Ba điều bí mật của hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur

Tháng 2-1995, Nga chính thức triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur bảo vệ Thủ đô Moscow và khu công nghiệp trung ương Nga. Hệ thống phòng thủ tên lửa này đặc biệt ở chỗ nó không chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa, mà còn có khả năng thổi bay vũ khí hạt nhân của đối phương.

Dù đóng vai trò là vũ khí phòng thủ, nhưng thông tin về hệ thống vũ khí phòng thủ A-135 lại luôn được giữ bí mật. Di sản từ thời chiến tranh Lạnh này luôn tạo ra sự tò mò với giới chuyên gia quân sự quốc tế.

Trong giai đoạn cao trào của chiến tranh Lạnh, thời điểm Liên Xô và Mỹ đã tích lũy đủ số lượng đầu đạn hạt nhân đủ để hủy diệt bề mặt Trái đất nhiều lần, cả Moscow và Washington đều nhận thức về sự cần thiết của các hệ thống phòng thủ tên lửa để tăng khả năng phòng ngừa trên ranh giới chiến tranh hạt nhân toàn diện. Tuy nhiên, cả Mỹ và Liên Xô đều ý thức được việc bất kỳ bên nào triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ đều có nguy cơ khơi mào cho chiến tranh hạt nhân toàn diện.

 Trạm radar khổng lồ Don-2N.

Trạm radar khổng lồ Don-2N.

Ý thức được sự cần thiết của hệ thống phòng thủ tên lửa, Mỹ và Liên Xô đã đạt được thỏa thuận về hạn chế triển khai dòng vũ khí phòng thủ đặc biệt này. Theo đó, mỗi bên sẽ chỉ được phép triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa có tầm bắn 150km. Với Liên Xô là bảo bệ Moscow, còn với Mỹ là khu vực Bắc Dakota. Đây có thể coi là tiền đề của hệ thống A-125 và sau này là A-135 Amur của Liên Xô. Mỹ cũng từng dự định triển khai hệ thống tương tự, nhưng do các vấn đề về chiến lược, Washington đã quyết định mở rộng quy mô của hệ thống phòng thủ tên lửa đồng thời với thời điểm Liên Xô tan vỡ đầu những năm 1990.

Mắt thần bảo vệ Moscow

Không khó có thể nhận diện các thành phần của hệ thống A-135 khi bay tới Moscow, khi bay tới sân bay Sheremetyevo, tại khu vực làng Sofrino, bất kỳ ai cũng có thể quan sát thấy một kim tử tháp khổng lồ. Đây chính là đài radar Don-2N, trái tim của hệ thống A-135. Với công suất phát các chùm tia radar công suất tới 250 Megawatt, Don-2N là một trong những trạm radar phòng không quy mô khổng lồ trên thế giới.

 Hệ thống A-135 Amur là một trong những di sản từ thời chiến tranh Lạnh của Quân đội Nga.

Hệ thống A-135 Amur là một trong những di sản từ thời chiến tranh Lạnh của Quân đội Nga.

Radar Don-2N không chỉ có chức năng giám sát và cảnh giới bầu trời Thủ đô Moscow, mà còn phân loại và dẫn bắn nhắm vào các mục tiêu tiềm năng trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương bắn tới. Hệ thống radar mảng pha này có khả năng giám sát cùng lúc 100 mục tiêu với tầm phát hiện tối đa 3.700km. Hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động và là phương tiện duy nhất trên thế giới có thể phát hiện các mục tiêu có kích thước của quả bóng tennis trong quỹ đạo thấp của Trái đất.

Mũi tên của thần thợ săn Artemis

Mục đích ban đầu của hệ thống A-135 Amur là ngăn chặn các phi đội máy bay ném bom tầm xa và tên lửa đạn đạo của đối phương. Tuy nhiên, tới năm 2006, chức năng đánh chặn máy bay ném bom đã được hủy bỏ cùng với việc loại biên tên lửa đánh chặn 51T6. Phần còn lại của A-135 Amur chính là tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương với đạn 53T6. Đây là vũ khí đánh chặn tên lửa mạnh mẽ nhất con người từng chế tạo. Đạn tên lửa 53T6 có thể ngăn chặn mục tiêu ở độ cao 100km. Với trọng lượng 10 tấn, tên lửa 53T6 có thể chịu lực gia tải trọng trường 210G và phá hủy mục tiêu bằng đầu đạn hạt nhân mang theo. Khả năng của đánh chặn của hệ thống A-135 đạt hiệu quả cao và được so sánh như những mũi tên sắc nhọn của Thần Săn bắn Artemis trong thần thoại Hy Lạp.

 A-135 được áp dụng nhiều công nghệ đặc biệt mà tới tận thời điểm hiện tại vẫn chưa được công bố.

A-135 được áp dụng nhiều công nghệ đặc biệt mà tới tận thời điểm hiện tại vẫn chưa được công bố.

Trong các thử nghiệm, đạn tên lửa đánh chặn của hệ thống A-135 Amur không chỉ có chức năng phá hủy tên lửa của đối phương, mà còn giúp phát hiện ra chúng trong “đám mây” mục tiêu giả do tên lửa đạn mang theo. Ở tầng cao nhất của khí quyển, việc phát hiện các mục tiêu giả và mảnh vỡ tên lửa rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu tạo ra một vụ nổ hạt nhân thổi bay toàn bộ các mục tiêu giả và mảnh vỡ có trọng lượng nhẹ sẽ giúp việc phát hiện và dẫn bắn nhằm vào các đầu đạn hạt nhân thật dễ dàng hơn. Đó chính là cách hệ thống A-135 Amur hoạt động.

Cùng với đó, A-135 Amur cũng được thiết kế để phá hủy đầu đạn hạt nhân của đối phương bằng vũ khí…nguyên tử. Đầu đạn của tên lửa đánh chặn được mang đồng vị Beryllium khiến phản ứng hạt nhân trên đầu đạn hạt nhân được kích hoạt sớm và phát nổ. Chùm hạt neutron do đồng vị Beryllium phát ra khiến khối đầu đạn Plutoni đạt ngưỡng tới hạn và phát nổ. Sóng xung kích do đầu đạn mang Beryllium cũng tạo ra vùng áp lực thổi bay các vụ tấn công bằng sóng điện tử (EMP) do các vụ nổ hạt nhân trên tầng cao nhất của quỹ đạo Trái đất tạo ra.

Sau hàng thập kỷ tồn tại, nhiều thông tin bí mật của hệ thống A-135 Amur đã được tiết lộ. Điều này càng tạo ra sự bất ngờ đối với dòng vũ khí phòng thủ di sản từ thời chiến tranh Lạnh này.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/ba-dieu-bi-mat-cua-he-thong-phong-thu-ten-lua-a-135-amur-610386