Bà giáo gần 30 năm xóa mù cho trẻ 'xóm liều'
Bằng niềm cảm thương với những số phận đặc biệt, hơn 1/4 thế kỷ qua, cô giáo Côi đã vượt mọi gian nan đi tìm học trò.
Từ những đứa trẻ lang thang trên đường phố, xóm liều, bãi rác đến những em bị thiểu năng trí tuệ đều được cô “nhặt” về dạy học.
Xóa mù cho trẻ lang thang
Đều đặn, mỗi buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, Nhà văn hóa khu dân cư số 2 (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại nhộn nhịp, ồn ã bởi những tiếng nói cười, tiếng đánh vần, đọc chữ của những cô, cậu học sinh lớn tuổi học tập bên trong “lớp học linh hoạt”.
Trong “lớp học linh hoạt” này, học sinh nhỏ tuổi nhất cũng 10 tuổi trong khi người lớn nhất năm nay đã bước qua tuổi 40. Mỗi người một hoàn cảnh, một quê quán khác nhau nhưng họ có điểm chung là đều khổ và kém phát triển về trí tuệ, nhận thức. Ở đây, có những học sinh đã theo học được hơn 15 năm.
“Chủ nhiệm” của lớp học đặc biệt này cũng là một bà giáo rất đặc biệt. Sở dĩ người giáo viên ấy đặc biệt bởi năm nay bà đã bước qua tuổi 80 và không được trả lương cho mỗi giờ lên lớp. Ấy vậy mà bà ấy đã gắn bó, cống hiến cho “lớp học linh hoạt” này được gần 30 năm trời.
Người giáo viên đặc biệt của lớp học đặc biệt ấy là bà Nguyễn Thị Côi. Bà Côi nổi tiếng khắp con ngõ 91 đường Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) và bởi tấm lòng thiện tâm, hết mình với những “đứa trẻ khiếm khuyết”.
Bà Côi nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Xuất thân từ một giáo viên giàu lòng trắc ẩn nên từ khi còn công tác, bà Côi đã tích cực tham gia các dự án giáo dục dành cho những trẻ em nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật…
Cách đây gần 30 năm, lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ (lúc đó còn thuộc quận Hai Bà Trưng) có chủ trương xóa mù chữ, mở lớp cho trẻ em lang thang cơ nhỡ. Biết được ý nghĩa của chủ trương, bà Côi liền xung phong tham gia.
Lật giở từng dòng ký ức của gần 30 năm trước, bà Côi bảo thời điểm đầu, bà nhận nhiệm vụ đi vận động những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, đánh giày, bán báo, giúp việc… ở khu vực Thanh Nhàn để tham gia lớp học miễn phí. Thời ấy, khu vực Thanh Nhàn vốn là tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, trên địa bàn không thiếu những trường hợp nghiện hút, bài bạc, tệ nạn xã hội.
Nhiều trẻ em ở các tỉnh khác về Hà Nội ban ngày thường lang thang khắp các con phố để bán báo, đánh giày, tối đến không có việc làm thường tụ tập và rất dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội. Trước bà Côi, nhiều giáo viên khác cũng đã được phân công giúp đỡ những đứa trẻ đó nhưng đều phải bỏ cuộc giữa chừng. Phần vì công việc ấy vất vả quá, phần vì những đứa trẻ đã quen sống theo bản năng và chẳng muốn học hành.
Một thân một mình vào một tụ điểm phức tạp để dạy học, ban đầu, bà Côi gặp phải những ánh mắt hiếu kỳ, dò xét của rất nhiều người, trong số đó có cả những đối tượng nghiện ngập. Bà Côi nhớ lại, trong một lần đang giảng bài cho học trò, một đối tượng nghiện đã lén lút tháo cốp xe lấy đi chiếc bình ắc quy. Lần ấy, sau giờ dạy học, bà Côi phải vất vả dắt xe đi sửa.
Cá biệt có trường hợp bà bị chính học trò của mình trộm tiền trong khi đang dạy học. Mặc dù biết là ai nhưng bà chỉ nhẹ nhàng nhắc khéo rằng “em nào nhặt được tiền cô đánh rơi thì cho cô xin lại”. Cậu học trò vì một phút giây bồng bột đã làm điều dại dột ấy sau đó đã gặp bà để trả lại số tiền kèm theo lời xin lỗi. Bà Côi chia sẻ, điều khiến bà vui nhất là cậu học trò ấy về sau đã chăm chỉ học hành, biết kính trọng cô giáo.
Cảm hóa học trò bằng cái tâm nhà giáo
Với những học sinh ngổ ngáo, cá biệt, bà Côi phải dùng cái tâm của mình để cảm hóa. Những khi trời mưa gió, các em không đi bán báo, đánh giày được, bà vẫn thường mua thức ăn cho các em. Rồi khi thời tiết chuyển mùa, ngoài giờ lên lớp, bà lại đi xin bạn bè, người thân cho các em manh áo, cái quần dày dặn hơn để mặc khi mùa đông về. Rồi có lần, chứng kiến học sinh của mình bị chủ trọ đến tận lớp đòi tiền vì nợ lâu quá, bà bỏ tiền túi ra để thanh toán giúp.
Thương cho phận đời của học trò, bà Côi khuyên chúng nên trở về địa phương để gần gũi với người thân và không còn phải chịu cảnh lang thang, cơ nhỡ. Lứa học trò ấy về sau có người đã vào trường đại học rồi ổn định cuộc sống. Với bà Côi, đó là niềm động viên, thành quả lớn nhất cho những nỗ lực mà cô và trò đã bỏ ra.
Lớp học đặc biệt của bà Côi đã nhiều lần chuyển địa điểm, bây giờ “dừng chân” tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 (phường Tân Mai) để đón những học sinh bị thiểu năng trí tuệ.
Bà Côi chia sẻ, để dạy được những học sinh đặc biệt, điều tiên quyết đầu tiên là phải hết sức kiên nhẫn. “Nhiều em trí tuệ, tinh thần đều không bình thường. Nếu la mắng các em sẽ rất dễ bị kích động dẫn đến chán nản về sau. Nên để dạy được các em, bản thân mình phải rất nhẹ nhàng, sai thì uốn nắn chứ đặc biệt không được nóng giận dễ làm tổn thương các em”, bà Côi tâm sự.
Ở lớp học của bà Côi, có những trường hợp học sinh, học một chữ cái đến cả tháng trời vẫn không trôi. Vì vậy, bà Côi phải dạy từng học sinh, sau khi thuộc một chữ cái mới tiếp tục dạy những chữ cái tiếp theo.
Bên cạnh những giờ học kiến thức, bà Côi còn dạy các em về những kỹ năng sống, những phép tắc ứng xử trong cuộc sống thường ngày.
Đối với những học sinh đặc biệt của mình, bà Côi bảo không chỉ dạy các em biết đọc, biết viết, mà gặp người lớn các em biết chào hỏi, biết phụ giúp bố mẹ việc nhà và không quậy phá… Với mỗi trường hợp học sinh có tiến bộ, bà Côi đều động viên, khuyến khích bằng những điểm số 9, 10 hoặc tự bỏ tiền túi ra để mua những món quà nhỏ nhằm khích lệ tinh thần các em.
Sống một cuộc đời ý nghĩa
Ngày nào cũng đến lớp, với bà Côi đó là thói quen, là niềm vui khó bỏ. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lớp học phải tạm ngừng, bà Côi nhớ lớp, nhớ học sinh. Bà bảo, những ngày ấy bà thấy bứt rứt, khó chịu trong người. Cả ngày quanh quẩn trong nhà, bà mong dịch bệnh chóng qua để đến lớp với học trò. Nhiều khi nhớ lớp quá, bà vẫn nhờ người chở xuống lớp học để lau dọn vệ sinh và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ chờ đón học sinh trở lại.
Bà Côi bảo, gần 30 năm “gõ đầu” những đứa trẻ đặc biệt, “thù lao” lớn nhất, duy nhất và cũng khiến bà vui mừng nhất đó là sự trưởng thành của những đứa trẻ từ lớp học. Trái ngọt tiêu biểu là 2 học sinh tên Hương và Thủy. Vì gia cảnh nghèo khó, không có tiền đi học sau được bà tìm đến gia đình vận động và nhận vào lớp, hai học sinh này đều đỗ đại học. Cũng có nhiều học sinh từ lớp học đặc biệt ấy mà trưởng thành, lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định. Những học sinh ấy coi bà như ân nhân và giữa bộn bề cuộc sống vẫn lại qua thăm hỏi bà như máu mủ ruột già.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, hình ảnh một cụ bà tóc ngắn ngang vai, tay mang lỉnh kỉnh đồ dùng dạy học di chuyển bằng xe ôm đến lớp để dạy học cho những đứa trẻ khuyết tật đã quá quen với người dân sinh sống tại khu dân cư số 2 phường Tân Mai. Những tiếng đánh vần ê a, tiếng cười đùa của những đứa trẻ khuyết tật mỗi giờ ra chơi trước kia ồn ào, khó chịu nhưng giờ đã hóa thân thương, trìu mến.
Bà Côi bảo, mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình một cách sống khác nhau và với bà, được thấy những nụ cười hồn nhiên, vô tư và chứng kiến những học trò đặc biệt của mình tiến bộ từng ngày là bà thấy bản thân mình đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Theo bà Côi, dạy trẻ khiếm khuyết ngoài tình thương, kiên nhẫn, điều cần thiết nữa là sự thường xuyên. Bà Côi hiểu rằng, việc học nếu gián đoạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0. Chính vì thế nên ngay cả những khi thay đổi thời tiết, người yếu, bà vẫn gắng đến lớp. “Đó cũng là cách để tôi làm gương cho các em. Việc học phải thường xuyên mới có ngày tiến bộ được”, bà Côi tâm sự.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ba-giao-gan-30-nam-xoa-mu-cho-tre-xom-lieu-post622831.html