Ba bài toán lớn khi chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất

Trong bối cảnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phải đối mặt với nhiều vấn đề để có thể hạn chế tối đa sự đứt gãy, gián đoạn trong phương thức cộng tác và vận hành doanh nghiệp.

Chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất không đơn thuần là tự động hóa dây chuyền.

Chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất không đơn thuần là tự động hóa dây chuyền.

Tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khai thác cơ hội từ chính sức ép đến từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình tích cực, ứng dụng công nghệ mới như robot, tự động hóa dây chuyền, số hóa dữ liệu, quy trình vận hành và quản trị... nhằm quản trị rủi ro cũng như làm mới chính mình để nắm bắt cơ hội.

Không đơn thuần là tự động hóa dây chuyền

Theo một khảo sát của Base.vn với 250 doanh nghiệp, có đến 95,4% ý kiến cho rằng năng lực triển khai công nghệ là yếu tố quan trọng hoặc rất quan trọng cho sự bền vững trong bối cảnh bình thường mới. Tuy nhiên, khi so sánh với các công ty cùng ngành trên thế giới, các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam vẫn đi sau khá nhiều trong khía cạnh chuyển đổi công nghệ.

Báo cáo về chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam vẫn chưa tiếp cận những công nghệ thực sự hiện đại, dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương và tỷ lệ sống sót trên thị trường thấp.

Cisco chỉ ra rằng, 17% doanh nghiệp thiếu nhân lực có kỹ năng số; 16,7% đơn vị thiếu nền tảng công nghệ thông tin; và 15,7% tổ chức thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc gặp thách thức về văn hóa nội bộ.

Thực tế này xuất phát từ một lầm tưởng rằng chuyển đổi số vận hành sản xuất chỉ cần tập trung vào hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, đầu tư hệ thống robot tự động, nhà máy thông minh, mà bỏ qua yếu tố vận hành. Mặc dù có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn không đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng liên quan đến việc tối ưu quy trình vận hành trong một thị trường ngày càng khó tính và nhiều cạnh tranh.

Sự chênh lệch giữa năng lực sản xuất và năng lực vận hành có thể đem lại nhiều rủi ro và hệ quả sâu sắc. Theo McKinsey, để quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp diễn ra toàn diện và mạnh mẽ, các nhà quản lý cần khai thác tối đa cơ hội trên cả bốn phương diện: tự động hóa dây chuyền; phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng; tối ưu chuỗi cung ứng; và số hóa hệ thống vận hành.

3 bài toán quan trọng của quản trị vận hành sản xuất

Kiểm soát tiến độ - chuẩn hóa quy trình - làm chủ dữ liệu là ba yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho mọi doanh nghiệp và mọi lĩnh vực. Ba yếu tố này càng quan trọng hơn ở lĩnh vực sản xuất do quyết định những vấn đề cốt lõi: tăng năng suất, giảm chi phí và cải tiến liên tục.

Đối với bài toán về tiến độ, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ và vừa ở Việt Nam đều đi theo mô hình sản xuất theo đơn hàng thay vì sản xuất hàng loạt. Vì vậy, đảm bảo tiến độ là bài toán khó đầu tiên mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt. Khi kiểm soát tiến độ sản xuất thủ công, nhà quản lý phải giải quyết hàng chục đầu công việc khác nhau và hàng trăm lệnh sản xuất diễn ra cùng lúc, do đó dễ rơi vào tình trạng quá tải.

Nhưng khi quy tất cả về cùng một hệ thống quản trị, thực tế doanh nghiệp chỉ đang quản lý hai luồng thông tin: quy trình và dự án. Khi đó, tiến độ sản xuất được hiển thị trực quan và dễ dàng kiểm soát trên cùng một nền tảng duy nhất, giúp nhà quản lý bao quát tình trạng công việc, quy trình tại mọi thời điểm. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hàng chục giờ đồng hồ có thể bị lãng phí cho việc điều phối, báo cáo thủ công và tinh gọn đầu mối nhân sự phụ trách.

Lựa chọn đúng phần mềm công nghệ giúp các nhà quản lý nắm bắt tiến độ dự án trên "một trang giấy" với nội dung và tiến độ chi tiết.

Lựa chọn đúng phần mềm công nghệ giúp các nhà quản lý nắm bắt tiến độ dự án trên "một trang giấy" với nội dung và tiến độ chi tiết.

Tiếp theo, hệ thống các quy trình tại rất nhiều SME trong lĩnh vực sản xuất vẫn chưa được xây dựng và chuẩn hóa một cách tối ưu. Dù đây là mấu chốt để các doanh nghiệp đồng bộ chất lượng sản phẩm và tối ưu năng suất. Sự chồng chéo, thiếu liên kết giữa các luồng quy trình nghiệp vụ và quy trình đề xuất diễn ra thường xuyên có thể khiến doanh nghiệp lãng phí nhiều nguồn lực và đánh mất cơ hội.

Để các quy trình được phối hợp chặt chẽ, thực thi hiệu quả và dễ dàng theo dõi, doanh nghiệp cần phải chuẩn hóa và số hóa các luồng nhiệm vụ trên cùng một nền tảng. Đồng thời công cụ được áp dụng phải đảm bảo thân thiện với người dùng để mọi đối tượng nhân sự có thể sử dụng.

Cuối cùng, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cũng cần đặt sự quan tâm vào bài toán phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Theo Gartner, gần 50% doanh nghiệp trên thế giới hiện nay đã sẵn sàng đầu tư cho hệ thống dữ liệu lớn, và 70% trong số đó đã lên kế hoạch để rót thêm vốn vào hoạt động này.

Tuy nhiên, không nhiều SME Việt Nam đang thực hiện thu thập và khai thác dữ liệu đúng cách để có cơ sở đưa ra những quyết định quan trọng, do thực trạng các hoạt động vận hành và giao tiếp đang diễn ra trên nhiều kênh khác nhau, dẫn đến dữ liệu không được lưu lại hoặc nằm rải rác, phân mảnh trên nhiều nền tảng, công cụ.

Lúc này, việc doanh nghiệp cần làm không phải là tự tay "mò mẫm" từng bước xử lý dữ liệu mà nên lựa chọn đúng phần mềm phù hợp với đặc thù của tổ chức để chuẩn hóa các luồng sinh dữ liệu và quy trình tổng hợp dữ liệu, xử lý dữ liệu thô và tổng hợp thành các báo cáo tổng quan.

Một trong những điểm khác biệt trước và sau khi triển khai công nghệ trong vận hành doanh nghiệp nằm ở sự tự động hóa và hệ thống hóa.

Một trong những điểm khác biệt trước và sau khi triển khai công nghệ trong vận hành doanh nghiệp nằm ở sự tự động hóa và hệ thống hóa.

Thay đổi tư duy và đặt niềm tin thành công là sức mạnh chuyển đổi số

Bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện để sự chuyển dịch quản trị vận hành sản xuất ở doanh nghiệp Việt Nam diễn ra theo đúng xu thế và nhu cầu của thời đại nhưng vẫn giữ được những bản chất cốt lõi. Và dù là trong kỷ nguyên số, con người vẫn được xem là nhân tố tiên quyết để mục tiêu chuyển đổi số đạt được thành công.

Thay đổi thói quen làm việc thủ công của doanh nghiệp luôn xuất phát từ việc thay đổi nhận thức về giá trị của chuyển đổi số và về sự dễ dàng khi áp dụng công nghệ vào quản trị vận hành doanh nghiệp. Chỉ khi đội ngũ nhân sự tin rằng việc ứng dụng công nghệ có thể đem lại những lợi ích tối ưu trong công việc thường ngày, họ mới có thể dễ dàng thay đổi hành vi, thói quen truyền thống và dần làm chủ công nghệ. Vì vậy, vai trò tiên phong và sự quyết tâm của người lãnh đạo là vô cùng cấp thiết.

Theo McKinsey, số hóa sản xuất có thể tăng tỷ suất lợi nhuận của ngành công nghiệp nặng lên từ 3 đến 5 lần, nhưng chỉ khi con người có thể ứng dụng công nghệ trên quy mô lớn. Chỉ khi ban lãnh đạo tiên phong, chủ động và đi đầu trong tiếp cận tư duy quản trị doanh nghiệp theo cách mới, tận dụng tối đa những tiến bộ công nghệ và vạn vật kết nối thì mới có thể tái cơ cấu, tái chuẩn hóa tổ chức theo hướng 4.0 thành công. Từ đó diện mạo ngành sản xuất mới có cơ hội chuyển mình toàn diện.

Tùng Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ba-bai-toan-lon-khi-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-san-xuat-1664294687269.htm