Ba đề án lớn để phát triển giao thông TP.HCM
Trong năm 2020, TP.HCM đã hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, đồng thời hàng loạt chiến lược phát triển giao thông cũng được triển khai.
“Năm 2020, ngành giao thông TP.HCM đã có một bước tiến mới khi gặt hái được những thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, cũng trong năm này, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt kinh tế - xã hội, tất nhiên ngành GTVT cũng không ngoại lệ” - ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Hàng loạt dự án được triển khai
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động của ngành giao thông TP trong năm 2020?
+ Ông Trần Quang Lâm: Năm qua, Sở GTVT đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cụ thể là tập trung xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm nguy cơ ùn tắc giao thông… Đồng thời, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị để thành lập nhóm phản ứng nhanh bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm TP.
Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị chức năng đưa Bến xe Miền Đông mới (quận 9) vào hoạt động. Song song đó, sở cũng đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách và du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi. Đặc biệt, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu vài ngày nữa đi vào hoạt động sẽ góp phần chia sẻ áp lực cho giao thông đường bộ…
Trong năm 2020, Sở GTVT cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành 10 công trình, khởi công 23 dự án. Trong đó có một số công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI như nút giao thông An Sương, nâng cấp - mở rộng đường Tô Ký, thông xe kỹ thuật cầu Phước Lộc…
Với vai trò là cơ quan chủ trì lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án giao thông trên địa bàn TP theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, Sở GTVT đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công tám dự án giao thông trọng điểm và trình Sở KH&ĐT thẩm định. Đó là các dự án vành đai 2 (đoạn 1, 2); nút giao thông An Phú; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cầu đường Nguyễn Khoái; mở rộng quốc lộ 22, quốc lộ 50; xây dựng hai cầu trên tuyến đường N2 và đường N4.
Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP cho phép thực hiện nghiên cứu lập chủ trương đầu tư 47 dự án trọng điểm (giai đoạn 2020-2025) theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 568.
Năm 2020, Sở GTVT đã tập trung xây dựng các đề án, chiến lược quan trọng của ngành GTVT trình Thành ủy, HĐND, UBND TP thông qua và triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.
Nhiều thách thức
. Sở GTVT còn những dự án nào chưa hoàn thành theo kế hoạch của năm 2020?
+ Hệ thống đường vành đai 2, 3; các tuyến quốc lộ cửa ngõ TP; cao tốc, các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô… vẫn chưa thể triển khai đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Nguyên nhân là khó khăn về nguồn vốn đầu tư và trình tự, thủ tục đầu tư... Song song đó, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là rất lớn (chiếm tỉ trọng trên 50% tổng mức đầu tư) và mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Trung bình mỗi dự án mất 14-18 tháng, có dự án kéo dài 2-3 năm, thậm chí lâu hơn.
Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ như tuyến metro số 1, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang Việt Nam theo kế hoạch. Các cây cầu Tăng Long, Nam Lý, Long Kiểng, Thủ Thiêm 2… chậm trễ tiến độ do vướng GPMB.
. Năm 2020, ngành giao thông TP gặp những khó khăn, thách thức như thế nào?
+ Trước tiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải và hoạt động vận tải. Khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2020 ước đạt 328,677 triệu lượt hành khách, giảm 48,50% so với năm 2019.
Thứ hai, khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Các dự án giao thông trọng điểm như quốc lộ 1, 13, 22; cầu đường Bình Tiên; vành đai 2, vành đai 3 đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ 1-1-2021) đã không còn hình thức hợp đồng BT như trước đây. Đồng thời, Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, trong khi vốn ngân sách TP dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu.
Đề án thu phí cảng biển là một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai ngay. Từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách TP dành cho đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển.
Ông TRẦN QUANG LÂM, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Thứ ba, công tác bồi thường, GPMB do các địa phương thực hiện còn chậm. Điều này dẫn đến chậm tiến độ nhiều công trình cấp bách, trọng điểm.
Thời gian qua Sở GTVT đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, cũng như tìm cách gỡ vướng cho các doanh nghiệp vận tải. Hy vọng thời gian tới, mọi khó khăn có thể chuyển biến tích cực hơn.
. Xin cám ơn ông.
Ba đề án quan trọng
Theo ông Trần Quang Lâm, TP đã thông qua ba đề án quan trọng gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030; Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021-2030; Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Có thể nói đây vừa là cơ sở pháp lý quan trọng, vừa thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP đối với việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong 10 năm tới (2021-2030).
Cụ thể, về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,5 km/km2. Sở GTVT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm kết nối liên vùng, kết nối khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển...
Đồng thời, Sở GTVT cũng xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách. Tiếp tục tham mưu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Để rút ngắn thời gian thực hiện GPMB, sở đề xuất TP thành lập Tổ công tác chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và GPMB (gồm lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở/ngành, quận/huyện) để chỉ đạo thực hiện. Sở cũng phối hợp với Sở TN&MT sớm tham mưu ban hành quy trình đặc thù theo Nghị quyết số 27 của Chính phủ về rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.
Về ứng dụng khoa học công nghệ, Sở GTVT sẽ tiếp tục nâng cấp để khai thác hiệu quả Trung tâm Giám sát giao thông (giai đoạn 1) và Cổng thông tin giao thông TP trong việc giám sát, quản lý, điều hành giao thông và phát hiện các sự cố giao thông.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/ba-de-an-lon-de-phat-trien-giao-thong-tphcm-958981.html