Ba dự án BT, BOT 'đình đám' TP HCM thi công ì ạch
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM đang thi công rất ì ạch, kéo dài nhiều năm vẫn chưa biết ngày hoàn thành.
Dự án đặc biệt, thi công cầm chừng
“
Dự án Vành đai 2 đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa giai đoạn 1 có chiều dài hơn 2,7km. Theo thiết kế, mặt cắt của tuyến đường này rộng 67m, giai đoạn 1 thi công trước hai tuyến chính song song, bề rộng mỗi nhánh là 10,5m cho 3 làn xe. Phần giữa để lại thi công giai đoạn 2 khi nhu cầu giao thông tăng lên. Trên tuyến xây dựng 3 cầu với tổng chiều dài hơn 240m, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, báo hiệu đồng bộ. Theo Sở GTVT đến nay dự án đã triển khai được khoảng 30% khối lượng, đang chờ quận Thủ Đức giải phóng mặt bằng để triển khai tiếp.
”
Đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 3,4km từ đường Mai Chí Thọ (quận 2) đến đường Vành đai 2 (quận 9, TP HCM). Đây là dự án được UBND TP HCM áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là chỉ định thầu theo hình thức BT, đổi lấy 14,8ha đất tại phường An Phú. Thế nhưng, dự án đặc biệt này sau hơn 2 năm triển khai đến nay vẫn rất ì ạch.
Dự án được triển khai từ tháng 4/2017 do Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty CP Bất động sản Tiến Phước liên danh chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên đến 800 tỷ đồng. Ngày khởi công, chủ đầu tư cam kết chắc nịch sẽ xong trong 24 tháng. Nhưng đến nay đã 31 tháng, dự án mới chỉ thi công được 40% khối lượng, vẫn còn nhiều hạng mục đang dang dở.
Sáng 11/11, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại dự án này cho thấy, công trường rất vắng vẻ, chỉ lèo tèo vài công nhân, thiết bị thi công. Trên tuyến đường dài 3,4km chỉ có 2 cây cầu đã hợp long, cơ bản hoàn thiện phần kết cấu. Phần đường đoạn từ nút giao An Phú (quận 1) đến đường Đỗ Xuân Hợp mới thi công xử lý nền đất yếu, còn lại vẫn nham nhở. Đoạn từ Đỗ Xuân Hợp đến Vành đai 2 chưa thi công gì nhiều. Theo thiết kế, tuyến đường này rộng 20m, đáp ứng 4 làn xe.
Một tuyến đường khác là dự án 2,7km nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường dẫn vào cao tốc TP HCM - Trung Lương cũng thi công ì ạch mấy năm nay. Dự án động thổ từ năm 2015, do Công ty CP tập đoàn Yên Khánh làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Tại công trường, nút giao cuối đường Võ Văn Kiệt - QL1 chỉ mới làm được phần cầu dẫn, đường dẫn lên cầu của các nhánh chưa thi công. Đoạn tuyến dài 2,7km qua các khu dân cư, ruộng đồng, nhà máy ở huyện Bình Chánh chỉ mới thi công nham nhở một số đoạn, phần còn lại vẫn chưa động tĩnh gì, nhiều đoạn còn chưa GPMB.
Tại nút giao Tân Kiên vượt trên đường Võ Trần Chí, dù đã làm được một số nhánh, nhưng mọi việc gần như bị ngưng trệ, thậm chí dừng hẳn từ khi lãnh đạo Công ty Yên Khánh bị cơ quan chức năng điều tra về những vi phạm liên quan đến cao tốc TP HCM - Trung Cao. Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho biết, đang rà soát lại để làm việc với nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tuyến Vành đai 2 khó khép kín vào năm 2023
“
Sáng 12/11, PV Báo Giao thông liên hệ với đại diện truyền thông của Công ty BĐS Tiến Phước để nắm thêm tiến độ dự án 3,4km đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầy Giây. Tuy nhiên đại diện đơn vị này trả lời không cung cấp thông tin cho báo chí. Dự án này do Sở KH&ĐT TP HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, liên lạc với lãnh đạo doanh nghiệp dự án tuyến 2,7km nối đường Võ Văn Kiệt với đường Võ Trần Chí, PV cũng không nhận được phản hồi.
”
Đáng ngại nhất là tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa. Ghi nhận của PV những ngày gần đây, công trường dự án gần như không thấy bóng dáng máy móc, công nhân thi công. Người dân ở đây cho biết, công trình này đã tạm dừng thi công mấy tháng nay. Toàn bộ công trường im ắng, không một bóng công nhân nào làm việc.
Đây là dự án BT, được ký hợp đồng chính thức ngày 25/11/2016 giữa nhà đầu tư với UBND TP HCM. Theo hợp đồng BT, nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư Văn Phú - Bắc Ái sẽ được hoán đổi 6 khu đất trên địa bàn thành phố để thi công dự án.
Tuy nhiên, ngày 11/11, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái cho biết, thành phố vẫn chưa có quyết định giao đất cho nhà đầu tư. Các thủ tục vẫn đang chuyển cho Sở Tài chính, Sở GTVT, và Sở Tư pháp rà soát nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. “Chúng tôi đã bỏ ra hơn 2.000 tỷ đồng để thi công dự án và bồi thường GPMB, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được quyết định giao đất. Một phần vốn nhà đầu tư vay ngân hàng và hiện trả lãi hàng chục tỷ đồng mỗi tháng, nếu thành phố chậm giao đất, rất khó cho nhà đầu tư”, ông Thắng nói.
Tìm hiểu của PV, tuyến Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64km, đến nay đã thi công được hơn 50km. Hiện còn 4 đoạn với chiều dài 11km, trong đó đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Gò Dưa dài 2,7km đang thi công. Riêng 3 đoạn còn lại vẫn đang nghiên cứu các phương thức đầu tư. Nhiều năm qua thành phố đã lên phương án đầu tư theo hình thức BT nhưng ít nhà đầu tư tham gia. Thành phố đang đặt ra mục tiêu đến 2023 sẽ khép kín tuyến Vành đai 2 này.
Trước đây việc quản lý các dự án này được UBND thành phố giao cho Sở GTVT làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, sau khi thành phố thành lập Ban quản lý các dự án công trình giao thông, các công trình xây dựng giao thông được chuyển về cho Ban này quản lý. Việc chồng chéo trong phân công chức năng nhiệm vụ của Sở GTVT và Ban quản lý các công trình giao thông khiến các công tác quản lý các dự án có phần lơi lỏng.
Một lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện đơn vị này đang rà soát lại tiến độ của các dự án, đặc biệt là các dự án BOT, BT để có báo cáo UBND thành phố hướng xử lý các vướng mắc, từng bước tháo gỡ khó khăn để các dự án được tiếp tục triển khai.