Ba đạo luật trụ cột của 'Bidenomics' trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), 'vành đai pin' xe điện trải dài từ Michigan đến Georgia, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Arizona, Texas, Ohio và New York cũng như thông rộng sắp tới ở Appalachia là minh chứng của hàng nghìn tỷ USD tiền công và tư nhân chảy vào Mỹ trong năm qua.

Bức ảnh chụp năm 2022 với Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó Nancy Pelosi cùng các thành viên đảng Dân chủ vui mừng sau khi bà ký Đạo luật giảm Lạm phát. Ảnh: AP

Bức ảnh chụp năm 2022 với Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó Nancy Pelosi cùng các thành viên đảng Dân chủ vui mừng sau khi bà ký Đạo luật giảm Lạm phát. Ảnh: AP

Chúng còn đại diện cho nỗ lực đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden nhằm sử dụng các đòn bẩy của chính phủ để tạo ra một kỷ nguyên mới của ngành sản xuất nội địa, hiện đại hóa Mỹ để cạnh tranh trong thế kỷ 21.

Bộ ba trụ cột của “Bidenomics”

Nhà Trắng gọi nỗ lực này là “Bidenomics” - sản phẩm của ba dự luật lớn được thông qua tại Quốc hội. Đạo luật Giảm lạm phát, Đạo luật Chip và Khoa học, Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm dần đi đến giai đoạn “thu quả ngọt” trong bối cảnh nền kinh tế bị xáo trộn và lạm phát dai dẳng do hậu quả của đại dịch COVID-19.

“Bidenomics” cũng là một trong những nội dung chủ lực trong vận động tranh cử của ông Biden tại cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Nhà Trắng cho biết chính sách liên bang đã tạo ra hơn 500 tỷ USD đầu tư tư nhân được công bố rót vào các tiểu bang. Riêng Đạo luật Chip và Khoa học đã đã tạo ra khoảng 200 tỷ USD trong sản xuất chất bán dẫn nội địa.

Trọng tâm của Đạo luật Giảm lạm phát, khoản đầu tư liên bang trị giá 400 tỷ USD để hạn chế biến đổi khí hậu, đang góp phần hỗ trợ sản xuất pin, xe điện và năng lượng Mặt Trời, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam nơi đảng Cộng hòa chiếm ưu thế.

Bên cạnh đó, các điều khoản trong Đạo luật Giảm lạm phát cho phép chính quyền địa phương khai thác các khoản khấu trừ thuế sản xuất năng lượng xanh của liên bang, tạo điều kiện để họ tự phát triển các dự án. “Những gì bạn đang thấy là các hạt trở thành phòng thí nghiệm về đổi mới”, ông Mark Ritacco tại Hiệp hội các hạt quốc gia, so sánh.

Chính Tổng thống Biden cũng đang khuyến khích người Mỹ tự theo dõi: “Truy cập Invest.gov, nhập vị trí của bạn. Các bạn sẽ thấy những dự án mà chúng tôi đang thực hiện tại các cộng đồng trên khắp nước Mỹ”.

Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm được thông qua năm 2021 đã giúp rót tiền vào xây dựng đường xá, các cây cầu đồng thời cấp vốn cho những dự án công trình công cộng trên toàn quốc. Trong đó có số tiền dành cho nâng cấp hệ thống nước uống và 42 tỷ USD cho băng thông rộng để kết nối khoảng 8 triệu hộ gia đình với internet.

Monte Shaw, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhiên liệu Tái tạo Iowa, nhận định: “Đây là một thế giới hoàn toàn mới của cơ hội”.

Diễn biến này nhiều tương đồng với sự phát triển của hệ thống đường cao tốc liên bang vào những năm 1950 hay cuộc chạy đua vào không gian lên Mặt Trăng vào những năm 1960, điều diễn ra chỉ một lần trong một thế hệ. Gần đây hơn, các tổng thống Mỹ đã dựa vào Quốc hội để đưa ra tầm nhìn của họ về chính sách xã hội hoặc tài chính, với Đạo Luật Chăm Sóc Sức Khỏe Giá Phải Chăng (ACA), Obamacare cũng như Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017.

Nhà cựu kinh tế trưởng tại Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) – bà Wendy Edelberg đánh giá: “Chúng ta đã trải qua nhiều thập kỷ thiếu đầu tư. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều việc phải làm”.

Ý kiến trái chiều

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các đảng viên Đảng Dân chủ coi bộ ba đạo luật này, với hai trong số đó cũng nhận được sự ủng hộ của đảng viên Cộng hòa, là “lá bài” thu hút cử tri trước thềm cuộc bầu cử năm 2024. Chúng được coi là kết quả rõ ràng về tầm nhìn và nhiệm kỳ của ông Biden tại Nhà Trắng. Nhưng nhiều đảng viên Cộng hòa lại không thiện cảm với Bidenomics, với nhiều người trong số họ đã bỏ phiếu chống lại cả ba dự luật trên.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Barrasso trong một bản ghi nhớ được lưu hành vào đầu mùa Hè này đã đưa ra nhận định cá nhân về khái nhiệm “Bidenomics là gì”. Theo ông John Barrasso, đó là “chi tiêu lạm phát của Washington, các quy định tốn kém và thuế lũy thoái được ủng hộ bởi ông Biden và phó Tổng thống Kamala Harris”.

Các nhà kinh tế thừa nhận rằng mặc dù lạm phát đã giảm bớt phần nào nhưng các khoản đầu tư đang làm tăng thêm áp lực về nhu cầu và giá cả, một yếu tố dẫn đến lãi suất cao hơn có thể kéo theo hoạt động cho vay bị thắt chặt.

Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã cố gắng bãi bỏ luật Đạo luật Giảm lạm phát nhưng khi luật này bắt đầu có tác động đối với các cộng đồng thì điều đó có thể trở nên khó khăn hơn.

Nhà kinh tế học Jason Furman tại Harvard, phân tích: “Có vẻ như cả ba đạo luật đang tạo xúc tác cho nhiều hoạt động theo cách lớn hơn và nhanh hơn tôi mong đợi. Đối với tôi, đây là điều lớn nhất đã xảy ra trong nửa thế kỷ qua”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ba-dao-luat-tru-cot-cua-bidenomics-tro-thanh-thoi-nam-cham-thu-hut-dau-tu-20230816114917999.htm