'Bà đỡ' cho các tác phẩm văn học - nghệ thuật

Đó là cảm nghĩ của nhiều văn nghệ sĩ khi đến các nhà sáng tác thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật được đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng qua các kỳ liên hoan, biểu diễn, các cuộc thi, đã ra đời từ những nhà sáng tác này. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ, đòi hỏi các nhà sáng tác phải có nhiều đổi mới hơn trong quản lý và tổ chức hoạt động.

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang trước nhà sáng tác Đà Lạt. Ảnh: LÊ TƯ

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang trước nhà sáng tác Đà Lạt. Ảnh: LÊ TƯ

Trong những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho hàng nghìn văn nghệ sĩ ở trung ương và địa phương thuộc các loại hình văn xuôi, thơ, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… được tham gia sáng tác tại các nhà sáng tác Đại Lải, Tam Đảo, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu và gần đây là nhà sáng tác Đà Nẵng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong thực tế sáng tác, các văn nghệ sĩ rất cần có một khoảng thời gian tĩnh lặng, nhất là công đoạn hoàn thành tác phẩm, thoát ra khỏi mọi lo toan của cuộc sống thường nhật để dồn tất cả tâm trí cho tác phẩm của mình và nhà sáng tác đã đáp ứng được nhu cầu đó. Ở đó, văn nghệ sĩ được sống trong bầu không khí văn học - nghệ thuật đích thực, gặp gỡ, giao lưu, đàm đạo văn học nghệ thuật theo mỗi chuyên ngành và học hỏi kinh nghiệm sáng tác lẫn nhau mà ngày thường không có dịp, được tìm hiểu đời sống, phong tục và thiên nhiên, con người ở các địa phương. Nói như nhà văn trẻ Trần Xuân Hùng, nhà sáng tác cũng là nơi “truyền lửa” của các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước cho lớp trẻ kế cận về nghề. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, chăm lo đội ngũ văn nghệ sĩ và nhà sáng tác là một trong những biểu hiện cụ thể của sự quan tâm ấy.

Mặc dù có bề dày thành tích lâu năm, lãnh đạo của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật cùng với nhiều văn nghệ sĩ đều nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động nhà sáng tác để đáp ứng tình hình mới. Trước hết, cần quan tâm nhiều hơn đến “đầu vào” và “đầu ra” của nhà sáng tác. Lực lượng văn nghệ sĩ có khoảng hơn 30 nghìn hội viên, mỗi năm số hội viên tham dự các nhà sáng tác được khoảng hơn một nghìn người, như vậy việc đáp ứng nhu cầu đến trại còn hạn hẹp. Cho nên, khi lựa chọn “đầu vào” phải kỹ lưỡng, nghiêm túc. Không phải ai đến nhà sáng tác cũng có tác phẩm đỉnh cao, điều đó phụ thuộc cơ bản vào tài năng, sức bật của văn nghệ sĩ là chủ thể sáng tạo. Nhưng không vì thế mà dễ dàng, tùy tiện cử người dự trại theo phong trào mà cần lựa chọn văn nghệ sĩ tiêu biểu, tâm huyết với nghề, nhiều triển vọng, có tác phẩm, đề tài được xã hội quan tâm. Tránh tình trạng như nhà văn Mai Bửu Ninh, người đã từng tham dự nhà sáng tác nêu ra: có không ít văn nghệ sĩ được Hội chọn tham dự trại như một chính sách đãi ngộ, cho phép đi nghỉ dưỡng, ăn nghỉ và chỉ việc mang theo bản thảo có sẵn để nộp, chứ không thật sự sáng tác, hoàn thiện tác phẩm. Cũng vì vậy, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật phải phối hợp chặt chẽ với các hội để chọn lựa các văn nghệ sĩ đã có đề tài, đề cương có chất lượng tốt để bố trí tham gia các trại sáng tác thời gian tới, tránh “bệnh hình thức” như đã nêu ở trên.

Việc nghiệm thu sản phẩm, công tác tổng hợp, đánh giá tác phẩm qua từng đợt sáng tác rất quan trọng. Từ đó, nhà sáng tác phải trở thành cầu nối để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm đến các đơn vị nghệ thuật để dàn dựng, xuất bản và phát hành. Theo thống kê, 60% số kịch bản sân khấu được viết hoặc được nâng cao ở nhà sáng tác được dàn dựng. Tuy nhiên, số tác phẩm tồn kho sau các kỳ tham dự các trại sáng tác vẫn còn nhiều. Sau khi hết thời gian dự trại sáng tác, các văn nghệ sĩ đều bàn giao lại các tác phẩm theo kiểu kiểm kê, đếm số lượng, sau rồi không biết các tác phẩm đó đi đâu. Nếu các tác giả ở địa phương không có điều kiện để công bố tác phẩm thì sản phẩm đó chắc sẽ mãi ở trong kho, không đi vào được cuộc sống, gây lãng phí tiền của Ban tổ chức. Nên chăng ban giám đốc các nhà sáng tác hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có một bộ phận chuyên môn tuyển chọn các tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu để dàn dựng, công diễn hoặc liên kết với các nhà xuất bản, các đoàn nghệ thuật để họ khai thác số tác phẩm này. Chính việc tổ chức tốt khâu “đầu ra” cũng là thước đo hiệu quả hoạt động của các nhà sáng tác.

Hiện tại, các nhà sáng tác phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc phục vụ ăn, nghỉ, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các trại sáng tác và chưa xứng tầm với nhiệm vụ mà Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật được giao phó. Bên cạnh đó, quản lý nhà sáng tác cần phải có những con người vừa am hiểu văn học, nghệ thuật, vừa phục vụ tốt, vừa sẻ chia, động viên sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, từ đó góp phần quảng bá và giới thiệu các tác phẩm văn học - nghệ thuật, biết chủ động đề xuất về việc hỗ trợ kinh phí cho các tác phẩm có giá trị; có kế hoạch ưu tiên đầu tư chiều sâu, thời gian cho văn nghệ sĩ có công trình, tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu. Điều quan trọng của lãnh đạo các nhà sáng tác là phải biết tránh tình trạng bình quân chủ nghĩa; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phù hợp từng chuyên ngành nghệ thuật, nghiên cứu thiết kế thêm các phòng chức năng ở các nhà sáng tác như xưởng vẽ, điêu khắc, phòng biểu diễn nghệ thuật, phòng chiếu phim…

Để đổi mới hoạt động của các nhà sáng tác, rất cần có sự cố gắng, nỗ lực đầu tư từ hai phía là nhà tổ chức và văn nghệ sĩ tham gia các trại sáng tác. Tất cả đều nhằm tới mục tiêu có môi trường sáng tác tốt nhất, tạo được nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN THU HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31191402-%e2%80%9cba-do%e2%80%9d-cho-cac-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat.html