Bà Dương Thị Bạch Diệp, ông Nguyễn Thành Tài cùng 8 cán bộ Nhà nước hầu tòa
Bằng hình thức hoán đổi đất, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp có hành vi lừa đảo, 'thao túng' hàng loạt cán bộ tại TP.HCM, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Sáng nay (15/3), TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, gọi tắt là công ty Diệp Bạch Dương) cùng 8 cán bộ Nhà nước liên quan.
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 174, BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
9 bị can khác trong vụ án bị truy tố cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999, gồm: Nguyễn Thành Tài; Trần Nam Trang, nguyên Phó giám đốc sở Tài chính TP.HCM; Vy Nhật Tảo, Giám đốc trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM; Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc sở VH-TT&DL TP.HCM; Lê Tôn Thanh, nguyên Phó giám đốc sở VH-TT&DL TP.HCM; Lê Văn Thanh, nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM; Huỳnh Kim Phát, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM; Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Phó Giám đốc sở TN&MT; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc sở TN&MT.
Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự làm chủ tọa. Dự kiến kéo dài trong 5 ngày.
Theo truy tố, nhà đất số 185 đường Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước, được giao cho trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc sở VH-TT&DL TP.HCM) làm trụ sở.
Do cơ sở này xuống cấp nên năm 2007, trung tâm Ca nhạc nhẹ có chủ trương tìm đơn vị nâng cấp, cải tạo.
Thông qua người quen, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã liên hệ, đề xuất với trung tâm việc tìm một bất động sản khác tương đương để hoán đổi.
Theo đó, Diệp đề xuất cho công ty Bạch Diệp Dương nhận thửa đất 185 Hai Bà Trưng. Đổi lại, công ty Diệp Bạch Dương sẽ hoán đổi khu đất số 57 Cao Thắng và hỗ trợ thêm 20 tỷ đồng để TP.HCM xây dựng trung tâm ca nhạc nhẹ.
Đề xuất của bị cáo Diệp sau đó được nhiều cán bộ Nhà nước và nhiều Sở, ngành, UBND TP.HCM thông qua.
Tuy nhiên, nhóm cán bộ Nhà nước không thẩm định pháp lý khu đất 57 Cao Thắng, không phát hiện việc bị cáo Diệp thế chấp khu đất này cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vay gần 22.000 lượng vàng.
Tiếp đến, bị cáo Diệp gặp Nguyễn Thành Tài trình bày về phương án hoán đổi và được Tài đồng ý, xin ý kiến Chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm đó và được chấp thuận phương án nhưng yêu cầu phải thông qua sở Tài chính - ban Chỉ đạo 09 đề xuất.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Đào Thị Hương Lan - nguyên Giám đốc sở Tài chính thời điểm đó (nay đã bỏ trốn và đang bị truy nã) đã không căn cứ vào quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ, không tuân thủ các quy định về kiểm tra tính pháp lý khu đất, tình trạng hiện tại có tranh chấp hoặc thế chấp vay hay không mà đống ý với phương án hoán đổi.
Qua nhiều đề xuất, UBND TP.HCM đã đồng ý hoán đổi khu đất 185 Hai Bà Trưng cho công ty Bạch Diệp Dương để lấy khu đất số 57 Cao Thắng.
Sau khi thống nhất việc hoán đổi, công ty Diệp Bạch Dương nhận mặt bằng 185 Hai Bà Trưng và giấy tờ liên quan nhưng bị cáo Diệp không bàn giao giấy tờ nhà đất tại 57 Cao Thắng cho trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Cáo trạng xác định, trong quá trình làm hồ sơ hoán đổi, bà Diệp có hành vi gian dối cung cấp sổ hồng tại số 57 Cao Thắng cho Ban chỉ đạo 09 TP.HCM (bản photo) thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo.
Trong khi đó, tài sản này đã được thế chấp vay hàng ngàn lượng vàng tại Agribank TP.HCM từ 31/12/2008.
Đồng thời, bị cáo Diệp cũng không thông báo tài sản trên đang thế chấp tại ngân hàng cho các cơ quan chức năng trong suốt quá trình hoán đổi.
Bị cáo Diệp chỉ cam kết với Agribank sau khi hoán đổi xong tài sản 185 Hai Bà Trưng của công ty sẽ thay thế tài sản 57 Cao Thắng làm tài sản đảm bảo chung cho các khoản vay của công ty tại ngân hàng này.
Tuy nhiên, sau khi được cấp sổ hồng tại 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không thực hiện cam kết mà thế chấp cho ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) vay 160 tỷ đồng, hiện dư nợ gốc là 99,288 tỷ đồng, nợ lãi là 123,505 tỷ đồng.
Cáo trạng cho rằng, đủ căn cứ để xác định bị cáo Diệp đã chiếm đoạt tài sản của Nhà nước tại 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 186 tỷ đồng và bị cáo Diệp phải chịu trách nhiệm hoàn trả, bồi thường số tiền này lại cho Nhà nước.
Cáo trạng cũng nêu rõ, để xảy ra việc bị cáo Diệp chiếm đoạt được như trên là do các cán bộ đơn vị liên quan đã có hành vi sai phạm, thiếu trách nhiệm, tắc trách trong việc tham mưu đề xuất chấp thuận hoán đổi tài sản, cấp sổ hồng tại 185 Hai Bà Trưng cho công ty Diệp Bạch Dương không đúng pháp luật.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của Nguyễn Thành Tài, Đào Thị Hương Lan (Ủy viên ban Chỉ đạo 09, Giám đốc sở Tài chính TP.HCM) đã chủ trì tổ chức cuộc họp với các Sở ban ngành và các đơn vị liên quan thống nhất ý kiến trên cơ sở xác định sự việc đã rồi.
Kết quả thẩm định giá, bị cáo Tài đã ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng là hơn 187 tỷ đồng, giá trị công trình trên đất là hơn 152 triệu đồng, giá trị quyền sử dụng đất tại 57 Cao Thắng là hơn 176 tỷ đồng.
VKS xác định, hành vi của bị cáo Tài, Vi Nhật Tảo, Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum, Lê Tôn Thanh, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Thanh Nhàn, Huỳnh Kim Phát và Lê Văn Thanh đã vi phạm khoản 5 Điều 6 luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước.
Các cá nhân này đã không yêu cầu công ty Bạch Diệp Dương cung cấp bản chính sổ hồng, không kiểm tra pháp lý, không kiểm tra di biến động của tài sản 57 Cao Thắng và không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao.
Từ đó, đã không phát hiện được tài sản này đã bị bị cáo Diệp đem đi thế chấp vay ngân hàng, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.