Ba cột mốc khiến Thủ tướng Suga phải rời ghế

Với việc không tái tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Suga sẽ khép lại nhiệm kỳ đầy thách thức của mình vào cuối tháng 9 này.

Khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhậm chức tháng 9/2020, ông là niềm hy vọng của cả đảng LDP cầm quyền và công chúng Nhật Bản. Với kinh nghiệm hoạt động hậu trường và sự gắn bó với người dân nhờ xuất thân nông thôn, ông Suga được kỳ vọng sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua đại dịch.

Theo khảo sát của Nikkei Asia vào thời điểm đó, 74% người Nhật được hỏi đã bày tỏ tin tưởng ở tân thủ tướng. Trong khi đó, mức độ tín nhiệm với nội các của ông Suga dao động 64-66%, theo kết quả điều tra của các hãng thông tấn hàng đầu Nhật Bản như Asahi, Mainichi hay Japan Times.

Một năm sau, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 30%. Hôm 3/9, ông Suga chính thức tuyên bố không tái tranh cử chức vụ lãnh đạo đảng LDP trong cuộc bầu cử cuối tháng 9. Điều này đồng nghĩa ông sẽ không tiếp tục đảm nhiệm cương vị thủ tướng Nhật Bản.

Nhiệm kỳ khó khăn

Được biết đến như một chính trị gia có ánh mắt cương nghị và câu trả lời sắc bén trong các cuộc họp báo với tư cách chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Suga, cánh tay phải của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, nắm quyền sau khi người tiền nhiệm từ chức với lý do sức khỏe.

Thủ tướng Suga nhận được nhiều kỳ vọng với sự khôn ngoan và năng lực thúc đẩy cải cách. Trong những ngày đầu nhậm chức, những chính sách như giảm giá cước di động hay cung cấp bảo hiểm cho điều trị sinh sản của ông được người dân nhiệt tình ủng hộ.

 Ông Suga nhận được nhiều kỳ vọng của dư luận Nhật Bản khi mới nhậm chức. Ảnh: South China Morning Post.

Ông Suga nhận được nhiều kỳ vọng của dư luận Nhật Bản khi mới nhậm chức. Ảnh: South China Morning Post.

Ông cũng thành lập một cơ quan phụ trách kỹ thuật số để thống nhất hệ thống kỹ thuật giữa chính quyền trung ương và địa phương. Đây là lĩnh vực mà Nhật Bản đang bị tụt lại phía sau so với các quốc gia phát triển khác.

Tuy vậy, ông Suga gây dư luận tiêu cực khi loại bỏ các chuyên gia có xu hướng chỉ trích khỏi ban cố vấn của chính phủ, và thỏa hiệp với đối tác trong liên minh cầm quyền về chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Sự chậm trễ trong quyết định tạm dừng chương trình thúc đẩy du lịch nội địa - điều mà các chuyên gia coi là nguyên nhân góp phần khiến dịch bệnh lan rộng - cũng tác động nặng nề tới uy tín của Thủ tướng Suga. Công chúng Nhật Bản tỏ ra mệt mỏi với những tổn hại kinh tế đến từ các biện pháp phòng dịch của chính phủ.

Bên cạnh đó, nhiều người Nhật nhận định ông Suga tập trung vào việc đăng cai Olympic Tokyo hơn là phòng dịch, dù giới chức Nhật Bản phủ nhận mối liên quan giữa sự kiện thể thao này và sự gia tăng số ca nhiễm mới trong nước.

Ông Suga còn bị chỉ trích vì khả năng giao tiếp với công chúng. Tờ Economist nhận định các bài phát biểu của ông giống như “những chỉ thị quan liêu khô khan”. Trong các phiên tranh luận tại quốc hội, Thủ tướng Suga thường từ chối trả lời thay vì quyết liệt bảo vệ chính sách.

Nhiều chuyên gia nhận định tính cách này khiến ông Suga thất bại trong việc kêu gọi công chúng tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Ba cột mốc tai hại

Theo Nikkei Asia, có ba cột mốc chính dẫn tới quyết định không tiếp tục nắm quyền của Thủ tướng Suga.

Đầu tiên là quyết định không tổ chức bầu cử sớm cuối năm 2020. Ngay sau khi nhậm chức, ông Suga có tỷ lệ tán thành lên tới 74%, cao thứ ba trong các đời thủ tướng Nhật Bản. Tỷ lệ này vẫn còn ở mức gần 60% trong các cuộc khảo sát cuối tháng 11/2020.

 Quyết định không giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm cuối năm 2020 khiến ông Suga mất đi cơ hội củng cố tính chính danh của mình. Ảnh: Japan Times.

Quyết định không giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm cuối năm 2020 khiến ông Suga mất đi cơ hội củng cố tính chính danh của mình. Ảnh: Japan Times.

Nếu ông Suga giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử vào thời điểm đó, nhiều khả năng đảng LDP vẫn giữ được thế đa số trong Hạ viện Nhật Bản.

Dù động thái này có thể phải đối mặt với sự phản đối trong nội bộ đảng LDP, thắng lợi trong tổng tuyển cử có thể giúp ông Suga có thêm tính chính danh, sự tự tin và dễ dàng hơn trong thay đổi cơ cấu nhân sự lãnh đạo.

Năm 2008, cựu Thủ tướng Taro Aso cũng có quyết định tương tự. Chỉ một năm sau, ông thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước đảng Dân chủ đối lập.

Ở thời điểm đó, ông Suga giữ chức vụ phó cơ quan phụ trách chiến lược bầu cử của LDP. Dù là người trong cuộc, dường như ông Suga không rút ra được bài học từ thất bại của ông Aso.

Nếu cuộc tổng tuyển cử được tổ chức từ cuối năm 2020, khi số ca mắc Covid-19 chưa cao như hiện nay, bàn cờ chính trị Nhật Bản sẽ khác hoàn toàn. Khi đó, đảng LDP có thể yên tâm cầm quyền 4 năm, thay vì lo ngại về cuộc bầu cử sắp tới.

Cột mốc thứ hai đến từ cách chính quyền của ông Suga ứng phó với đại dịch Covid-19. Chiến dịch tiêm vaccine của Nhật Bản khởi động chậm hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác. Đến giữa tháng 6, khi tỷ lệ tiêm chủng tại Anh đã đạt 63,6% và tại Mỹ vượt mốc 50% dân số, chỉ có 18,3% người Nhật được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Quan ngại của người dân đối với cách chính phủ Nhật Bản ứng phó với đại dịch càng gia tăng qua thời gian. Trong khi đó, kế hoạch tổ chức Olympic và Paralympic bị nhiều người phản đối và không thể giúp tăng tỷ lệ tín nhiệm của chính phủ như ông Suga kỳ vọng.

 Các đợt bùng phát dịch Covid-19 cũng góp phần khiến niềm tin của người dân vào chính phủ của Thủ tướng Suga sụt giảm. Ảnh: Reuters.

Các đợt bùng phát dịch Covid-19 cũng góp phần khiến niềm tin của người dân vào chính phủ của Thủ tướng Suga sụt giảm. Ảnh: Reuters.

Cột mốc thứ ba là cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Yokohama ngày 22/8 vừa qua. Ứng cử viên Hachiro Okonogi của đảng LDP, đồng minh của ông Suga, chỉ về đích thứ hai và chịu thất bại trước ứng cử viên đối lập Takeharu Yamanaka.

Thất bại này khiến uy tín của ông Suga sụt giảm trong nội bộ đảng LDP. Một số đảng viên nhận định ông không thể là gương mặt đại diện cho LDP trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm nay.

“Khi ông Suga thế chỗ ông Abe hồi năm ngoái, nhiều người bày tỏ hy vọng vì ông cam kết tiến hành cải cách chính phủ và xã hội. Những lời hứa này đã không trở thành sự thật”, giáo sư Hiromi Murakami, chuyên gia chính trị học tại Đại học Temple, Tokyo, nhận xét. “Người dân không được thấy những thay đổi về cơ bản như ông Suga từng hứa”.

Việt Hà

Theo Reuters, Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-cot-moc-khien-thu-tuong-suga-phai-roi-ghe-post1258872.html