Bà giáo già 27 năm dạy chữ không công cho trẻ thiểu năng, lang thang cơ nhỡ
Suốt 27 năm qua bà Nguyễn Thị Côi đã làm công việc mà nhiều người cho là 'dở hôi' khi dạy học không công cho những đứa trẻ tăng động, thiểu năng, lang thang cơ nhỡ.
Năm nay đã 79 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Côi - quận Hoàng Mai – TP. Hà Nội vẫn miệt mài làm công việc ươm mầm con chữ cho những đứa trẻ tăng động, thiểu năng trí tuệ và lang thang cơ nhỡ.
Bà Côi nhớ lại, năm 1994 khi công tác xóa mù chữ của TP Hà Nội được phát động bà đã đồng ý giảng dạy cho những đứa trẻ nghèo, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn.
Thời ấy, bà là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Ban ngày khi bà đến trường làm công việc của một giáo viên thì lũ trẻ lang thang đứa đi đánh giày, đứa bán báo, đứa làm ô sin thậm chí đi ăn xin. Vậy nhưng khi tối đến bà hiệu trưởng lại lên lớp với những đứa học trò đặc biệt đó.
Sau 9 năm, công tác xóa mù chữ của thành phố kết thúc cũng là lúc bà Côi quen dần với công việc không công buổi tối và bà đã quyết định sẽ tiếp tục duy trì những lớp học đó.
Không có kinh phí duy trì, nhiều đêm bà trằn trọc không ngủ. Sáng ra bà lại chạy vạy ngược xuôi để xin sách vở, bút mực rồi tự bỏ tiền lương của mình ra để mua sách vở cho các em.
Có thời điểm, kinh tế lao đao vì không chỉ lo cho các em mà còn lo cho 5 người con đang tuổi ăn, tuổi học bà phải bươn chải, chắt chiu dành dụm các khoản chi tiêu rồi xoay đủ nghề. Ngoài giáo viên bà làm thêm ruộng, chăn gà chăn vịt, trồng rau nhưng vẫn quyết tâm dạy đến cùng.
Thế rồi cứ năm nay qua năm khác bà đã gắn bó với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng” đó đã 27 năm.
Bà Côi chia sẻ, dạy học cho những đứa trẻ đặc biệt này vất vả hơn rất nhiều so với công việc hàng ngày của bà.
Một buổi học, bà phải kiêm nhiệm vụ của nhiều giáo viên khi vừa dạy tiếng Việt vừa dạy Toán rồi đủ thứ môn. Có những em học chữ “C” mà hàng tuần hàng tháng, thậm chí hàng năm cũng chẳng thuộc, bà phải dạy đi dạy lại, đến bao giờ thuộc và nhận được mặt chữ thì thôi. Có những em học 5 năm phổ thông khi đến với bà cũng chỉ mới bắt đầu học đọc viết, tính toán.
Với những học trò đặc biệt như thế nên bà phải dạy từng em, không em nào giống em nào, cũng không thể nào dạy đại trà như chương trình phổ thông.
Em Tùng, 26 tuổi, lớp phó của lớp kể: “Có lần đang trong giờ học có bạn lên cơn động kinh nên bà phải sơ cứu để giúp bạn đó tỉnh lại. Dù bị cào cấu xước cả da nhưng bà đều nói không sao. Em cảm thấy rất vui khi được bà dạy chữ. Bà như người mẹ của em vậy”.
Không chỉ dạy con chữ, bà còn dạy các em ca hát, nhảy múa và một số kỹ năng sống khác như quét nhà, quét sân, nhà vệ sinh rồi đến tắm giặt, phơi quần áo,...
“Với phương pháp học mà chơi, chơi mà học những giờ học của bà Côi luôn sôi nổi và thu hút. Đi học vui lắm. Em yêu cô giáo”, em Quang – một học sinh của bà Côi chia sẻ.
Mỗi một học sinh trong lớp bà đều nắm bắt rõ từ hoàn cảnh gia đình tới tình trạng sức khỏe, khả năng học tập và quá trình phát triển của các em từ khi bắt đầu tới học.
Với những em có khả năng học lên cao, bà viết giấy giới thiệu để được nhận vào trung tâm giáo dục thường xuyên.
“Chẳng mong gì nhiều, bà chỉ muốn những lứa học sinh mình dạy dỗ có thể tự lao động để trở thành những người có ích và nuôi sống được bản thân”, bà Côi tâm sự.
Với 27 năm gắn bó và làm công việc dạy học cho những học trò đặc biệt, tấm lòng của bà Côi không chỉ được nhiều phụ huynh ghi nhận mà còn là câu chuyện ý nghĩa lan tỏa trong xã hội.
Với những cống hiến của mình bà Côi xứng đáng được vinh danh là “Người tốt, việc tốt”, được khen thưởng trong phong trào xóa mù chữ và được tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”.