Ba công dân Mỹ bị bắt sau cáo buộc âm mưu đảo chính ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Đại sứ quán Mỹ đang 'hợp tác với chính quyền DRC ở mức tối đa và sẽ buộc bất kỳ công dân Mỹ nào có liên quan đến hành vi tội phạm phải chịu trách nhiệm.'

Binh sỹ Cộng hòa Dân chủ Congo tuần tra trên đường phố tại Kinshasa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Binh sỹ Cộng hòa Dân chủ Congo tuần tra trên đường phố tại Kinshasa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 19/5 cho biết ít nhất ba người Mỹ đã bị bắt sau vụ xả súng ở Thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Chính phủ gọi vụ bạo lực là “nỗ lực đảo chính” do Christian Malanga, một lãnh đạo chính trị trước đây từng sống ở Mỹ, đứng đầu.

Diễn biến chính

Liên quan vụ việc trên, Forbes cập nhật một số diễn biến chính dưới đây:

Người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Quốc gia Sylvain Ekenge nói với hãng tin AP rằng âm mưu đảo chính được cho là đã bị ngăn chặn tại dinh thự của Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi Malanga bị tiêu diệt.

Trước khi thực hiện “âm mưu đảo chính,” Malanga đã đăng một đoạn video lên Facebook - có thể thấy đoạn video được phát từ DRC. Trong video đe dọa Tổng thống Felix Tshisekedi, người ta có thể nghe thấy một người nói giọng Mỹ trước khi Malanga cất lời.

Ít nhất ba người đã thiệt mạng, gồm hai cảnh sát và một kẻ tấn công, trong một vụ đột kích vào dinh thự của Phó Thủ tướng Vital Kamerhe - Thư ký báo chí của Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Reuters, một trong những công dân Mỹ bị bắt là con trai của Malanga. Nhưng cho đến nay, rất ít thông tin được công bố về những công dân Mỹ này.

Lucy Tamlyn, Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dân chủ Congo, cho biết trong một tuyên bố rằng bà “rất quan ngại” về thông tin xuất hiện hôm 19/5.

Bà Tamlyn cho biết Đại sứ quán Mỹ đang “hợp tác với chính quyền DRC ở mức tối đa khi họ điều tra những hành vi phạm tội và sẽ buộc bất kỳ công dân Mỹ nào có liên quan phải chịu trách nhiệm.”

Bộ Ngoại giao (Mỹ) đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Forbes.

“Đập tan âm mưu đảo chính”

Trước đó, sáng 19/5, lực lượng vũ trang Cộng hòa Dân chủ Congo thông báo đã đẩy lùi âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính quyền nước này, đồng thời bắt giữ một số nghi can.

Trong thông báo phát trên truyền hình, người phát ngôn của quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo, Sylvain Ekenge, cho biết các lực lượng quốc phòng và an ninh đã đập tan âm mưu đảo chính tại Kinshasa.

(Các công dân Mỹ bị bắt giữ sau vụ đảo chính bất thành. (Nguồn: X)

Một số nguồn tin cho biết quân đội đã kiểm soát tình hình và người dân Thủ đô có thể an tâm đi lại.

Trong khi đó theo truyền thông địa phương, sáng 19/5, một nhóm đối tượng có vũ khí đã đột nhập nơi ở của các chính trị gia và nơi làm việc của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Thủ đô Kinshasa.

Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy những tiếng nổ súng lớn vào khoảng 4h30 sáng (tức khoảng 10h30 cùng ngày ở Việt Nam) gần tư dinh của nghị sỹ Vital Kamerhe, người hiện là ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Dân chủ Congo.

Nhóm tấn công đã giao tranh với cảnh sát khiến ít nhất ba người thiệt mạng.

Ngoài ra, nhóm người tấn công cũng đã đột nhập nơi làm việc của Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo ở Thủ đô Kinshasa và phát trực tiếp hành động này trên nền tảng mạng xã hội Facebook.

Bạo lực liên miên

Cộng hòa Dân chủ Congo đã phải hứng chịu tình trạng bạo lực liên miên trong nhiều năm khi những cuộc giao tranh giữa quân đội và các nhóm nổi dậy sắc tộc Tutsi có nguy cơ đẩy đất nước vào một cuộc chiến với Rwanda, nước láng giềng ở phía Đông.

Đất nước này đã trải qua tình trạng hỗn loạn chính trị sau khi ông Tshisekedi tái đắc cử Tổng thống hồi tháng 12 năm ngoái. Ông Tshisekedi đã trì hoãn cuộc bầu cử Quốc hội, vốn ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 19/5 - cùng ngày diễn ra “âm mưu đảo chính.”

Malanga, một chính trị gia “bên lề,” đã lãnh đạo Đảng Congo Thống nhất và phong trào “New Zaire” - cái tên của DRC cho đến năm 1997 dưới thời nhà lãnh đạo Mobutu Sese Seko.

Trong video được đăng ngày 19/5, Malanga và những người đàn ông khác mặc quân phục giương cao lá cờ trước đây của Zaire và hò hét: “Felix, chúng tôi đến vì ông.”

Theo tiểu sử trên website riêng của mình, Malanga đã sống ở thành phố Salt Lake trong nhiều năm như một người tị nạn, khỏi các cuộc xung đột diễn ra ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Malanga cũng tự nhận mình là cựu thành viên của Quân đoàn Huấn luyện Sỹ quan Dự bị Thiếu niên (JROTC) ở Mỹ trước khi trở lại Cộng hòa Dân chủ Congo để gia nhập quân đội./.

 Binh sỹ Cộng hòa Dân chủ Congo gác tại Kinshasa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Binh sỹ Cộng hòa Dân chủ Congo gác tại Kinshasa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ba-cong-dan-my-bi-bat-sau-cao-buoc-am-muu-dao-chinh-o-cong-hoa-dan-chu-congo-post953354.vnp