Bà giáo làng ở Ninh Bình nổi tiếng với kênh Tiktok dạy Ngữ văn

Đã 15 tháng 'có mặt' trên mạng xã hội đình đám là Tiktok, các video của bà giáo làng 74 tuổi Ngô Thúy Trình (tổ dân phố 5, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh) vẫn không ngừng gây 'hot' với tâm huyết, tấm lòng của cô giáo với bộ môn Văn học.

Cô giáo Ngô Thúy Trình trong một buổi giảng bài để quay video phát trên kênh TikTok.

Cô giáo Ngô Thúy Trình trong một buổi giảng bài để quay video phát trên kênh TikTok.

Trong ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ, vật dụng chẳng có gì đáng giá ở tổ dân phố 5, thị trấn Yên Ninh, cô Ngô Thúy Trình đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi về hành trình trở thành một TikToker được hàng triệu người theo dõi ở khắp các tỉnh, thành biết đến.

Cô Ngô Thúy Trình tâm sự: Những năm tháng gắn bó với sự nghiệp bảng đen, phấn trắng của cô còn nhiều khó khăn, vất vả. Có những thời điểm, sau khi về mất sức từ năm 1986, cô đã có gần chục năm không động đến sách vở, quên đi mình đã từng là một nhà giáo để lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, một mình nuôi 2 con ăn học. Rồi những đêm trăn trở với sự nghiệp dở dang, cô quyết định mở lớp dạy thêm môn Văn cho học sinh ở địa phương vì tình yêu với môn Ngữ văn và vì không muốn học sinh cảm thấy "áp lực" khi theo đuổi môn học này.

Ngôi nhà nhỏ chỉ có khoảng hơn 20 m2 nhưng có thời điểm có tới hơn 40 học sinh theo học. "Học văn là học làm người"- câu nói đó luôn được cô Trình vận dụng trong các bài giảng của mình để học sinh không chỉ hiểu bài, mà còn biết vận dụng những bài học, kiến thức đã học vào cuộc sống, trong ứng xử với gia đình, xã hội…

Cho đến tận bây giờ, cô Trình vẫn tự hào với học sinh lứa 8x, 9x, không chỉ trưởng thành, nhiều em thành đạt trong công việc nhưng luôn trân trọng và nhớ về cô giáo dạy Văn với những tình cảm trìu mến, vẫn dành thời gian về thăm cô mỗi dịp lễ, Tết

Cơ duyên để cô Trình lập kênh TikTok cũng hết sức tình cờ. Cô có cô bạn là giáo viên Toán nghỉ hưu một lần động viên cô nên học cách sử dụng điện thoại thông minh để có thể ứng dụng được nhiểu trong công việc và cuộc sống. Khi thấy cô Trình bày tỏ mong muốn được truyền đạt, lan tỏa kiến thức Văn học cho càng nhiều học sinh càng tốt, cô bạn đã chỉ cho cô chỉ có mạng TikTok và Youtube mới có khả năng lan tỏa rộng khắp.

Với chiếc smartphone đầu tiên là chiếc Iphone 5 do con trai tặng, cô đã dành thời gian để học cách sử dụng các ứng dụng rồi có sự hỗ trợ của cô con gái út để học cách lập kênh trên TikTok. Vì cả 2 con đều lập gia đình và không ở cùng mẹ nên một mình cô đã mày mò tự quay các video chia sẻ cách làm bài nghị luận xã hội và phân tích tác phẩm văn học trên Tiktok.

Vì đã lâu không đứng trên bục giảng, sợ mình sẽ lạc hậu với những đổi mới của giáo dục, của bộ môn Ngữ văn, cô Trình thường xuyên kết nối với một người học trò cũ hiện là giáo viên dạy Văn cấp THPT. Cô trò thường chia sẻ chuyên môn, kiến thức môn Văn, qua đó giúp cô cập nhật và hoàn thiện cho mỗi bài giảng của mình.

Mở cuốn sổ soạn bài của mình cho chúng tôi xem, thật ngưỡng mộ vì ở độ tuổi ngoài 70 nhưng cô Trình vẫn giữ được nền nếp trong việc soạn bài giảng. Mỗi video là một bài giảng khác nhau đều được cô Trình soạn trước, đánh dấu các nội dung trọng tâm để khi giảng theo "mạch" logic. Thêm nữa, chữ viết của cô rất đẹp.

Dù tuổi cao nhưng cô giáo Ngô Thúy Trình luôn trau dồi kiến thức.

Theo dõi kênh Tiktok cá nhân của cô Ngô Thúy Trình có địa chỉ: @cogiao ngothuytrinh, các bài giảng như: cách làm bài nghị luận xã hội, phân tích tác phẩm văn học, kỹ năng viết bài, công thức phân tích một câu thơ cho ý phong phú, cách phân tích một chi tiết trong văn xuôi... nhằm phục vụ đối tượng học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 luôn thu hút lượt theo dõi và yêu thích.

Bắt đầu lập kênh từ tháng 3/2023, đến nay sau 15 tháng, cô Trình đã ra được 187 video. Video đầu tiên của cô thu hút hơn 4 triệu người xem, video có lượt xem cao nhất cho đến thời điểm hiện tại là 8,9 triệu người xem. Hiện tài khoản Tiktok của cô cũng có 473.000 lượt theo dõi, 3,7 triệu lượt thích.

Nói về các video gây "bão mạng" thời gian qua, cô Trình cho biết: Tôi nghĩ rằng việc phát công khai trên kênh TikTok như thế sẽ giúp nhiều học trò có thể xem bài giảng miễn phí thay vì phải bỏ tiền ra mới có được kiến thức. Hơn nữa, ngày nay học trò xem các video trên mạng nhiều nhưng ít quan tâm đến các nội dung giáo dục. Tôi hy vọng những video này sẽ giúp các em quan tâm đến việc học Văn hơn.

Không chỉ thu hút lượng người theo dõi ngày càng nhiều trên kênh TikTok, mà sức hấp dẫn từ các video đã dẫn đường cho nhiều phụ huynh, học sinh tìm đến cô để xin được học môn Văn. Hè năm 2023, có một gia đình ở phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) đã tìm về tận nhà để mời cô lên dạy ôn tập cho con trai và các bạn. Cô Trình đã có 10 buổi dạy cho 5 học trò ở thủ đô và đến nay cô trò cũng như phụ huynh luôn giữ mối liên hệ rất thân thiết, gắn bó.

Một mình trong căn nhà nhỏ và mỗi buổi dạy Văn cũng chỉ có một mình chuẩn bị mọi khâu: từ bài giảng, set up máy điện thoại, dụng cụ để quay…, bà giáo già nhỏ bé chỉ độ hơn 40kg vẫn miệt mài với các bài giảng chia sẻ kiến thức. Gần ngày diễn ra các kỳ thi vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT, cô đăng tải các video nhiều hơn, có khi 4 video/tuần để phục vụ cho việc học, rèn các kỹ năng của học sinh.

Sự động viên, khích lệ của lứa học trò đáng tuổi con cháu, những góp ý chân thành đã giúp cô hoàn thiện hơn cho những video sau chỉn chu. Tuy nhiên, như cô Trình chia sẻ, do tuổi cao, không rành công nghệ nên nhiều khi bấm nhầm nút nào đó là công sức của cả buổi giảng 'đổ xuống sông xuống biển" hoặc khi chỉ vì nói sai một từ cũng phải quay lại toàn bộ…

Dành nhiều tâm huyết cho kênh TikTok với mong muốn ngày càng có thêm nhiều học trò yêu môn Ngữ văn hơn, ít ai biết cô Ngô Thúy Trình còn là chủ biên của cuốn sách "Kỹ năng làm bài môn Ngữ văn trong trường phổ thông", là tài liệu thiết thực và ý nghĩa để giáo viên và học sinh tham khảo.

"Khoe" với chúng tôi về tập truyện Kiều được viết tay rất công phu, cô Trình kể cô đã 4 lần viết lại truyện Kiều, đóng thành tệp làm kỷ niệm và đến nay cô thuộc tầm 500 câu/3.254 câu kiều. Dù tuổi cao, sức khỏe đã kém, con cái cũng không khuyến khích mẹ tiếp tục kênh TikTok vì sợ mẹ mệt nhưng với cô Trình, được chia sẻ những kiến thức về Văn học là việc mà cô luôn muốn thực hiện lâu nhất có thể…

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ba-giao-lang-o-ninh-binh-noi-tieng-voi-kenh-tiktok-day-ngu/d20240521184827305.htm