Ba điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

Khi các bên tranh chấp từng có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.

Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp ở cơ quan trọng tài được nhiều doanh nghiệp lựa chọn do những ưu điểm của phương án này như rút ngắn thời gian giải quyết, thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin… Vậy tranh chấp nào được giải quyết bởi trọng tài? Các bên có cần thiết phải ký thỏa thuận trọng tài hay không, ký trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Làm sao để tránh thỏa thuận này bị vô hiệu…?

Ông Lê Hoài Trung

Ông Lê Hoài Trung

Ông Lê Hoài Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Trọng tài thương mại TP.HCM giải thích: Trọng tài thương mại (TTTM) là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật TTTM năm 2010.

Tranh chấp nào thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài?

Tại Điều 2 luật này quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm có: 1) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; 2) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; 3) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Còn về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì được quy định tại Điều 5 luật này như sau: 1) Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2) Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).

3) Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Hình thức và điều kiện có hiệu lực của trọng tài

Ông Lê Hoài Trung lưu ý để thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thì thỏa thuận này cần có ba điều kiện.

Thứ nhất là về hình thức, theo Điều 16 Luật TTTM thì hình thức thỏa thuận trọng tài phải thỏa mãn quy định sau: Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thỏa thuận này phải được xác lập dưới dạng văn bản như:

1) Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

2) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên.

3) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

4) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

5) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Thứ hai, thỏa thuận trọng tài không nằm trong các trường hợp bị vô hiệu theo Điều 18 Luật TTTM. Các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu gồm:

1) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của trọng tài quy định tại Điều 2 của luật này;

2) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

3) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự như là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

4) Hình thức của thỏa thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của luật này;

5) Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu;

6) Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Thứ ba là thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp không thể thực hiện được. (Xem box).

Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được khi nào?

Theo Điều 4 Nghị quyết 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTM, thỏa thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được trong các trường hợp:

1) Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài cụ thể nhưng trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

2) Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn trọng tài viên, trọng tài vụ việc nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp hoặc trung tâm trọng tài, tòa án không thể tìm được trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn trọng tài viên khác để thay thế.

3) Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn trọng tài viên, trọng tài vụ việc nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn trọng tài viên khác để thay thế.

4) Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác với quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

5) Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTMnhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp.

Thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.

Ông LÊ HOÀI TRUNG, Phó Chủ tịch thường trực Hội TTTM TP.HCM

KIM PHỤNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ba-dieu-kien-co-hieu-luc-cua-thoa-thuan-trong-tai-875716.html