tui ăn, hết thì nhịn cũng hổng sao. Cũng may, mấy người ở gần thấy thương nên giúp đỡ mua vé số nhiều. Đôi khi còn nấu cháo, miếng cơm dư ra để chừa cho tụi nó,… làm tui mừng thầm.”

Dù cái nghèo cái khổ vẫn đeo đuổi, nhưng chỉ cần cả 3 bên cạnh, nụ cười vẫn chưa bao giờ tắt.

Chó và Mèo là động lực để Ngoại mãi bước tiếp.

Gần cả cuộc đời, bà Khanh chưa bao giờ nghĩ ở tuổi xế chiều này, bà lại có ngày rơi vào cảnh cùng cực như thế. Nhưng rồi khi số phận đã gọi tên, bắt bà phải trả hết nợ đời, bà đành nở nụ cười chấp nhận. Với bà, chỉ cần Chó Mèo cạnh bên, tất cả rồi sẽ qua.

“Tui biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu. Lúc nào cũng dặn mình không được nghĩ tới ngày đó. Nhưng sự thật là vậy! Thôi thì giờ còn sống ngày nào, Ngoại còn lo cho tụi nó chừng đó. Sau này, tui mất, Chó và Mèo ráng chịu mồ côi dùm Ngoại với nghen!”.

Nhưng mai này, Ngoại mất… Biết làm sao! Hai đứa đành chịu mồ côi, chịu đau thương dùm Ngoại với nghen!

“Mẹ con đâu Chó?” - Tôi quay sang hỏi Chó.

“Đi theo chồng khác rồi” - thằng bé nhanh nhảu đáp.

“Cha con đâu?”

“Bỏ đi rồi?”

“Con thương ba mẹ hông?”

“Con thương Ngoại”.

Nói rồi, Chó liền quay lại với món đồ chơi của mình. Khuôn mặt vẫn tỉnh bơ như thể cả cuộc đời của nó chưa từng xuất hiện bóng dáng mẹ cha.

Huy Hậu

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/cho-va-meo-cua-ngoai-5499340.html