Bà giáo ba lần được gặp Bác Hồ: Mỗi khi gặp thử thách, tôi đều nhớ đến lời Bác dạy
Nhớ từng lời dạy trong 3 lần may mắn được gặp Bác, nhà giáo Hoàng Lan Dung chia sẻ: Hình ảnh người cha già dân tộc luôn trong trái tim tôi. Mỗi khi gặp việc khó hay thử thách, tôi đều nhớ đến lời Bác dạy.
Học Bác để toàn tâm, toàn ý với nghề dạy trẻ
Trò chuyện trong ngôi nhà yên tĩnh ở phố Nguyên Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội) thấy ở bà Hoàng Lan Dung vẫn toát lên sự minh mẫn, thanh lịch của người phụ nữ Tràng An, dù sắp bước vào tuổi 90.
Bà nâng niu tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đến thăm Trường Mẫu giáo Mầm non A năm 1958 như một kỷ vật quý giá. Trong tấm ảnh, cô giáo trẻ Hoàng Lan Dung đứng cùng học trò lắng nghe từng lời Bác dạy…
Bà nhớ lại: Năm 1958, tôi được Hội Liên hiệp phụ nữ cử sang dạy học ở Trường Mẫu giáo Mầm non A (số 88 phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm). Tại đây, tôi có vinh dự được gặp Bác Hồ vào ngày 31/12, khi Bác đến thăm trường và vào lớp học tôi đang dạy.
Sau khi thăm hỏi, chia kẹo cho các cháu học sinh, Bác còn trìu mến, ân cần quay sang hỏi thăm hoàn cảnh gia đình các giáo viên và căn dặn phải đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ; chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu cho tốt. Bác dặn dò cán bộ, giáo viên và cả các cô cấp dưỡng của trường: Các cháu nhỏ chính là tương lai của đất nước. Các cô cần quan tâm, chăm sóc cả về thể lực và tri thức để các cháu phát triển toàn diện, sau này trưởng thành góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Các cháu còn nhỏ, phải nuôi dưỡng tốt mới có thể lực tiếp thu được kiến thức…
Bà kể: “Đây là lần thứ 2 tôi được gặp Bác, và thật xúc động khi Bác dù trăm công nghìn việc vẫn nhớ ra cô cán bộ phụ nữ từng nhận nhiệm vụ vào Phủ Chủ tịch làm bánh dân tộc để Bác tiếp đón khách quốc tế.
Đó là năm 1955. Khi ấy, tôi mới 21 tuổi, lúc nhận nhiệm vụ không tránh khỏi lo âu, hồi hộp không biết có hoàn thành việc tổ chức giao và vinh dự được trực tiếp gặp Bác. Chúng tôi có 3 ngày ở lại Phủ Chủ tịch để hoàn tất các khâu làm ra những chiếc bánh đậm đà hương vị dân tộc, nhưng phải đảm bảo nghiêm ngặt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Trong thời gian này, Bác luôn động viên chúng tôi hoàn thành công việc và dặn các đồng chí giúp việc cho Bác quan tâm, tạo mọi điều kiện để chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ” - Bà Dung nhớ rõ từng chi tiết.
Đong đầy cảm xúc, khuôn mặt rạng ngời khi kể về những ký ức không bao giờ nhạt phai, bà Hoàng Lan Dung bộc bạch: Mọi lo lắng tan biến khi chúng tôi được nhìn thấy, nghe Bác nói. Bác ân cần hỏi han, động viên chúng tôi như một người cha hiền hậu. Việc Bác tiếp khách quý bằng các loại bánh dân tộc với sự chu đáo thể hiện sự trân trọng, ấm áp, không hình thức, lãng phí. Những cảm xúc, suy nghĩ ấy đọng mãi trong tâm trí tôi, truyền cho tôi động lực để luôn nỗ lực vươn lên trong suốt chặng đường công tác trong ngành Giáo dục sau này…
Theo mạch cảm xúc nhớ về Bác, bà Dung kể tiếp: Đến năm 1963, tôi lại có cơ hội được gặp Bác. Lúc đó, tôi chỉ được nhìn Bác từ xa khi nhận nhiệm vụ đưa các cháu mẫu giáo đến Phủ Chủ tịch.
Chăm sóc, giáo dục trẻ cần nhất lòng yêu thương
Bà Hoàng Lan Dung, tên thật là Đỗ Thị Kim Dung, sinh năm 1934, quê ở làng Thạch Khối, tổng Vĩnh Thuận (nay là phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình). Là con gái duy nhất của một gia đình khá giả, song khi mới 14 tuổi, bà Hoàng Lan Dung đã tham gia đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội, làm nhiệm vụ rải truyền đơn, giúp đỡ đồng bào, bán công phiếu... Với lòng gan dạ, dũng cảm và tinh thần yêu nước, bà Hoàng Lan Dung luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được kết nạp Đảng khi mới 16 tuổi.
Vững tâm học và làm theo lời Bác dạy, từ một cán bộ hội phụ nữ chuyển sang làm giáo viên mầm non; luôn toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp ươm mầm trẻ thơ, bà Hoàng Lan Dung được tin tưởng, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non A.
Năm 1964, đế quốc Mỹ đẩy mạnh các hoạt động phá hoại miền Bắc, nhà trường với hơn 300 trẻ phải sơ tán khỏi thành phố. Điều kiện chăm sóc rất khó khăn, hầu hết giáo viên của trường đều chỉ từ 18 đến 20 tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy trẻ, bà Dung đã dành toàn bộ thời gian, tâm sức cho trường, cho học sinh dù phải xa gia đình, con nhỏ.
Bà tâm sự: Trẻ phải đi sơ tán, thiếu vắng tình cảm của bố mẹ. Nhiều em còn có bố mẹ vào chiến trường chiến đấu, nhớ lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”, các cháu nhỏ chính là tương lai của đất nước nên tôi đã gác lại tình cảm gia đình, dồn hết tâm sức chăm lo cho các cháu.
Đồng nghiệp tin tưởng, cấp trên tín nhiệm, năm 1967, bà Hoàng Lan Dung được điều động về Sở GD&ĐT Hà Nội, công tác tại Phòng Giáo dục mầm non, rồi làm Chánh Thanh tra đến khi nghỉ hưu vào năm 1990.
Khi nghỉ hưu, bà vẫn luôn đau đáu dõi theo sự đổi mới và phát triển của ngành Giáo dục Thủ đô và nước nhà. Bà tâm tình: Đội ngũ nhà giáo bây giờ có sự tiến bộ vượt bậc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Song điều quan trọng nhất với mỗi nhà giáo dù ở thời điểm nào, giai đoạn nào vẫn là tình yêu thương học trò. Bác Hồ đã dạy: “Cô giáo như mẹ hiền”. Khi con trẻ nhận được tình yêu thương chân thành của thầy cô giáo, chất lượng giáo dục văn hóa, rèn luyện đạo đức trong nhà trường sẽ thực chất và bền vững.
Ở tuổi 88, bà Hoàng Lan Dung vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, thường xuyên vận động con cháu cùng mọi người học tập và làm theo gương Bác. Về hưu với mức lương tuy không cao, hằng tháng bà giáo già, đảng viên đã 72 năm tuổi Đảng vẫn dành 100 nghìn đồng để hỗ trợ một trường hợp cô đơn không nơi nương tựa cho đến khi người được hỗ trợ qua đời. Hiện tại, bà vẫn là thành viên tích cực của một số quỹ nhân ái, từ thiện…
Trường Mẫu giáo Mầm non A đã trở thành cái tên thân thuộc với lớp lớp học trò; được Đảng và Nhà nước ghi nhận chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ toàn diện bằng nhiều phần thưởng cao quý. Thành tích này có được là nhờ có sự đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, trong đó có cô Hoàng Lan Dung - một trong những vị hiệu trưởng gắn bó với trường lâu nhất. - Cô Phạm Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non A