Ba Đình một thuở

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam. Đây là một địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, nơi đã diễn ra thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa cách đây hơn 7 thập kỷ.

Quảng trường Ba Đình lộng gió và uy nghiêm trong giờ hạ cờ. Ảnh: T.L

Quảng trường Ba Đình có khuôn viên rộng với nhiều ô cỏ lớn là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, xen giữa là lối đi rộng 1,4 m. Giữa Quảng trường là cột cờ Tổ quốc.

Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Zing.vn

Phía trước Lăng là sân cỏ Quảng trường Ba Đình ban đầu có diện tích gần 3 hécta chia thành 186 ô cỏ, nay đã điều chỉnh thành 210 ô trồng loại cỏ lá gừng với diện tích 24.000m2.

Toàn cảnh Quảng trường Ba Đình đầu thế kỷ XX, khi đó được người Pháp gọi là Vườn hoa Pugininer. Ảnh: T.L

Trước đây, Quảng trường là một khu vực nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long. Năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã xây một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn hay còn gọi là Quảng trường Pugininer.

Quảng trường Ba Đình của những năm 80. Ảnh: T.L

Đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được mời ra giữ chức Đốc lý Hà Nội trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Tuy chỉ giữ chức trong một thời gian rất ngắn (20/7/1945 – 19/8/1945) nhưng bác sĩ Trần Văn Lai đã tiến hành đổi và đặt tên một loạt đường phố, địa danh của Hà Nội trước đây do chính quyền thực dân Pháp đặt, trong đó có Quảng trường Ba Đình.

Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: T.L

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Việc đặt tên Quảng trường Ba Đình nằm trong chủ trương chung của Chính phủ Trần Trọng Kim lúc bấy giờ ... Hồi đó, Chính phủ Trần Trọng Kim muốn tỏ rõ tinh thần dân tộc bằng một chủ trương chung là xóa bỏ tên quảng trường, tượng đài, công trình công cộng được thực dân đặt tên...”.

Quảng trường Ba Đình ngày Quốc khánh 2/9/2015. Ảnh: TL

Quảng trường Ba Đình cũng chính là nơi diễn ra thời khắc lịch sử Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Duyệt binh trên quảng trường Ba Đình. Ảnh: T.L

Trong thời gian Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947 - 1954), Phủ Toàn quyền Pháp đổi tên quảng trường là Vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, quân ta về tiếp quản Thủ đô và nơi đây lại được trả lại tên Quảng trường Ba Đình.

Quảng trường Ba Đình còn có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ kính yêu yên giấc ngàn thu. Mỗi lần viếng Bác luôn mang đến sự xúc động, niềm tự hào của hàng triệu trái tim con người Việt Nam.

Nhân dân vào lăng viếng bác. Ảnh: T.L

Giờ đây, Quảng trường Ba Đình là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của đất nước nhân các ngày Lễ lớn trong năm.

Ngày 1/1/1955, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lần đầu tiên có cuộc duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình, đánh dấu sự kiện lớn đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tại Quảng trường Ba Đình có Lễ thượng cờ diễn ra lúc 6h sáng, là một nghi lễ cấp quốc gia của Việt Nam và Lễ Hạ cờ diễn ra lúc 21h hằng ngày.

Trong đêm 1/9, Quốc kỳ không được kéo xuống để lá cờ mãi được tung bay trong ngày độc lập. Lễ chào cờ ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình bởi thế không có nghi thức kéo cờ.

Quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm; là địa điểm thường xuyên được chọn để tổ chức các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm lớn mang tính lịch sử của đất nước.

Theo Nhà sử học Lê Văn Lan, Ba Đình là địa danh xã Ba Đình ngày nay của huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng cầm quân trong thời gian 1886 – 1887 dưới thời Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX.

Minh Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ba-dinh-mot-thuo-post67249.html