Bà giáo tận tâm với những học trò không may mắn

Đã hơn 17 năm, kể từ ngày bà giáo Nguyễn Thị Thông, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) lập ra lớp học với tất cả tình thương và sức lực dành cho những học trò không may mắn. 17 năm qua, bà lặng lẽ gieo mầm con chữ nơi cửa biển ầm ào tiếng sóng.

Một lời hứa, cả đời trăn trở

Nơi tôi đến là cửa biển Hậu Lộc ầm ào sóng xô. Người dân nơi đây kể rằng, suốt mười mấy năm qua, bà Nguyễn Thị Thông không chồng con, âm thầm mở lớp dạy học cho các em với đủ mọi số phận cơ cầu. Bà đi xin từng chút kinh phí để xây dựng trường, lớp, sửa chữa bàn học, mua đồ dùng học tập... để truyền dạy kiến thức cho học sinh.

Năm nay, bà Thông dẫu đã 70 tuổi, nhưng tiếng nói và lời giảng vẫn sang sảng. Lớp học của bà giáo Thông nằm bên bờ cửa biển Hậu Lộc, chỉ vỏn vẹn vài ba bộ bàn ghế đơn sơ. Điều đặc biệt, phụ huynh gửi gắm con em mình để bà giáo Thông dạy dỗ ngoài việc học chữ, mà cao hơn là học làm người, học cách sống làm người.

Tuổi thơ bà giáo Thông đã đôi lúc phải lỡ dở việc học hành. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ bà cả một đời gắn bó với mảnh vườn, góc sân, còn bà Thông thì lao vào học hành. Cuối cùng thì ước mơ trở thành người “lái đò” chở con chữ của bà cũng trở thành hiện thực. 30 năm hoạt động giáo dục chuyên nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Thông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 2001, được nghỉ chế độ hưu trí, thế nhưng bà vẫn thấy trong lòng canh cánh, day dứt điều gì đó. Khát vọng dạy học chưa trút bỏ mà còn càng đè nặng thêm. Ở tuổi này, bà đã hiểu bà không cảm thấy cô đơn vì không có gia đình, bởi thanh xuân, hạnh phúc của bà là ở trường, ở lớp, được nghe tiếng nói trẻ thơ, thấy học sinh khôn lớn trưởng thành. Vậy nên bà sống với một ý nghĩa: Xóa mù chữ cho trẻ nghèo, mặc cho ai nói ra nói vào.

 Bà giáo Nguyễn Thị Thông.

Bà giáo Nguyễn Thị Thông.

Từ năm 2002, bà đề nghị với địa phương xin phép mở lớp học tình thương tại ngôi nhà nhỏ của mình. Ngay từ khi có ý định mở lớp học, bà Thông ấp ủ một hy vọng bé nhỏ mà chính bà cũng không thể tưởng tượng nổi, bởi có nhiều em đến theo học đến thế. Đối với bà Thông thì tất cả vẫn còn bề bộn, bà vẫn đang hoàn thiện trong cương vị một người thầy của danh dự, tình yêu, và chỉ khác một điều với các lớp học khác là: Không học phí.

Nâng cánh ước mơ cho những số phận nghèo

Lớp học của bà giáo Thông có nhiều điều đặc biệt. Có em 8 tuổi nhưng có em 14, 15 tuổi, thậm chí có em 19 tuổi. Mỗi em đến đây với một hoàn cảnh khác nhau, số phận khác nhau. Nhiều em không được lành lặn hoặc có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đông nhất là số em mồ côi cả cha lẫn mẹ, những em học sinh bị khuyết tật bẩm sinh. Dù thế nào đi chăng nữa, lớp học của bà giáo Thông vẫn chào đón các em như ngôi nhà thứ hai của mình. Vì khi được theo học ở đó, thì ít ra các em ngoài việc được chăm lo về đời sống, ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, học hành đến nơi đến chốn, thì nói chung các em được phát triển toàn diện cả về thể chất và nhân cách.

Như em Nguyễn Văn Dương, sinh năm 2000, là học sinh lớn nhất lớp, nhiều năm sống và học tập dưới sự dìu dắt của bà giáo Thông, nay đã là một thanh niên khá trưởng thành. Nói về số phận của Dương, ai cũng thấy chạnh lòng, vì Dương bị bệnh đao bẩm sinh, đi lại, nói năng đều rất khó khăn. Nỗi đau ấy đã khiến cuộc đời em chìm đắm trong cái gọi là định mệnh, những tưởng chẳng bao giờ được đến trường, ngồi học cùng chúng bạn. Thế mà chỉ có 5 năm chịu khó đèn sách, ngoài nỗ lực bản thân, cộng thêm sự dìu dắt của bà giáo Thông, em từ chỗ không biết đọc, biết viết, sống một cuộc sống gần như thực vật, đã từng bước vươn lên thành người gần như phát triển bình thường.

Hành trình tìm chữ cho học sinh tật nguyền vùng biển, đối với bà Thông không phải bao giờ cũng dễ dàng. Những ngày đầu tiên ấy, lớp học đìu hiu, vắng vẻ. Gọi là lớp học nhưng đó chỉ là một căn phòng chưa đầy 6m2. Nơi ấy cũng chính là ngôi nhà tạm bợ của bà giáo Thông cùng người chị gái mù. Hai người sống nương tựa vào nhau. Dù cả hai đều không có một gia đình riêng, theo đúng nghĩa đen, nhưng họ đã cùng nhau nguyện làm những công việc hữu ích. Năm học đầu tiên, thiếu thốn trăm bề, đến nỗi bà phải gỡ từng tấm ván trong ngôi nhà mình để làm bảng đen, làm bàn cho học sinh viết. Năm 2010, chính quyền địa phương đã quan tâm bằng cách bố trí phòng học tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Ngư Lộc để bà giáo Thông và các học trò của mình có thể yên tâm hơn trong đời sống. Lớp học mới rộng 20m2 với một tấm bảng to, 5 bộ bàn ghế đủ kiểu dáng, sạch sẽ. Đến với lớp học mới, các em càng có nhiều cảm hứng để chăm học hơn, nhờ đó mà kết quả học tập tiến bộ hơn.

Bàn ghế, dụng cụ giảng dạy, phấn trắng, bảng viết... được bà sắp đặt ngăn nắp, để các em có môi trường học tập lành mạnh. Phần bên phải được dành cho lớp 1, lớp 2, bên trái dành cho lớp 3, lớp 4, còn riêng phần lớp 5 được cô giáo ra bài rồi trực tiếp làm ngay trên vở. Những em học sinh trong lớp được cô giáo chia thành các nhóm: nhóm trẻ câm điếc, nhóm trẻ thiểu năng, nhóm trẻ khuyết tật, qua đó giúp các em có thể hòa nhập dễ dàng. Để truyền đạt ý tưởng học tới các học sinh câm điếc, bà dùng khẩu hình rõ ràng, ánh mắt, biểu cảm và các ký hiệu để các em có thể hiểu được ngôn ngữ và thông tin.

Tôi lùi lại góc lớp học, để ngắm nhìn và cảm nhận về tình cảm cô trò trong lớp học. Vì nguyên cớ gì, một cô giáo, không gia đình riêng, không cần tiền bạc, danh vọng, không cần sự nổi tiếng, từ trái tim mình, bằng cách riêng của mình, thực hiện công việc “chở đò” thầm lặng đến thế. Ghi nhận sự cống hiến ấy là 24 tấm bằng khen được bà giáo Thông treo trang trọng trên bức tường đã cũ màu sơn. Nhưng đối với bà giáo Thông, bằng khen hay giải thưởng đều không quan trọng bằng việc tiếp tục được thắp sáng ngọn lửa học hành cho các số phận không may mắn.

Và ở đây, trong lớp học nhỏ bé này, trong vòng tay của bà giáo già, dường như có một ý chí mãnh liệt: Đã học rồi nhất định sẽ thành người. Mỗi ngày, ngoài việc chuẩn bị bài giảng sát với khả năng, nhận thức của các em, bà Thông còn tận tâm giảng đi, giảng lại nhiều lần cốt để các em có thể nắm được nội dung cần thiết trong bài học. Bà hiểu rằng, với các em bình thường, có lẽ cũng chỉ mất đến một năm là các em đọc thông, viết thạo, biết tính toán sơ đẳng, còn đối với các em khuyết tật, việc đó không thể sốt sắng mà phải kiên trì, vì thế dù có phải mất 3 hoặc 5 tháng đi chăng nữa để các em nhớ mặt chữ, bà cũng sẵn lòng làm việc đó một cách tận tụy, hết mình.

Trong đám học trò của bà Thông, nhiều em trong quá trình học vẫn giữ nét ngộ nghĩnh như đang học thì khua chân múa tay, không chịu ngồi yên, có em lầm lì cả một ngày trời chẳng nói câu nào. Những ngày trái gió trở trời, nhất là mùa đông băng giá, có em bị đau đầu đột ngột, la hét inh ỏi, cào cấu liên hồi, thấm chí còn cắt xé quần áo. Nhưng bằng tình thương của của một người bà, người mẹ, bà Thông đã dần dần từng bước khiến lòng các em được sưởi ấm hơn. Bà nghiệm ra sau nhiều năm dạy học là, lúc ấy, dù thế nào cũng tuyệt đối không được to tiếng, mà cần một trái tim ấm áp để trấn tĩnh các em. Đôi khi chỉ bằng một cử chỉ âu yếm, ôm học trò vào lòng cũng khiến các em cảm thấy được an ủi, vỗ về.

Trước khi chia tay chúng tôi, bà giáo Thông tâm sự: “Tôi mong rằng, mọi người cùng chung tay vì sự học ngày mai của các em, để các em được vươn cao, vươn xa hơn, đến gần hơn với chân trời tri thức. Chừng nào còn sức khỏe, còn trí lực, chừng đó tôi sẽ tiếp tục công việc giáo dục của mình. Vì điều đó với tôi, là một duyên nghiệp”.

Bài và ảnh: VŨ MINH PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/ba-giao-tan-tam-voi-nhung-hoc-tro-khong-may-man-613079